Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Pháp sẽ rút toàn bộ quân, đại sứ khỏi Niger, sự sụp đổ của đế chế đô hộ các quốc gia châu Phi



ĐNA -

Ngày 25/9/2023, Reuters đưa tin, Pháp sẽ rút 1.500 binh lính ra khỏi Niger vào cuối năm 2023. Thông báo được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra sau 2 tháng kể từ khi đảo chính nổ ra ở quốc gia Tây Phi. Quyết định này đã giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực tồn tại của Pháp ở khu vực châu Phi. 

Người dân ủng hộ chính quyền mới của Niger tham gia biểu tình trước căn cứ quân sự Pháp ở Niamey, ngày 11/8. Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày ngày 25/8, Chính quyền mới ở Niger đã ra lệnh cho đại diện ngoại giao Pháp rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ. Tuyên bố cho biết, quyết định trục xuất Đại sứ Pháp Sylvain Itte được đưa ra một phần là do ông từ chối trả lời lời mời gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger vào ngày 25/8.

Tuyên bố cũng trích dẫn “những hành động của Chính phủ Pháp trái với lợi ích của người Niger” mà không nêu rõ chi tiết. Chính quyền mới của Niamey đã cáo buộc Paris lên kế hoạch can thiệp quân sự vào nước này để khôi phục Tổng thống Bazoum. Họ cũng tuyên bố, khối Tây Phi ECOWAS “được Pháp trả tiền”.

Niger trước dây là thuộc địa dưới sự cai trị của Pháp.  Hiện tại Pháp đang duy trì khoảng 1.500 binh sĩ trú đóngở Niger với danh nghĩa chống thánh chiến ở Sahel. Nói về quyết định rút lực lượng, ông Macron cho biết, chính quyền hiện tại của Niger “không còn muốn Pháp hiện diện trên Niger”.

Pháp đã từ chối công nhận chính quyền quân sự, phe đảo chính ở Niger, là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp. Tuy nhiên, ông Macron cho biết Paris sẽ phối hợp với phe này để hoạt động rút quân được tiến hành.

“Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của phe đảo chính vì chúng tôi muốn mọi việc diễn ra có trật tự”, ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với các đài truyền hình TF1 và France 2 của Pháp.

Ông Macron cho biết thêm rằng đại sứ Pháp cũng đã được rút đi và sẽ trở về nước trong vài giờ tới. “Pháp đã quyết định rút đại sứ. Trong những giờ tới, đại sứ của chúng tôi và một số nhà ngoại giao sẽ trở lại Pháp”, ông Macron nói, song không nêu thêm chi tiết.

Ngoài ra, ông Macron tuyên bố ông vẫn coi Tổng thống Mohammed Bazoum, hiện đang bị các thủ lĩnh phe đảo chính bắt giữ, là nhà lãnh đạo hợp pháp của Niger và đã thông báo cho ông này về quyết định của mình.

Trong một diễn biến khác, theo trang web của Cơ quan An toàn Hàng không ở châu Phi và Madagascar, phe quân sự của Niger đã cấm máy bay Pháp bay qua không phận nước này. Không rõ liệu điều này có ảnh hưởng đến việc đại sứ được đưa đi hay không.

Sau hàng loạt quyết định của Pháp, các nhà lãnh đạo quân sự của Niger nói rằng “đây là một bước tiến mới hướng tới chủ quyền” của quốc gia Tây Phi.

Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Bazoum là lần thứ ba điều này xảy ra tại khu vực trong vòng 3 năm. Các hành động tương tự ở Mali và Burkina Faso vào năm 2021 và 2022 cũng buộc quân đội Pháp phải rút lui.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính ở Niger đặc biệt gây tổn hại cho ông Macron sau khi ông tìm cách duy trì hiện diện của Pháp trong khu vực sau cuộc đảo chính ở Mali. Mỹ cũng có hơn 1.000 quân ở nước này.

Sự ra đi của Pháp, diễn ra sau nhiều tuần chịu áp lực từ chính quyền quân sự và các cuộc biểu tình của người dân, có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại của phương Tây về ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga ở châu Phi. Lực lượng đánh thuê Wagner của Nga đã có mặt ở nước láng giềng Mali của Niger.

Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Niamey, bao gồm ở bên ngoài một căn cứ quân sự có lính Pháp đồn trú. Chính quyền mới đã yêu cầu Đại sứ Pháp và quân đội phải rời Niger sau khi ông Macron từ chối công nhận cuộc đảo chính.

Đầu tháng này, ông Macron cho biết Đại sứ Pháp cùng các nhân viên đang “bị bắt làm con tin theo đúng nghĩa đen” trong Đại sứ quán và họ phải ăn lương khô quân đội do không có thức ăn được giao tới.

Rút quân và cơ quan ngoại giao khỏi Niger, Paris và phương Tây mất chỗ đứng và không còn căn cứ quân sự nào nữa ở vùng Sahel của châu Phi. Trước đấy, Pháp đã phải rút quân ra khỏi 2 nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso.

Như thế còn có nghĩa là Pháp không chỉ mất ảnh hưởng mà còn bị đẩy hoàn toàn ra khỏi các nước thuộc địa cũ này. Những đồng minh lâu năm của Pháp và phương Tây ở vùng Tây Phi giờ đã trở thành địch thủ. Vai trò, ảnh hưởng và uy danh của Pháp và phương Tây bị tổn hại rất nặng nề. Pháp càng thêm cay đắng khi Mỹ không đối đầu chính quyền quân sự ở Niger như Pháp, mà vẫn duy trì liên hệ với chính quyền quân sự ở Niger. Rõ ràng là Mỹ chưa buông bỏ Niger hoàn toàn như Pháp và không muốn phó mặc quốc gia này cho ảnh hưởng của Nga. Pháp và Mỹ như thế thì sẽ không xảy ra chuyện bên ngoài can thiệp quân sự vào Niger.

Chy Lê