Phật giáo từ lâu đã là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trải qua hơn hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo không chỉ là chốn tâm linh của hàng triệu người dân, mà còn hòa quyện sâu sắc vào nếp sống, phong tục và đặc biệt là trong các giá trị thẩm mỹ và trang phục truyền thống. Trong dòng chảy văn hóa ấy, việc vận dụng các loại hình trang phục dân tộc như áo ngũ thân, áo tứ thân, áo nhật bình vào pháp phục và nghi lễ Phật giáo ngày nay không chỉ thể hiện sự tiếp nối truyền thống mà còn khẳng định mối gắn bó bền chặt giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Áo ngũ thân: Hơi thở đạo hiếu trong từng đường kim mũi chỉ
Ra đời từ thời chúa Nguyễn và định hình rõ nét vào đầu thế kỷ 18, áo ngũ thân không chỉ là tiền thân của áo dài truyền thống Việt Nam mà còn hàm chứa những giá trị đạo lý sâu sắc. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc một cách thể hiện tinh tế triết lý “uống nước nhớ nguồn”, thấm đẫm tinh thần hiếu đạo của dân tộc. Khi hiện diện trong không gian văn hóa Phật giáo, nơi đề cao chữ hiếu như cội rễ của mọi điều thiện, ý nghĩa ấy lại càng trở nên thiêng liêng và sâu sắc hơn bao giờ hết.
Không phải ngẫu nhiên mà áo ngũ thân trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều Phật tử, nhất là trong các dịp lễ hội lớn như Đại lễ Phật đản, Vu Lan hay các khóa tu tại chùa. Chiếc áo với dáng vẻ nghiêm trang, kín đáo, phom dáng chuẩn mực giúp người mặc thể hiện sự kính trọng đối với Tam Bảo, đồng thời giữ gìn nếp sống thuần hậu của người Việt. Ngày nay, tại Huế, nơi sản sinh và định chế áo ngũ thân trở thành quốc phục của Đàng Trong từ năm 1744, hình ảnh các Phật tử khoác trên mình áo dài năm thân trong các nghi lễ trọng đại đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và bản sắc dân tộc.

Áo tứ thân: Trang phục dân gian gắn liền với chốn thiền môn.
Trước khi áo ngũ thân trở nên phổ biến, áo tứ thân từng là loại trang phục đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với thiết kế giản dị gồm bốn vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, áo tứ thân là biểu hiện của sự đôn hậu, đảm đang và nền nếp gia phong.
Trong môi trường Phật giáo, sự giản dị và kín đáo của áo tứ thân rất phù hợp với tinh thần từ bi, khiêm cung và buông xả. Đặc biệt, trong các lễ hội Phật giáo dân gian như hội chùa Keo, hội chùa Hương hay lễ hội làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh những người phụ nữ mặc áo tứ thân kết hợp với khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao đi lễ chùa tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Đây không chỉ là sự thể hiện lòng thành kính mà còn là hành động gìn giữ, tái hiện truyền thống trong đời sống tâm linh hiện đại.

Áo nhật bình: Dáng dấp cung đình trong pháp phục Phật giáo
Khác với áo ngũ thân và áo tứ thân vốn là trang phục dân gian, áo nhật bình bắt nguồn từ trang phục cung đình triều Nguyễn, vốn được dành riêng cho công chúa, quý phi và nữ giới trong hoàng tộc. Tuy nhiên, với sự tiếp biến khéo léo, áo nhật bình đã được Phật giáo Việt Nam tiếp nhận, chỉnh sửa và sử dụng như một loại pháp phục dành cho các vị giới tử, tỳ kheo ni và sadi ni trong những dịp thọ giới, nhập đạo hay các đại lễ.
Sự kết hợp này không chỉ giữ lại tính thẩm mỹ cao, mang phong vị cổ kính trang nghiêm, mà còn khẳng định bản lĩnh sáng tạo của Phật giáo Việt trong việc “bản sắc hóa” các yếu tố văn hóa tiếp nhận. Tại Huế, chiếc áo nhật bình thường xuất hiện trong các kỳ Đại giới đàn, như giới đàn Tịnh Khiết, giới đàn Trí Thủ… với đủ các màu sắc truyền thống như vàng chanh, xanh ngọc, lam nhạt… tượng trưng cho các cấp giới phẩm. Đây không chỉ là lễ phục tôn nghiêm mà còn là minh chứng sống động cho khả năng dung hòa văn hóa giữa đạo Phật và truyền thống dân tộc.

Đại lễ Phật đản 2025: Biểu tượng của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc
Đặc biệt trong mùa Phật đản và rằm tháng Tư năm 2025, khắp mọi miền đất nước, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cố đô Huế, không khí lễ hội tràn ngập trong ánh sáng từ bi và tinh thần hoan hỷ. Một điểm nhấn đặc biệt trong các lễ rước xe hoa, diễu hành kính mừng Phật đản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự hiện diện trang trọng và đông đảo của các Phật tử khoác lên mình những chiếc áo dài truyền thống như áo ngũ thân, áo nhật bình, áo dài truyền thống cách tân…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn xe hoa diễu hành trên các trục đường lớn như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi đều có hàng dài Phật tử trong trang phục truyền thống, tay cầm hoa sen, miệng niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca. Ở Huế, trong dịp Rằm tháng Tư này, mỗi đêm, đoàn xe hoa hàng chục chiếc của Giáo hội Phật giáo đi qua các tuyến đường tuyệt đẹp của cố đô, hòa quyện với vẻ đẹp lung linh tỏa ra từ bảy đóa sen lớn trên dòng sông Hương, tạo nên một khung cảnh tâm linh huyền ảo và đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Sự tham gia đồng loạt của Phật tử trong những bộ áo ngũ thân, nhật bình trang trọng không chỉ góp phần làm nên nét đẹp thị giác, mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc.
Không chỉ là hình ảnh đẹp, đó còn là lời khẳng định rõ ràng rằng: Phật giáo Việt Nam không tách rời khỏi dòng chảy văn hóa dân tộc, mà ngược lại, luôn hòa nhập, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống một cách tinh tế, sâu sắc và đầy trách nhiệm.

Gìn giữ văn hóa qua pháp phục, một hướng đi bền vững
Việc các tăng sĩ, Phật tử Việt Nam lựa chọn mặc trang phục truyền thống không chỉ là sự trở về với cội nguồn mà còn là một tuyên ngôn văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nhiều giá trị truyền thống bị mai một, sự trở lại mạnh mẽ của những chiếc áo ngũ thân, áo nhật bình trong không gian Phật giáo đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa và đạo đức.
Nhiều chùa tại Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã chủ động tổ chức các buổi hướng dẫn Phật tử mặc áo dài truyền thống, khuyến khích mặc đúng cách khi tham gia nghi lễ. Đồng thời, nhiều cơ sở Phật giáo còn phục dựng lại các mẫu pháp phục xưa dựa trên thư tịch, ảnh tư liệu và hiện vật cổ, vừa nhằm lưu giữ giá trị lịch sử, vừa truyền bá thẩm mỹ Phật giáo Việt theo hướng gần gũi với truyền thống.
Từ chiếc áo ngũ thân thấm đẫm đạo hiếu, chiếc áo tứ thân mộc mạc dân dã, đến áo nhật bình trang nghiêm cung đình, Phật giáo Việt Nam đã và đang tiếp thu, chắt lọc, bản sắc hóa các yếu tố trang phục truyền thống để làm phong phú thêm đời sống tâm linh. Việc phục dựng và sử dụng các loại hình trang phục cổ truyền trong nghi lễ Phật giáo không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, mà còn thể hiện một cách rõ ràng tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, thiết thực và đầy tính nhân văn./.
Hương Bình