Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát hiện biến thể XBB, chưa ghi nhận XBB.1.5 của Omicron ở TP.Hồ Chí Minh

ĐNA -

 Ngày 4/1/2022, Sở Y tế TPHCM cho biết, cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5 của biến chủng Omicron.

TPHCM phát hiện biến thể XBB, chưa ghi nhận XBB.1.5 của Omicron.

Sở Y tế TPHCM nhận được thông báo kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức Oucru (đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford, Anh). Tổ chức này đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) có biến thể XBB trong tháng 12/2022, theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.

Theo hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn TPHCM (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur TPHCM thực hiện) ghi nhận 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11/2022, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

Báo cáo của CDC TPHCM (HCDC), số ca mắc mới trong khoảng trung tuần tháng 11/2022 đến nay là 208 trường hợp/tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ học, sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron là không ngoài dự báo. Vì vậy, việc thông tin cho người dân về những biến thể này cần sự chính xác để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ… Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể XBB và biến thể phụ XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.
Theo công bố mới nhất của WHO, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia (Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc,…). Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron. Tại thời điểm tháng 9/2022, nhờ chiến lược tiêm vaccine bao phủ toàn dân, miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 tại TPHCM đạt 98,7%.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm, hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định. Hiện nay, Sở Y tế TPHCM vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết Quý Mão.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách mỗi người dân và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.

Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù tỉ lệ tiêm vaccine chung của nước ta đạt cao, nhưng hiện vẫn có một số địa phương có tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và cho trẻ còn thấp.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu cần đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành phố đang tiêm chậm, thấp, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đồng thời, các địa phương khuyến khích người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Trước đó, tại Chỉ thị 06/CT-BYT về tăng cường công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; đồng thời nêu rõ, phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trong những ngày cuối cùng của năm 2022, số ca nhập viện trên khắp đất nước đã tăng đáng kinh ngạc khi biến thể mới của Omicron lây lan nhanh chóng. Khoảng 40% các ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã được ghi nhận nhiễm biến thể phụ mang tên XBB.1.5.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được biết đến với tên gọi “Kraken” vào cuối năm 2022, biến chủng Omicron mới nhất có tên chính thức là XBB.1.5 và được coi là dễ lây lan đáng lo ngại. Hôm 4/1, WHO đã xác nhận XBB.1.5 có “lợi thế tăng trưởng” mạnh nhất so với tất cả các biến thể phụ khác của Omicron.

Bà Van Kerkhove, quan chức của WHO, nói với các phóng viên ở Geneva: “Đây là biến thể phụ dễ lây truyền nhất từng được phát hiện. Nguyên nhân là do các đột biến trong biến thể phụ này cho phép virus này liên kết với tế bào và nhân lên dễ dàng”.

Tuy nhiên, WHO cho biết XBB.1.5 dường như không gây bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời nhấn mạnh cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu của các cơ sở y tế trên khắp thế giới, tỷ lệ lây nhiễm cũng như các nghiên cứu đang diễn ra trong phòng thí nghiệm về chủng virus mới.

Biến thể XBB.1.5 là gì?
Biến thể XBB.1.5 của virus SARS-CoV-2 là hậu duệ của XBB – biến thể tái tổ hợp của các chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75 của biến thể Omicron. XBB đã lây lan mạnh ở một số khu vực của châu Á, cụ thể là Singapore vào đầu tháng 10/2022, nhưng sau đó có vẻ như tốc độ lây lan chững lại và biến mất.

XBB.1.5 bắt nguồn từ đâu?
XBB.1.5, có đột biến có thể né miễn dịch, lần đầu tiên được phát hiện ở Đông Bắc nước Mỹ, quanh khu vực New York và Connecticut. Theo dữ liệu của WHO, cho đến nay biến thể này đã xâm nhập vào 29 quốc gia và chiếm khoảng 40% tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) cũng phát hiện 21 trường hợp nhiễm biến thể virus mới này. XBB.1.5 cũng đã được phát hiện ở Anh. Nhiều quốc gia ở châu Âu cũng chứng kiến làn sóng xâm nhập của biến thể này, nhưng dữ liệu cụ thể hơn vẫn chưa được công bố.

Khả năng lây nhiễm và tử vong của XBB.1.5
Theo nhà sinh vật học Andy Rothstein, đột biến mới mang tên F486P đã làm gia tăng khả năng xâm nhập tế bào, khiến XBB.1.5 lây lan nhanh chóng. Đột biến này cũng cho phép virus dễ dàng bám vào các thụ thể ACE2 trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhấn khiến XBB.1.5 lây truyền cho con người dễ dàng hơn so với biến thể XBB trước đó.

Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick, giải thích: “XBB.1.5. là sản phẩm của quá trình tái tổ hợp – sự kết hợp của hai biến thể BA.2 khác nhau. XBB.1.5 có một đột biến quan trọng, được gọi là đột biến F486P, khiến biến thể này có thể tránh ‘tấm chắn’ miễn dịch từ các lần tiêm chủng và mắc bệnh trước đó. Đột biến này cũng làm tăng khả năng lây nhiễm, nó tương tác mạnh hơn với thụ thể ACE2 và do đó xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn”.

Sự tái tổ hợp này xảy ra khi các bộ gien từ các biến thể virus khác nhau kết hợp với nhau. Quá trình này có thể diễn ra khi một người bị nhiễm 2 hoặc nhiều biến thể virus cùng lúc.

Nhà khoa học Yunlong Richard Cao, trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cũng cho rằng XBB.1.5 vừa có khả năng né các kháng thể bảo vệ cơ thể vừa vượt trội về khả năng liên kết với các tế bào.

Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực và tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.

XBB.1.5 có thể kích hoạt làn sóng COVID-19 mới không?
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy XBB.1.5 về cơ bản có khả năng lây nhiễm cao hơn và né khả miễn dịch tốt hơn so với các biến thể Omicron trước đó – như BA.5 và các dòng phụ của Omicron như BQ.1.

Các nhà khoa học và quan chức y tế công cộng theo dõi biến thể phụ XBB đã bày tỏ lo ngại rằng các chủng virus có nhiều đột biến này có thể khiến vaccine, bao gồm cả mũi vaccine tăng cường, kém hiệu quả hơn. Các nhà khoa học tại Đại học Columbia đã cảnh báo rằng các biến thể phụ thuộc họ XBB có thể “dẫn đến tình trạng gia tăng các ca nhiễm cũng như tái nhiễm”.

Song dù lo ngại về XBB.1.5, Tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, không cho rằng đây là bước lùi lớn của đại dịch. “Nếu mọi người đều thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, chúng ta có thể làm giảm thiểu tác động của biến chủng đối với cuộc sống”, ông nói.

Cảnh báo từ chuyên gia
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin về vaccine COVID-19. Theo dữ liệu sơ bộ, tiêm mũi tăng cường sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn trước biến thể XBB.1.5.

Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư danh dự tại Đại học California thuộc trường Y tế Công cộng Berkeley, cho rằng: “Dù đây không phải biện pháp phòng bệnh lý tưởng, nhưng biện pháp này tốt hơn các biện pháp có thể thực hiện”.

Các chuyên gia y tế khác cho biết thêm người dân nên ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang ở những không gian đông người và cách ly nếu có triệu chứng mắc bệnh.

Minh Hiếu/tổng hợp