Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát hiện đồng muối cổ ở miền Trung Việt Nam

ĐNA -

Qua quá trình tìm kiếm di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, phát hiện đồng muối cổ trên đá. Đồng muối cổ này nằm trên triền đá ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, có niên đại khoảng 2.000 năm. Đây là vùng lõi của nền văn hóa Sa Huỳnh được công nhận di tích quốc gia.

Phát hiện đồng muối cổ trên đá có niên đại khoảng 2.000 năm ở Quảng Ngãi

Đồng muối tiếp nối từ văn hóa Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt
Ước tính đồng muối cổ này rộng khoảng 10ha, một bên giáp biển, một bên giáp núi. Đồng muối cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ 800m và cách khu vực mộ táng của người Sa Huỳnh khoảng 500m.

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, các phát hiện khảo cổ chứng minh khoảng 2.000 năm trước người Sa Huỳnh cổ đã biết làm thủy tinh, luyện sắt… thì việc làm muối không quá khó khăn.

Tại đồng muối vừa phát hiện, người Sa Huỳnh cổ đã tận dụng nền đá, nguồn nước biển sẵn có để làm muối. Việc làm muối được kế thừa qua các nền văn hóa Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt.

Đến nay, người dân Gò Cỏ vẫn làm muối trên các triền đá theo sự nối truyền của cha ông. Bà con gọi khu vực này là trảng muối. Khi thủy triều dâng lên, chảy đầy các “ô chứa” tự nhiên, nước biển được phơi nắng để tăng độ mặn. Sau đó, múc nước từ những “ô chứa” đổ lên các “ruộng muối” trên đá và liên tục thêm nước để tăng độ dày cho muối. Khoảng một tuần là thu hoạch, một “ruộng muối” được 2-3kg muối.

Gò Cỏ hiện là làng du lịch cộng đồng nổi tiếng, du khách trong và ngoài nước đến đây rất hào hứng tham gia làm muối trên đá.

Tiến sĩ Khôi cho biết việc phát hiện đồng muối cổ chứng minh người tiền sử ở Việt Nam đã nắm bắt kỹ thuật làm muối từ rất sớm.

Việc phát hiện đồng muối cổ và cách làm muối còn gìn giữ ở làng Gò Cỏ, các nhà nghiên cứu sẽ thu mẫu, phân tích niên đại của đồng muối cổ ở Quảng Ngãi .

Theo ông Khôi, việc phát hiện đồng muối cổ có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân tiền sử Sa Huỳnh và các vùng muối ở khu vực Đông Nam Á, châu Á.

“Việc khảo cổ nơi làm muối, con đường cổ, nơi sinh sống, chôn cất… của người Sa Huỳnh cổ là bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh”, ông Khôi nói.

Đinh Anh