Chiều ngày 10/5/2024, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm KHXHVN và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo: ” Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuản mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; thực hiện các giá trị văn hóa, con người Thừa Thiên Huế”. Nhân dịp này, Tạp chí Đông Nam Á xin giới thiệu bài viết “Phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để UNESCO ghi danh là di sản đại diện của nhân loại” của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Huế là kinh đô cuối cùng của Việt Nam dưới thời quân chủ, được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của vương triều Tây Sơn (1788-1801), kinh đô của vương triều Nguyễn (1802-1945), vùng đất này đã có quá trình hội tụ, bồi đắp và tỏa sáng các giá trị văn hóa đặc sắc khi đóng vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa của Việt Nam suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX.
Vào năm 1981, khi đến khảo sát Cố đô Huế, ông Tổng Giám đốc UNESCO bấy giờ là Amadou Mahtar M’B1ow đã nhận định: “Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động – ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo” . Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể-những chứng tích vật chất sống động, kho tàng di sản văn hóa Huế còn bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể-những sản phẩm tinh thần là hạt nhân và những nguyên tố cơ bản, thể hiện sức sáng tạo, bản sắc văn hóa Huế và có giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu.
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thừa Thiên Huế
Luật Di sản văn hóa năm 2001 định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác” (khoản 1, điều 4).
Đến khi sửa đổi bổ sung Luật này vào năm 2009 thì cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể đã được khái quát là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” . Theo định nghĩa trên, di sản văn hóa phi vật thể phải là những sản phẩm tinh thần có giá trị, gắn với cộng đồng và không gian văn hóa hoặc môi trường sinh thái – nhân văn cụ thể. Di sản văn hóa phi vật thể cũng có thể là các đồ vật, dụng cụ để trình diễn, các hình thức lưu truyền (truyền miệng, truyền nghề, trình diễn…) thể hiện được các mặt giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thể hiện bản sắc của cộng đồng chủ thể văn hoá.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hội tụ những tri thức, kinh nghiệm của cộng đồng, thể hiện thế ứng xử giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người xứ Huế. GS. Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Văn hóa Huế là văn hóa đô thị, nhưng tĩnh lặng và thanh bình đến lạ thường, là văn hóa bánh trái, là văn hóa thuyền ca nhạc trên dòng Hương giang, là sự đan xen và giao thoa, giao hòa văn hóa Việt – Chăm, Việt – Minh Hương” .
Một trong những loại hình nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao đó là Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) có từ thế kỷ thứ 13, nhưng chỉ đạt đến độ mức điêu luyện, hoàn hảo tại chốn cung đình Huế dưới triều Nguyễn. Các vị vua Nguyễn coi Nhã nhạc là âm nhạc chính thức của triều đình. Dưới triều Nguyễn, Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình tiến hành nghi lễ bao gồm cả triều hội và tế tự, loại hình nghệ thuật này được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau mỗi năm. Phong phú về nội dung, Nhã nhạc đã được xem như một phương tiện liên lạc, bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. Ngoài ra, nó còn như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.
Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay chỉ tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc, đó là: Đại nhạc và Tiểu nhạc. Nhã nhạc là thể loại nhạc chỉ sử dụng trong các buổi tế, lễ của triều đình. Nhã nhạc cung đình Huế là một điển hình cho loại hình âm nhạc bác học, đây là sự kế thừa và phát triển đến đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam trong các triều đại quân chủ. Nhã nhạc hàm chứa những tư duy triết học, vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người Việt Nam. Hàng trăm nhạc chương có lời ca bằng chữ Hán Nôm là những áng văn chương bất hủ, những ngôn từ bác học có tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, các nhạc chương được hát lên với sự phụ họa của các dàn nhạc, cùng sự tham gia của múa Bát dật (gồm 64 văn sinh và 64 võ sinh), tạo nên một khung gian hoành tráng, trang trọng. Với những giá trị độc đáo đó, ngày 7/11/2003, Nhã nhạc – Nhạc cung đình Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục “Kiệt tác di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 đổi gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được ghi danh là Di sản Thế giới.
Với hơn 500 lễ hội cung đình và dân gian, Cố đô Huế có một kho tàng di sản phong phú
Múa cung đình Huế bắt nguồn từ các điệu múa dân gian truyền thống, được chọn lọc và nâng cao theo những quy phạm nghệ thuật có tính điển lệ. Múa cung đình mang nội dung ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị của đất nước. Múa cung đình cũng đã tiếp thu các điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới, mang đặc trưng riêng của nghệ thuật biểu diễn cung đình thời Nguyễn. Khi biểu diễn, các vũ sinh miệng ca, tay múa theo điệu nhạc hoà tấu. Trong đó, “mỗi điệu múa đều có nhiều khúc hát khác nhau với lời ca bằng chữ Hán” . Dàn nhạc dùng để tấu cho múa được biết là ban nhạc Thiều.
Có thể kể tên một số điệu múa tiêu biểu như: Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Tam Tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Tứ Linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến, Tam quốc tây du, Lục triệt hao mã đăng, Đấu chiến thắng phật… Các điệu múa này thường được dùng để biểu diễn trong các ngày lễ Thánh thọ, Tiên thọ, Vạn thọ, Thiên xuân, Thiên thu… Ngoài các nghi lễ trên, múa cung đình còn được trình diễn trong các lễ tiết quan trọng dưới triều Nguyễn như lễ Hưng quốc khánh niệm, tết Nguyên đán, đám cưới hoàng tử, công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.
Tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát triển rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc. Những ghi chép của hòa thượng Thích Đại Sán trong cuốn Hải ngoại kỷ sự đã miêu tả lại rõ nét một bữa tiệc do chúa Nguyễn Phúc Chu chiêu đãi khách quý tại phủ chúa với nhiều tiết mục ca, múa và hát tuồng để góp vui: “Ngày ấy Vương rất cao hứng, tự đánh trống điểm nhịp cho bọn hát; thanh điệu lạ lùng, bộ tịch đường lối cũng khác, người trong tiệc ngồi xem rất thú vị…” . Các buổi biểu diễn nghệ thuật này cũng từng được tổ chức thường xuyên dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong sách Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam cho biết, “đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Lộc khê hầu Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập một ban vũ và nhạc, để múa hát vào những ngày khánh lễ, Hòa Thanh Thự gồm 3 đội, mỗi đội có 1 Suất đội và 120 lính đều thuộc quyền viên Phó quản điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội Nhất và đội Ba trông coi về nhạc, đội Nhì trông coi về ca và vũ” . Đáng chú ý vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sai người vào vùng đất mới mở Gia Định để bắt con hát đem về Phú Xuân, xây dựng Hiên Đồng Lạc để mọi người có cơ hội thưởng thức diễn tuồng.
Như thế chứng tỏ vào thời chúa Nguyễn, tuồng ở Phú Xuân đã rất phát triển và trở nên thịnh hành. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhân một dịp khánh hạ, tức là dịp đình thần chúc mừng Chúa trong dịp lễ tết Nguyên Đán diễn ra vào sáng ngày mồng một Âm lịch đầu năm Tân Tỵ (1701), phủ chúa đã cho hát một bài ca mang tên là “Thái bình” để mua vui. Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có đoạn ghi chép rằng, “Tân Tỵ, năm thứ 10 (1701), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, làm lễ khánh hạ, hát khúc Thái Bình làm vui” . Sự phát triển của nghệ thuật Tuồng dưới triều đại nhà Nguyễn, mà giai đoạn cực thịnh là thời vua Tự Đức và vua Thành Thái đã nâng nghệ thuật Tuồng vốn mang tính dân gian trước đó lên thành một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như về phong cách biểu diễn.
Dưới triều vua Minh Mạng, nhà vua đã cho xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường chủ yếu để diễn các vở Tuồng phục vụ cho vua, phi tần, hoàng thân quốc thích và quan lại. Đến thời vua Tự Đức, nghệ thuật Tuồng phát triển đạt đến giai đoạn đỉnh cao. Nhà vua xây dựng nhà hát Minh Khiêm Đường, quy tụ các đào, kép giỏi về đây để tập luyện và biểu diễn Tuồng. Thành lập Ban Hiệu thư, một tổ chức chuyên sáng tác các vở Tuồng, tập hợp các tài năng đương thời để chỉnh lý các Tuồng dân gian và họa văn thơ. Vì vậy, đây là “thời kỳ nở rộ của tuồng, đưa văn học tuồng đạt tới những thành tựu đáng kể về số lượng lẫn chất lượng” . Tuồng cung đình có hàng trăm vở, trong đó có các vở có giá trị độc đáo, sâu sắc về nội dung và tư tưởng như Sơn hậu, Dương chấn tử, Tam nữ đồ vương, Hồ thạch phủ, Lý phụng đình, Giác oan, Đào phi phụng, Phụng kỉnh văn, Ngọn lửa hồng sơn, Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy, Học Lâm…
Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng cung đình đang được bảo tồn và phát huy giá trị trong không gian diễn xướng nguyên thủy của nó tại các cung điện, đền miếu thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế – Di sản Văn hóa thế giới, góp phần hồi sinh di sản văn hoá Huế. Thông qua các hình thức giao lưu, biểu diễn âm nhạc trong các kỳ Festival Huế, Đêm Hoàng cung, Dạ nhạc tiệc cung đình, những giá trị nghệ thuật truyền thống này đã đến gần hơn với công chúng và thực sự sống trong lòng cộng đồng. Hơn thế nữa, dù không giữ được hoàn toàn diện mạo hoàng kim như xưa nhưng Nhã nhạc đã trở thành một phần khá quan trọng trong một số nghi lễ dân gian của người dân Huế và vùng phụ cận.
Bài Chòi là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân nông thôn vùng Huế tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Bài Chòi dân gian xứ Huế dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là bài Tới. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã khẳng định: “Bộ bài Tới ở Thừa Thiên Huế là căn cứ để làm các bộ thẻ tre Bài Chòi ở các tỉnh Trung Bộ. Trong quá trình sử dụng các con bài Tới các nghệ nhân ở mỗi vùng đã biến đổi một phần tên gọi và hình họa của nó cho phù hợp với tâm lý văn hóa, nghệ thuật của địa phương mình” . Cách thức và không gian trình diễn Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang tính truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng vào mỗi dịp lễ, tết hoặc có lễ hội lớn được tổ chức hàng năm.
Chơi Bài Chòi dân gian đã trở thành một phong tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì trình diễn thi ca bình dân. Người ta đến với Bài Chòi không phải vì mục đích ăn thua, đỏ đen mà bởi tính chất giao lưu giải trí, muốn hòa mình vào không khí hoạt động vui vẻ của lễ hội. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài Chòi, từ các cụ già đến lớp thanh thiếu niên cùng những em nhỏ trong làng hoặc du khách thập phương. Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đã được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thừa Thiên Huế là 1 trong 9 tỉnh, thành phố tham gia lập hồ sơ di sản Bài Chòi trình UNESCO ghi danh.
Nghệ thuật Bài Chòi cũng là một di sản quý được UNESCO ghi danh.
Nghệ thuật Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành Ca Huế vào khoảng thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn phát triển dưới thời chúa Nguyễn. Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghệ thuật Ca Huế vào khoảng thế kỷ XIX, nhiều phủ đệ, dinh thự ở Kinh đô Huế thường có một đội nhạc để phục vụ riêng cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc.
Cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị (1877-1961) đã cho chúng ta biết Ca Huế ra đời dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và mối quan hệ giữa các bài bản Ca Huế với âm nhạc cung đình: “Đức Hiếu Minh, hiệu Thiên Túng đạo nhơn, là ông chúa thượng văn, năng đề vịnh. Con ngài là ông Tứ (tức Đán), cháu là ông Dục đều có tiếng giỏi từ chương… Lạ chi, gặp đời ông chúa thượng văn, thời triều đình sao cũng có ban nhạc phủ. Triều đình có nhạc phủ, thời tao nhơn, mặc khách ở trị hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca chương…. Ca Huế bản nào về dịp nào, đã sẵn có khuôn khổ “Xàng xê xự”, hễ ưa đến điệu nghệ, mà có tình tứ thì làm được; miễn sao vần cho thuận, câu cho xuôi, ý nghĩa cho rõ ràng, mạch lạc cho thông suốt, ấy là bản ca dễ ca, mà dễ lưu truyền vào nhạc phủ” . Thái Văn Kiểm trong sách “Cố đô Huế” cũng đồng quan điểm với cụ Ưng Bình khi cho rằng: “Các điệu ca Huế thì có lẽ như mới sản xuất từ đời Chúa Minh Tộ Quốc Công Nguyễn Phúc Chu, tức là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế (1691 – 1725)” .
Ca Huế đã phát triển, lan tỏa ra ngoài dân gian, nó đã tiếp nhận thêm một số điệu hò, lý có cùng chung một môi trường địa văn hoá để trở thành một sắc thái độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhạc điệu của Ca Huế là nguồn cảm hứng cho nhạc dân gian Bình Trị Thiên và các thanh âm của Ca Huế phát sinh từ tiếng nói, ngữ điệu của người dân xứ Huế. Ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình – dân gian, dòng âm nhạc dân gian chính là cơ sở để hình thành và phát triển, là cái nôi nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc bác học, cung đình Huế.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, có lúc Ca Huế tưởng chừng như không thể tồn tại, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí tam, tỳ, nhị, nguyệt đã đi vào lòng người mộ điệu Ca Huế từ xưa đến nay. Năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ẩm thực Huế là món ăn, thức uống của cư dân bản địa, cư dân Champa xưa kết hợp với món ăn, thức uống của người Việt; đồng thời là món ăn, thức uống dân gian cả nước hòa quyện với món ăn, thức uống cung đình. Vì vậy, văn hóa Ẩm thực Huế có một cội nguồn triết lý, đặc trưng riêng, để trở thành “một thực thể văn hóa, hòa quyện với tính cách con người và đặc điểm phong thủy đất Kinh Đô trăm năm mà thành” . Món ăn, thức uống Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của một số nhà nghiên cứu, trong kho tàng Ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món ăn thì Huế chiếm đến hơn 1.300 món ăn, chia làm ba thể loại chính: cung đình, dân gian và chay. Ẩm thực Huế được đánh giá là ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã, vượt qua khỏi nhu cầu vật chất tầm thường và tiến đến một loại hình nghệ thuật cao mang một đặc trưng phong cách riêng. Ẩm thực Huế không ngừng tiếp thu, phát triển, sáng tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến ngày nay trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Huế vẫn còn có nhiều nghệ nhân nắm vững các bí quyết, kỹ năng thực hành, chế biến các món ăn, thức uống ngon.
Ẩm thực Huế là món ăn, thức uống của cư dân bản địa, cư dân Champa xưa kết hợp với món ăn, thức uống của người Việt.
Hiện nay, Tỉnh đang triển khai Đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng Huế trở thành một Kinh đô ẩm thực, nâng cao hình ảnh của Ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế của ngành du lịch địa phương, đồng thời, khẳng định vị thế và sự đa dạng của văn hóa Ẩm thực Việt Nam nói chung và văn hóa Ẩm thực Huế nói riêng với bạn bè quốc tế.
Khoảng đầu thế kỷ XVII, ở Đàng Trong mà trọng tâm là tại vùng đất Huế đã xuất hiện một loại áo dài mới do cư dân sáng tạo nên, loại áo dài này rất phù hợp với môi trường sống, quan niệm sống và tính cách của người Việt hồi đó: Áo ngũ thân (hay áo năm thân). Đây cũng là tiền thân của các loại hình áo dài truyền thống đương đại của nước ta hiện nay. Từ năm 1744, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã quy định, áo ngũ thân trở thành loại thường phục chung của cư dân toàn xứ sở. Sang đầu thế kỷ XIX, trong những năm 1828 – 1837, sau khi thống nhất và ổn định tình hình đất nước, vua Minh Mạng đã đưa ra quy định bắt buộc tất cả người dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam đều phải sử dụng trang phục áo ngũ thân, và xem đây là sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập với nền văn hiến lâu đời, có chế độ y quan (áo mũ) rực rỡ! Điều đó có nghĩa là áo dài ngũ thân đã trở thành trang phục chung hay quốc phục của người Việt Nam.
So với các loại hình áo dài khác (cả áo dài nam và nữ), áo ngũ thân tay chẽn là loại trang phục giản tiện, gọn gàng vì nó là loại thường phục dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt địa vị, giai tầng xã hội (rất khác so với triều phục vốn có sự phân biệt rất rõ ràng về thứ bậc). Tuy nhiên, áo dài ngũ thân lại mang trên mình những ý nghĩa rất sâu sắc. Trang phục áo dài ngũ thân đầy đủ bao gồm 4 bộ phận: khăn vấn, áo, quần và giày/guốc. Đối với đàn ông Việt, chiếc khăn vấn (từ đầu thế kỷ 20 xuất hiện loại khăn đóng sẵn để giản tiện hơn và phù hợp với việc cắt tóc ngắn) có hình chữ Nhân hay chữ Nhất, không chỉ làm tôn lên dáng vẻ khuôn mặt, khắc phục được các hạn chế về mái tóc, giúp họ cao hơn vài phân mà còn khiến họ không thể nhầm lẫn với đàn ông các dân tộc khác. Chiếc áo ngũ thân có chiếc cổ tròn, cao từ 3-4cm, giữ cho người mặc luôn nhìn thẳng; áo có 5 thân, gồm hai thân trước, hai thân sau (được đấu nối với nhau do ngày xưa khổ vải hẹp) và một thân con bên trong, biểu tượng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc; 5 hạt cúc áo thì biểu tượng cho 5 phẩm chất cao quý làm người (ngũ thường): Nhân, Lễ, nghĩa, Trí, Tín (hoặc Dũng), cũng biểu trưng cho 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội (ngũ luân): Vua-tôi, thầy-trò, cha-con, chồng-vợ, và bạn bè. Chiếc quần trắng ống rộng giúp người mặc thoải mái. Đôi hài (thành thị) hoặc guốc gỗ (vùng nông thôn) được sử dụng cùng, nhưng từ đầu thế kỷ 20, tiếp thu ảnh hưởng của văn minh phương tây, trang phục áo ngũ thân đã kết hợp với giày tây, hay giày hạ hoặc các loại dép da…
Với nữ giới thì chiếc áo ngũ thân (cấu tạo cũng gần tượng tự chiếc áo nam) khiến cho họ trở nên đoan trang, kín đáo mà vẫn nền nã, nữ tính. Áo ngũ thân nữ có cổ áo thấp để khoe chiếc cổ cao 3 ngấn duyên dáng; phối cùng áo là khăn lươn vấn đầu một hoặc hai lớp, cùng quần trắng và hài hoặc guốc mộc, sau này thường kết hợp với các loại giày cao gót được thiết kế phù hợp.
Bên ngoài áo ngũ thân tay chẽn, khi có nghi lễ thì ông cha chúng ta sẽ khoác thêm một chiếc áo tay rộng (gọi là áo lễ hay áo thụng), cùng kiểu cổ tròn, cổ đứng (viên lĩnh, lập lĩnh) như áo tay chẽn hay vạt chéo (giao lĩnh) tùy theo nghi lễ, còn hầu hết những lúc khác chỉ mặc thường phục tay chẽn.
Ngày 29/03/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Huế-Kinh đô Áo dài” nhằm tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của di sản Áo dài Huế trong đời sống cộng đồng xã hội đương đại. Từ đó, tham mưu các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả di sản áo dài Huế gắn với các hoạt động quảng bá di sản, văn hóa, du lịch. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề thủ công truyền thống là nơi lưu giữ vốn di sản văn hóa được truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sản phẩm nghề thủ công còn hàm chứa những giá trị tinh hoa và bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi cộng đồng, tộc người. Ở Huế, do nhu cầu của công việc kiến thiết xây dựng các công trình kiến trúc, phục vụ đời sống sinh hoạt của vương triều Nguyễn, nên ở đây đã sớm hình thành các tượng cục và phường hội của các nghề và làng nghề truyền thống riêng biệt. Có thể kể đến các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng phường Đúc, điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh dân gian làng Sình (Lại Ân)… Những làng nghề này hiện vẫn đang hoạt động và phát triển, đáp ứng cho công tác trùng tu di tích, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và các sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Huế còn là nơi hội tụ và lan tỏa ra cả nước những người thợ lành nghề và đông đảo đội ngũ nghệ nhân lão luyện đã tạo nên những tác phẩm thủ công truyền thống có giá trị mỹ thuật cao. Điển hình là các sản phẩm của làng nghề đúc đồng như Cửu Vị Thần Công thời Nguyễn, Sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn và Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.
Lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Bởi vì, các lễ hội truyền thống mang tính giáo dục và đề cao việc lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong dòng chảy lịch sử. Đó là đạo hiếu, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, các phong tục, tập quán sinh hoạt của ông cha và xem đây là những thước đo mang tính chuẩn mực. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hành lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có điều kiện được bảo vệ và phát huy giá trị. Điển hình các lễ hội tiêu biểu như Hội vật làng Sình, Hội vật làng Thủ Lễ, lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua ghe, lễ hội Đu tiên, lễ hội Áo dài… được tổ chức tốt, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, huy động sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa cộng đồng dân cư, hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Ngoài ra, ở vùng núi Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ những sắc màu di sản văn hóa phi vật thể của các đồng bào dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu…luôn có sức thu hút lớn đối với các nhà nghiên cứu cũng như du khách thập phương. Đó là những phong tục tập quán, sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ, các lễ hội đặc sắc cùng với các làng nghề, món ăn truyền thống…, đặc biệt là nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại
Di sản văn hóa phi vật thể góp phần quan trọng tạo dựng bản sắc văn hóa Huế. Qua những di sản đó, thế hệ hôm nay và mai sau có thêm những hiểu biết và sự trân trọng lối sống văn hóa tốt đẹp của ông cha. Việc UNESCO ghi danh Nhã nhạc, Nghệ thuật Bài Chòi tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện giá trị, bảo vệ và phát huy có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đồng thời xây dựng và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể xứ Huế ra thế giới thông qua các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế. Trên phương diện kinh tế – xã hội, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng những lợi ích thiết thực và bền vững.
Để nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Thừa Thiên Huế được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới thì cần phải triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để Luật này đi vào đời sống của nhân dân, làm người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể .
Thứ hai, tiến hành triển khai có hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm số hóa di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nhận diện đầy đủ không chỉ về khối lượng, loại hình các di sản mà còn xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản trong đời sống xã hội hiện nay. Đồng thời nghiên cứu triển khai xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian đến.
Nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh năm 2016 cũng là một di sản quý của cố đô Huế
Thứ ba, trong xu thế hội nhập và phát triển, việc tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng để duy trì, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể có vị trí, vai trò cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi di sản tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách bền vững. Do đó chỉ có sự đồng thuận của cộng đồng xã hội mới có thể giúp chúng ta có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản và tìm ra được biện pháp bảo vệ hợp lý để di sản luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng đương đại. Vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào của mỗi người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay tham gia bảo vệ và phát huy giá di sản văn hóa phi vật thể xứ Huế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình truyền dạy, đào tạo tập huấn cho các nhạc công, diễn viên làm nguồn nhân lực kế thừa, và tăng cường đội ngũ cán bộ có chất lượng làm công tác nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh việc duy trì các hình thức trao truyền trực tiếp trong gia đình, dòng họ, cộng đồng theo lối “cha truyền, con nối”, cần khuyến khích các hình thức tổ chức trao truyền thông qua các hoạt động trình diễn, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể tại các điểm sinh hoạt công cộng (trong bảo tàng, nhà trưng bày, di tích, các hoạt động du lịch – dịch vụ,…) và trường học.
Thứ năm, tiến hành rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú) và ban hành các chính sách đãi ngộ đối với những người có tài năng xuất sắc, có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ, truyền dạy, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, song song với quá trình đào tạo các cán bộ chuyên môn. Cần có kế hoạch tổ chức tập huấn về chuyên môn và thái độ ứng xử đối với di sản, với khách tham quan cho cán bộ và nhân dân các địa phương có di sản, các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại các di sản để thực sự tạo ra những hoạt động du lịch mang tính bền vững.
Thứ bảy, tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch.
Thứ tám, chú trọng hơn nữa công tác số hóa di sản văn hóa phi vật thể làm tiền đề để xây dựng dữ liệu số quốc gia và là cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh xã hội đương đại.
Nghi lễ và truyền thống văn hóa cũng là di sản quý của cố đô Huế
Có thể nói, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của cộng đồng xã hội. Với những nỗ lực cao nhất và với những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh cả Tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc. Đồng thời sẽ có nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới./.
Biên tập: Thế Cương
Tài liệu tham khảo
Amadou Mahtar M’Bbow (1999), “Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của thành phố Huế, Ấn phẩm Kỷ niệm 5 năm Huế – Di sản Văn hóa Thế giới (1993 – 1998), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1968), Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Hoa Lư, Sài Gòn.
Tôn Thất Bình (1993), Tuồng Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Thái Văn Kiểm (1960), Cố đô Huế, Bộ Quốc Gia Giáo dục xuất bản.
Đặng Hoành Loan (2015), “Bài chòi Trung Bộ Việt Nam từ góc nhìn của người nghiên cứu điền dã”, Thông báo khoa học Nghiên cứu Âm nhạc, Số 44, Hà Nội.
Vĩnh Phúc (2010), Nhã nhạc triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 144.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, tr.113.
Ngô Minh (2002), Ăn chơi xứ Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Nội Các triều Nguyễn (1992), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 15, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa.
Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xuất bản, Huế, tr.129.
Ưng Bình Thúc Dạ Thị (1942), Bán buồn mua vui, Nxb Khánh Quỳnh, Huế.
Trần Quốc Vượng (1994), “Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 5, Huế.