Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát huy giá trị di sản áo dài vì mục tiêu phát triển bền vững của cố đô Huế

ĐNA -

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của cố đô Huế, được hình thành, phát triển, tồn tại suốt hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, rồi cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế.

Tạp chí Đông Nam Á trân trọng giới thiệu bài viết “Phát huy giá trị di sản áo dài vì mục tiêu phát triển bền vững của cố đô Huế” của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về Áo dài Huế. Trong bài viết này, tác giả thông qua việc đề cập đến lịch sử hình thành và đặc điểm của chiếc áo dài Huế để nêu bật giá trị đặc biệt của di sản áo dài và nhấn mạnh, việc bảo tồn, phát huy áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đôi nét lịch sử hình thành, phát triển và đặc điểm của áo dài Huế
Áo ngũ thân
– Áo dài Huế được hình thành, sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến, chiếm lĩnh đất phương Nam và hòa nhập vào cộng động Đông Nam Á. Khoảng đầu thế kỷ 17, áo ngũ thân tay chẽn đã thành hình với tục danh là bộ “quần chân áo chít” (tên chữ là Trách tụ đoản y: Áo ngắn tay hẹp), được các tầng lớp nhân dân ở Đàng Trong quen sử dụng. Để tạo ra sự khác biệt với Đàng Ngoài sau khi hai bên xảy ra xung đột và chia cắt Đàng Ngoài- Đàng Trong, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm giới tuyến, quân sư Đào Duy Từ đã khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên sử dụng bộ trang phục ngũ thân làm trang phục chung cho dân Đàng Trong, nhưng ý đồ này chưa được thực hiện.

Áo ngũ thân– Áo dài Huế được hình thành, sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến, chiếm lĩnh đất phương Nam và hòa nhập vào cộng động Đông Nam Á.

Hơn 100 năm sau, vào năm 1744, sau khi xưng vương hiệu và xây dựng Đô thành ở Phú Xuân (Huế), bên cạnh việc định ra triều phục, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (vị chúa Nguyễn đời thứ 8) đã quyết định sử dụng bộ trang phục áo ngũ thân làm thường phục (hay tiện phục) thống nhất cho cư dân Đàng Trong (1). Chủ trương này đã được thực hiện nhanh chóng, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, ở toàn bộ miền Nam, từ sông Gianh trở vào, các tầng lớp nhân dân đều sử dụng áo ngũ thân trong mọi hoạt động, từ lễ nghi hội hè đến vui chơi, làm việc (2).

Sau khi thống nhất toàn vẹn đất nước từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, triều Nguyễn đã đề cập đến việc thống nhất trang phục Bắc Nam, thể hiện sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập, văn minh, nhưng phải từ năm 1827 đến năm 1837, vua Minh Mạng mới quyết liệt cho thực hiện. Vì vậy, đến giữa thế kỷ 19, trang phục áo ngũ thân đã trở thành loại lễ phục và thường phục phổ biến trong toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt với cả hai giới, nam và nữ (3).

Trong thời Nguyễn, Huế là kinh đô đất nước, và cũng xứng danh là Kinh đô áo dài của Việt Nam bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia, quan lại quý tộc; nhung phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớn nhân dân, nhưng nổi bật nhất vẫn là loại áo ngũ thân tay rộng (áo tấc), ngũ thân tay chẽn và áo Nhật bình (4).

Áo ngũ thân (năm thân) hay Áo dài Huế, được đánh giá là loại trang phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo, cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, Kim, Thủy, Mộc Hỏa. Áo ngũ thân có hai loại, ngũ thân tay chẽn được sử dụng như trang phục hàng ngày (tức thường phục/tiện phục) và ngũ thân tay rộng, được sử dụng trong nghi lễ (lễ phục). Áo ngũ thân mặc kèm với quần màu trắng hoặc sáng màu và khăn vấn/đội đầu màu đen hoặc sẫm màu, hoặc các loại mão tương thích.

Áo Tấc (5) là tên gọi phổ biến của loại áo ngũ thân tay rộng, và còn có các tên gọi khác như áo lễ, áo thụng, áo rộng…Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo Tấc dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo. Nhưng khác với áo ngũ thân tay chẽn, vốn là loại thường phục (hay tiện phục), áo Tấc thường chỉ dùng trong các nghi lễ thuộc quan, hôn, tang, tế hay các dịp lễ hội lớn, ngày tết…chứ ít khi sử dụng hàng ngày trong đời sống bình thường. Áo Tấc cũng đi kèm với khăn vấn (hoặc khăn đóng) đội đầu hay mũ tú tài đối với nam giới, mũ phượng, khăn vấn đối với nữ giới và mặc quần màu trắng, rộng (quần thụng).

Áo Tấc dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo.

Áo Nhật bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn, nay đã trở thành loại trang phục rất phổ biến của phụ nữ Huế trong dịp hôn lễ và ngày càng được các bạn nữ trẻ yêu thích sử dụng khi đi ngoạn cảnh, check in…

Áo Nhật bình là một di sản quý của thời Nguyễn, ngày càng được giới trẻ yêu thích, sử dụng vào các dịp lễ trang trọng không chỉ ở Huế mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống làm ăn.

Nguồn gốc của áo Nhật bình là loại áo Phi phong của triều Minh, được triều Nguyễn tiếp thu, cải cách thành kiểu áo Phi phong đối khâm với những nét riêng, rất đặc sắc (6). Áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên mới có tên là áo Nhật bình.

Đầu thời Nguyễn, áo Nhật bình thường phối với bộ xiêm y màu trắng, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về sau, áo Nhật bình được phối với quần màu trắng, đội khăn vành to bản. Và hình thức này còn được bảo lưu đến ngày nay.

Áo Nhật bình là một di sản quý của thời Nguyễn, ngày càng được giới trẻ yêu thích, sử dụng vào các dịp lễ trang trọng không chỉ ở Huế mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống làm ăn.

Có thể nói, các loại trang phục thời Nguyễn mà trọng tâm là áo ngũ thân, áo nhật bình đã góp phần vô cùng quan trọng để nước ta có một chế độ “Y quan rực rỡ”- một chế độ trang phục văn minh, phong phú không hề thua kém các nước lớn ở phương Đông, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp xâm lược và nô dịch nước ta, nhiều giá trị truyền thống đã bị biến đổi, trong đó có văn hóa trang phục. Các loại âu phục dần dần thịnh thịnh hành phổ biến, thậm chí trở thành tiêu chí về trình độ văn minh, thành những chuẩn mực trong xã hội hiện đại và đương đại, nhất là đối với trang phục nam giới. Áo dài cũng bị chi phối sâu sắc bởi điều này.

Sở Văn hóa & Thể thao TP Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế ký kết Ghi nhớ hợp tác cùng phát triển.

Hiện nay, Áo dài nữ do liên tục được cách tân, biến đổi theo thời gian nên đã trở thành một loại trang phục có kiểu dáng, chủng loại rất phong phú, rất thịnh hành phổ biến trong xã hội, trở thành “quốc phục” của nữ giới, thành một trong những tiêu chí quan trọng để nhận diện về phụ nữ Việt Nam. Nhưng Áo dài nam thì trái lại, dần dần bị lãng quên và không được sử dụng nhiều trong đời sống, thậm chí mặc Áo dài nam còn bị xem là: nhếch nhác, phong kiến, cổ hủ, đồng bóng… Nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc Áo dài nam trở thành đối tượng bị tấn công, đả kích bởi trào lưu âu hóa; còn trên sân khấu thì luôn bị gắn với các nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thầy cúng, thầy bói, phú ông, quan tham… Áo dài bị mang biểu tượng chính trị hơn là mang biểu tượng văn hóa, Đàn ông mặc Áo dài đã dần dần được mặc định là hình ảnh đại diện cho tầng lớp phong kiến, quan lại, địa chủ… đại diện cho những thói hư, tật xấu, cho những gì cũ kỹ, cổ hủ (7).

Trang phục Áo dài, hình ảnh nhân vật trên sân khấu từ thập niệm 1950 đến nay đã in sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt và đã trở thành hình mẫu phổ biến được sử dụng rộng rãi, cho dù cách may, mặc của loại Áo dài này không đúng, thiếu sự tinh tế.

Vào những năm 1980, người ta thấy trang phục Áo dài cho liền anh Quan họ đã bắt đầu thay đổi, hình ảnh của những chiếc Áo dài nam giống với những nhân vật trong truyện tranh lịch sử của họa sỹ Tạ Thúc Bình. Áo the bị lạm dụng rồi phổ biến, khăn quấn đầu màu đen hoặc màu đậm đã thay bằng khăn cùng màu với áo.

Sở Văn hóa & Thể thao TTH triển khai đề án Huế kinh đô áo dài với nhiều hoạt động phong phú: Hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học…

Bên cạnh việc đưa Áo dài nam về vị trí vốn có của nó trong văn hóa Áo dài của Việt Nam, cần phổ biến và khẳng định lại Áo dài nam truyền thống và đúng bản chất của Áo dài nam: Khiêm nhường; Kín đáo; Phong thái đĩnh đạc; Thẩm mỹ tinh tế. Hiện nay, do hiểu sai về Áo dài nam và nhiều nhà thiết kế cho rằng Áo dài khi mặc thường bị nhăn, dúm ở nách, thân áo không phẳng, do đó họ đã đưa kỹ thuật may veston và áo sơ mi để may, vạt áo hẹp, liền vải, may bó sát người, ráp nối tay (raglan), vai độn. Vạt áo thẳng kéo dài (có loại dài như áo trường sam Trung Quốc, có loại áo tà ngắn trên đầu gối như của Ấn Độ). Đường cúc áo cũng đã bị thay đổi, nhiều mẫu thiết kế hàng cúc chạy dài từ ngực xuống, có những mẫu áo kéo khóa phía sau, có loại áo đến hơn 10 cái cúc, có loại áo cúc bằng vải bện… Phần lớn loại này kiểu dáng không còn giữ lại chút nào của áo dài truyền thống Việt, được gọi là Áo dài nhưng là áo có tà dài đội lốt danh hiệu Áo dài cách tân.

Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, phong trào phục hưng áo dài truyền thống, đặc biệt là các loại cổ phục Việt, nổi bật là áo ngũ thân- áo dài Huế đang diễn ra rất mạnh mẽ ở cả ba miền, nhất là từ tháng 9.2020, khi Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế khuyến khích cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống trong công sở. Các phong trào nghiên cứu, tìm hiểu để “mặc đúng, mặc đẹp” áo dài truyền thống Việt cũng ngày càng sôi nổi. Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”. Ngày 19.8.2021, Đề cương đề án này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua và đến ngày 29/3/2023, Đề án đã chính thức được phê duyệt. Đây chính là căn cứ vững chắc để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng, phục hồi và phát huy di sản áo dài Huế vì mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững của cố đô Huế.

Sở Văn hóa & Thể thao TTH triển khai đề án Huế kinh đô áo dài với nhiều hoạt động phong phú: Hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học…

Phát huy giá trị di sản áo dài vì mục tiêu phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế
Việc phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết mâu thuẩn giữa bảo tồn và phát triển.

Phục hưng áo dài, để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân…

Phục hưng áo dài là để phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan đến áo dài: Tạo vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, thiết kết, đo may, làm các phụ kiện liên quan, quảng bá, phân phối sản phẩm…, từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.

Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế.

Và như thế, phục hưng áo dài sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân. Năm 2019, trước đại dịch covid-19, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 4,85 triệu lượt khách; mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách; vì vậy, nếu Huế thực sự trở thành kinh đô áo dài, để khoảng 40-50% du khách đến Huế may áo dài, thì 10 năm nữa doanh thu từ ngành này có thể đạt khoảng 2.800-3.500 tỷ đồng hàng năm (tính trung bình mỗi khách chi một triệu cho may áo dài và các phụ kiện liên quan). Đó là một con số không hề nhỏ! Áo dài sẽ góp phần làm cho Huế trở thành một xứ sở giàu có mà vẫn đài các, sang trọng; bản sắc văn hóa Huế càng trở nên đậm đà, quyến rũ.

Người dân Huế mặc áo dài truyền thống trong các Lễ hội và ngày Tết

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, triển khai đề án “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 12/11/2021 (Quyết định 1909/QĐ-TTg), trong đó một trong năm quan điểm cơ bản là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Việc triển khai thành công đề án sẽ là một ví dụ cụ thể, điển hình về việc đóng góp của công nghiệp văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước (Áo dài vừa thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa thuộc lĩnh vực thiết kế thời trang) mà chính phủ phấn đấu sẽ đạt khoảng 7% GDP của quốc gia vào năm 2030 (8).

Để đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị di sản áo dài theo tinh thần đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực để quảng bá áo dài, đưa áo dài vào cuộc sống và khai thác, phát huy thế mạnh của di sản quý giá này. Bên cạnh đó là việc nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài cho cộng đồng, đặc biệt là gắn liền với hai thuộc tính nổi bật: Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống của người Huế. Vì cộng đồng là nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản áo dài trong đời sống đương đại. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác xã hội hóa và huy động các nguồn lực cùng tham gia vào công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống Huế, đồng thời nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống Huế.

Hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch di sản gắn liền với áo dài truyền thống Huế. Sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống Huế gắn với phát triển du lịch sẽ là một lợi thế không nhỏ cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững ở Cố đô Huế. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy di sản áo dài truyền thống Huế; triển khai các chương trình, hoạt động nhằm phát triển thương hiệu áo dài Huế, như: lễ hội áo dài tại các kỳ Festival, các doanh nghiệp tổ chức các show diễn áo dài, triển lãm áo dài Huế… nhằm khẳng định thương hiệu áo dài đã đi vào đời sống văn hóa và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế.

Các hoạt động giao lưu phát triển áo dài diễn ra thường xuyên liên tục.

Tỉnh cũng chú trọng tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy về di sản áo dài truyền thống Huế; tiếp tục đưa môn thiết kế, may đo áo dài Huế vào nội dung đào tạo bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, trường học. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức hoặc định kỳ phát sóng các chương trình giới thiệu quảng bá về di sản áo dài truyền thống Huế đến công chúng trong và ngoài nước.

Từ hàng tram năm trước, Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Vua Minh Mạng đã biến Huế thành quê hương của áo dài, kinh đô áo dài Việt Nam. Và di sản vô giá ấy đã được trao gửi cho thế hệ người Huế, người Việt Nam hôm nay. Việc bảo tồn, chấn hưng và phát huy giá trị di sản áo dài không chỉ là câu chuyện bảo tồn một di sản văn hóa mà còn là công việc cần thiết, phù hợp trong bối cảnh hiện nay vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Thừa Thiên Huế, bởi đây là một thế mạnh, một nguồn lực đặc biệt của cố đô. Và hơn thế, Huế còn là địa phương dẫn đầu trong công cuộc chấn hưng văn hóa truyền thống, để Việt Nam thực sự là “Đất nước của Hồn sen, Nón lá và Áo dài” như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn văn bế mạc Seagames lần thứ 31.

Di sản áo dài có tỏa sáng, tạo nên hình ảnh đầy bản sắc của người Việt Nam trong thời đại hội nhập và biến thành nguồn lực cho sự phát triển hay không, đều phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của chúng ta!

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Chú thích
Dẫn theo Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Quan Hải Tùng Thư, tr.121.

Trong sách Phủ biên tạp lục, soạn năm 1776, Lê Qúy Đôn nhận xét rằng, cư dân Đàng Trong đều đã quen sử dụng loại trang phục này, “quên” hẳn loại trang phục ở Đàng Ngoài vốn là quê hương của họ. Tham khảo: Lê Quý Đôn (2015), Phủ biên tạp lục, bản dịch của Trần Đại Vinh, Nxb Đà Nẵng, tr.292-293.
Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, dẫn theo Trần Quang Đức (2013), trong sách Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới, Hà Nội, tr.260.
Triều Nguyễn có quy định cụ thể về các loại lễ phục, triều phục, tế phục… Riêng bộ sách đồ sộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ phần Chính biên đã dành quyển 78, phần Tục biên dành quyển 22 để quy định về mũ áo trang phục từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, thân vương đến quan lại văn võ, đó là chưa kể các quy định hay mô tả khá cụ thể, chi tiết về trang phục trong các nghi lễ, hoạt động của triều Nguyễn. Tham khảo: Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, và Quốc Sử quán triều Nguyễn (2002), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Tương truyền, tên gọi “Áo Tấc” vốn bắt nguồn từ phần viền áo rộng đúng một tấc (khoảng 4cm). Phần thân áo, cũng như áo ngũ thân tay chẽn, được chắp nối từ năm mảnh vải kết hợp với nhau để tạo nên hai vạt trước sau và một vạt con nằm phía trong, và với tay áo dài và thụng. Nhìn chung, về thiết kế, áo Tấc có phần tay dài rộng từ 30-50cm với chiều dài ống tay tính cộng theo từ cổ tay dài ra 40-50cm, không bó nách và có hình chữ nhật; tà áo thường dài không quá gối 10cm (phần nhiều trong khoảng 7-8cm). Đây là kiểu áo may theo dáng áo viên lĩnh cổ tròn nhưng được nối thêm một dải vải đứng khoảng một tấc (4 cm) ôm lấy cổ áo. Cổ áo dựng vuông và ôm khít vào cổ, và có 1 cúc ở chân cổ. Khuy áo gồm 5 chiếc bố trí hình chữ “quảng”, làm bằng các vật liệu cứng (vàng, bạc, đồng, trân châu, ngà, đá…) và thường có màu đối lập với màu sắc áo để tạo nên sự nổi bật. Ngày xưa, tùy vào điều kiện kinh tế cũng như vị thế, phẩm cấp, chức vụ của người mặc mà chất liệu vải may sẽ khác nhau. Đối với hoàng tộc, quan lại cao cấp thì chọn các loại lụa, the, sa cao cấp nhập của Trung Quốc hoặc do trong nước sản xuất, dân chúng bình thường sẽ dùng vải chất liệu vải rẻ hơn nhưng vẫn trang trọng, lịch sự. Màu sắc áo Tấc khá đa dạng, có thể dùng cho nhiều dịp lễ nghi, hội hè khác nhau.
Từ năm Gia Long thứ 6 (1807), triều nguyễn đã có quy định về trang phục áo Nhật bình dành cho hậu phi, công chúa, cung tần cả về màu sắc, chất liệu, hoa văn và các phụ kiện đi kèm (kim ước, kim phượng, trâm phượng).

Về màu sắc, Nhật bình của hoàng hậu thường có màu vàng chính sắc, màu cam; Nhật bình của công chúa có màu đỏ; cung tần nhị giai màu xích đào; cung tần tam gia màu tím; cung tần tứ giai màu tím nhạt…

Các loại phụ kiện đi kèm cũng phân theo thứ bậc: Hoàng hậu thì có 2 Cửu long kim ước phát, 1 Cửu phượng kim ước phát và 8 trâm phượng bằng vàng; công chúa thì có 1 Thất phượng kim ước phát và 12 trâm hoa; Cung tần nhị giai thì có 1 chiếc Ngũ phượng kim ước phát và 10 trâm hoa; cung tần tam giai thì có 1 Tam phượng kim ước phát và 8 trâm hoa; Cung tần tứ giai thì có 1 chiếc Phượng kim ước và 8 trâm cài
Xem thêm Nguyễn Đức Bình (2022), “Di sản áo dài đàn ông Việt trong bối cảnh hiện nay và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị áo dài Huế”: Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế (2022), Huế kinh đô áo dài Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 25-49.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: “Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc”.