Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an sinh xã hội

ĐNA -

Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, an sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định đây là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

Bảo đảm an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị – xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước theo quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. An sinh xã hội không thể được thực hiện đầy đủ khi nền kinh tế thiếu hụt, hệ thống chính sách xã hội thiếu bền vững và phát triển không phù hợp. Ngược lại, một nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững trong một xã hội chưa có hệ thống chính sách hướng về người dân, đảm bảo tối đa các điều kiện phát triển cuộc sống một cách bền vững.

Trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp là một vấn đề khá mới đối với các nước đang phát triển và ở Việt Nam hiện nay. Theo quan niệm của Hội đồng Thương mại thế giới, thì “trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”. Các yếu tố cấu thành bao gồm: trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với người lao động (dạy nghề, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động); trách nhiệm chung với cộng đồng (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay nước ta có gần 683.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5% tổng số lao động của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra là hệ thống doanh nghiệp đã và đang có vai trò, trách nhiệm như thế nào để cùng với Nhà nước và cộng đồng giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay được thực hiện trên cơ sở 05 yếu tố: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, bảo hiểm tai nạn, cứu trợ xã hội và trợ giúp, ưu đãi xã hội. Các nội dung được triển khai theo hướng đa tầng, linh hoạt, nhằm mục tiêu giải quyết được những vấn đề cơ bản trong giai đoạn chuyển đổi, mang tính xã hội và có yếu tố bền vững. Để đối phó với bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, cùng với việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động; nhiều doanh nghiệp tích cực đồng hành chung tay cùng Nhà nước và cộng đồng xã hội trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sự phát triển đất nước đã cho thấy vai trò tích cực hơn của doanh nghiệp trong thực hiện an sinh xã hội, từng bước góp phần xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh ngày càng tốt hơn, bao phủ rộng hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động từ thiện như giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xóa đói giảm nghèo, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm xã hội của bản thân doanh nghiệp. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, một trong nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa đầy đủ là do tổ chức công đoàn ở một số nơi còn yếu. Tại khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhiều doanh nghiệp tổ chức công đoàn hoạt động chỉ mang tính chất hình thức, là cánh tay nối dài của chủ sử dụng lao động. Khi có tranh chấp, mâu thuẫn giữa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, các vấn đề không được giải quyết ngay từ ban đầu mà thường dẫn đến xảy ra tình trạng đình công, nghỉ việc tập thể. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021; Điều đó cho thấy, cần phải có sự thay đổi tích cực từ phía các doanh nghiệp trong việc quan tâm và thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, cũng là góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội chung mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới.

Để tăng cường thực hiện các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội trên cả nước, đồng thời phát huy được tối đa vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có những nội dung tập trung chỉ đạo cụ thể bao gồm:

Khuyến khích tối đa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nhiều việc làm, đồng thời hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập là giải pháp xoá đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tích cực, hiệu quả, bền vững.

Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm mở rộng sự tham gia của mọi chủ thể vào cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Khuyến khích phát triển các mô hình an sinh xã hội tự nguyện ở cộng đồng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công cộng theo cơ chế phi lợi nhuận và các hình thức hợp tác công – tư. Đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội như: ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết dân tộc…

Huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách đối với người có công, phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, thiết thực; xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đảm bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nguồn lực của đất nước. Là nội dung liên quan trực tiếp đến ASXH và các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương; việc thực hiện chính sách tiền lương một cách đúng đắn, phù hợp đòi hỏi trách nhiệm cao nhất của doanh nghiệp và người đứng đầu góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội.

Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phải bảo đảm chủ động, tích cực và có tính xã hội hoá cao. Theo đó, cùng với tăng cường vai trò của Nhà nước, phải huy động mọi nguồn lực của xã hội, nâng cao trách nhiệm và năng lực tự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội gắn với đẩy mạnh phát triển các dịch vụ xã hội phải vừa trợ giúp mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, văn hoá, thông tin và truyền thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, đi lại…, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nhân dân đối với các dịch vụ này. Cần đẩy mạnh phát triển các quỹ phúc lợi xã hội ở cả 3 cấp độ: quỹ tập trung của Nhà nước; quỹ của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh; quỹ của các tập thể và cộng đồng. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước; củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão.

Chú trọng mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức thụ hưởng của nhân dân, bảo đảm công bằng trong phân chia nguồn lực. Tiếp tục đổi mới chính sách lao động, việc làm hướng đến việc làm bền vững. Phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Ngoài những nội dung cơ bản trên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn đề cập khá cụ thể đến những vấn đề như: đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người dân… Qua đó, xác định vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với phát triển đất nước, phù hợp với thực tiễn và tình hình mới./.
Lê Hoàng-Hoàng Nga