(Đà Nẵng). Ngày 21/11/2024, tại Đà Nẵng đã diễn ra ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Phát triển công nghiệp văn hóa cần tư duy mới, cách làm mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh rằng: “Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi văn hóa và công nghiệp văn hóa đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, của Chính phủ.
Hội nghị lần này khác với các hội nghị trước, đó là dành nhiều thời gian hơn để nghe đề xuất, kiến nghị từ chính doanh nghiệp, các Hiệp hội chuyên ngành – chủ thể trung tâm của hội nghị. Cơ quan quản lý lắng nghe đầy đủ, và cùng bàn để tháo gỡ các khó khăn, bổ sung thêm cơ chế, chính sách, làm chủ trương, định hướng, mở đường, mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa.
Trước đây ngành văn hóa làm luôn công nghiệp văn hóa, giờ theo tư duy mới, cơ quan quản lý nhà nước văn hóa chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý, làm sao để có bộ khung pháp lý thật hoàn chỉnh, tạo đà cho phát triển công nghiệp văn hóa. Việc còn lại là của doanh nghiệp, của Hiệp hội chuyên ngành. Cũng theo tư duy mới, câu chuyện làm công nghiệp văn hóa là của nhiều Bộ, ngành liên quan, rồi địa phương cũng vào cuộc, chứ không riêng ngành văn hóa”.
Nội dung làm việc của hội nghị trong 2 ngày 21 và 22/11/2024, có thảo luận về giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Thứ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cũng nhắc lại tinh thần “bám sát thực tiễn” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu:
“Xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm; xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”*. Có như vậy, mới huy động đồng bộ sức mạnh, “đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới”.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, “Thủ tướng đã giao trách nhiệm, và trong quý IV/2024 này, Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch phải xong Đề án, hiện thực hóa Chỉ thị số 30/CT-TTg về “Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam” đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai đánh giá đầy đủ, toàn diện công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2016-2024”.
Hội nghị sẽ đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước. Ảnh: T.Ngọc.
Do vậy, hội nghị lần này sẽ đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.
“Về đường lối, chiến lược, Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch đang nỗ lực triển khai cụ thể hóa Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23 tháng 02 năm 2024, về phát triển Du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Chú ý một bất cập mà Chỉ thị nhắc đến, có liên quan đến trách nhiệm của Ngành, liên quan đến công nghiệp văn hóa “Chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu Việt Nam. Chưa tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, có tính chuyên nghiệp cao, định kỳ, thường xuyên hơn để thực sự trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam”.
Những nội dung này, cũng sẽ được đưa vào các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nói cách khác, văn hóa và công nghiệp văn hóa sẽ đi vào văn kiện chính trị đặc biệt quan trọng.
Có thể nói, chưa bao giờ, văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa lại được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm đặc biệt. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra (đợt 2, từ 20 đến 30/11) sẽ thảo luận và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); xem xét, cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, … Đây là những Luật liên quan mật thiết đến công nghiệp văn hóa. Đối với lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua, Thủ tướng cũng đã 3 lần trực tiếp chủ trì 3 hội nghị về văn hóa; tham dự và phát biểu tại hội nghị về văn hóa, tổ chức ở nước ngoài. Gần đây nhất là hội nghị là ở Côn Minh và Trùng Khánh (Trung Quốc).
Tại Việt Nam chúng ta, bước đầu, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã đóng góp 4.04% cho GDP của nền kinh tế, nhưng, thực tế, dư địa của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam còn rất lớn và rất hấp dẫn.Có rất nhiều việc doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Chẳng hạn may trang phục và cung ứng đa dạng các kiểu cho nhà sản xuất. Ở nước ngoài, có cả công ty chuyên về trang phục cho phim, và doanh thu của họ cả triệu USD.
Việt Nam chúng ta có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, giá trị cao, nhiều đoàn làm phim đã đặt vấn đề với chúng tôi về cảnh quay lấy bối cảnh Việt Nam. Trước đây, đã có đoàn làm phim muốn lấy cảnh quay tại Việt Nam, nhưng chưa toại nguyện. Nay đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng, họ nhận ra và công tâm ca ngợi, tỏ ý rất muốn quay trở lại làm phim ở Việt Nam….” – Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Muốn phát triển công nghiệp văn hóa phải liên kết, hợp tác quốc tế thường xuyên, mạnh mẽ hơn
Thay mặt địa phương được chọn là nơi tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng ông Hồ Kỳ Minh, khẳng định: “Công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ, giữa văn hóa và kinh tế, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Đà Nẵng, từ năm 2015 trở lại đây, đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hoá. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa”.
(Đà Nẵng đã có những thành công bước đầu như tổ chức thành công liên tiếp 2 kỳ Liên hoan Phim châu Á (DANAFF). Trong đó, lần đầu tiên, DANAF diễn ra vào tháng 5/2023, và báo Thể thao – Văn hoá đã bình chọn DANAFF là 1 trong 10 sự kiện văn hoá nổi bật năm 2023; tổ chức thành công Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) với khởi đầu là DIFC 2008. Trừ 1 năm chuyển tiếp và 3 năm chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 (2020-2021-2022), DIFC – DIFF đã có 12 năm diễn ra và tạo dựng thương hiệu riêng cho Đà Nẵng,….-T.N)
Ông Hồ Kỳ Minh cũng nhìn nhận rằng, “bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế; các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ…”.
Cón theo bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng, “đầu tư ngân sách công (của Đà Nẵng) cho các ngành công nghiệp văn hoá đã có sự gia tăng, tuy nhiên còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội và hưởng thụ của người dân. Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa được quan tâm có tính đột phá để có thể thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hoá và nghệ thuật tới hoạt động tại địa phương”.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, cũng như tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp đầy tiềm năng này, lãnh đạo thành phố cũng đã giao Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.
“Đà Nẵng đã và đang tiếp tục quan tâm rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Thành phố đã mở rộng trọng tâm từ du lịch và công nghệ số tới các lĩnh vực khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc.
Cách tiếp cận này lấy cơ sở từ phát triển nguồn nhân lực văn hoá; nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích tài trợ tư nhân cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin và khởi nghiệp sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng (cải thiện chất lượng các cơ sở văn hóa, như nhà hát, rạp chiếu phim và các trung tâm văn hóa).
Trên cơ sở cách tiếp cận đổi mới này của chính quyền thành phố, số lượng các doanh nghiệp và không gian sáng tạo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Đà Nẵng, thu hút nhiều nhân lực các chuyên ngành công nghiệp văn hóa tới sinh sống và làm việc.
Đề án lần này,thành phố định hướng ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng; điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh thành phố định hướng phát triển thành phố sự kiện, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố phân tích.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng phim châu Á xuất sắc nhất cho một bộ phim của Việt Nam tại DANAFF 2023. Ảnh: T.Ngọc Màn trình diễn của Đội tuyển pháo hoa Đà Nẵng (đại diện cho Việt Nam) tại một kỳ DIFC. Ảnh: T.Ngọc.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tiếp tục làm việc đến ngày 22/11/2024.
Theo chương trình, trong 2 ngày, ngoài quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 30/CT-TTg đến các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức triển khai các nội dung được (Thủ tướng) giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg, với yêu cầu xác định rõ hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn, cách thức tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện và tiến độ hoàn thành, chú ý đến tính đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu dự hội nghị còn tập trung đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; phát triển trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhất là xác định sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao… Đặc biệt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn khi triển khai các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua nhìn từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp./.
Trần Ngọc
*Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10/2024.