Thứ Tư, Tháng 7 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát triển Huế trên nền tảng di sản: kết hợp giá trị truyền thống với công nghiệp văn hóa và công nghệ số



ĐNA -

Huế là một trong sáu đô thị trực thuộc trung ương nhưng là thành phố duy nhất ở Việt Nam chọn con đường phát triển dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản. Trong thời kỳ đất nước chuyển mình mạnh mẽ, hướng đi này được xem là quyết định chiến lược, tận dụng tối đa lợi thế đặc thù của vùng đất cố đô đang sở hữu, phát huy sức mạnh của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển nhanh và bền vững.

Di sản, nguồn tài nguyên chiến lược của thành phố Huế
Huế, vùng đất cổ kính bên bờ sông Hương từ lâu đã được xem là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Trải qua bao biến thiên lịch sử, Cố đô vẫn giữ được một bản sắc văn hóa đặc biệt, nổi bật với hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú, kết tinh từ hàng thế kỷ hình thành và phát triển của các triều đại phong kiến, đặc biệt là thời Nguyễn. Chính nền tảng ấy tạo nên một nguồn lực to lớn, không chỉ trong bảo tồn văn hóa mà còn là đòn bẩy chiến lược cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế trong thời đại công nghiệp văn hóa và cách mạng số.

Hiện nay, thành phố Huế đang sở hữu một hệ thống di sản đáng tự hào: 8 danh hiệu do UNESCO ghi danh, gồm Di sản văn hóa vật thể (Quần thể Di tích Cố đô Huế), Di sản phi vật thể (Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nghệ thuật hát Bài Chòi Trung bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt), và Di sản tư liệu (Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh). Đây là một hiện tượng hiếm có ở Việt Nam và khu vực, thể hiện chiều sâu, tầm vóc và tính toàn diện của kho tàng di sản Huế.

Bên cạnh đó, Huế còn có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 93 di tích cấp quốc gia, 106 di tích cấp thành phố, 8 di sản phi vật thể cấp quốc gia, hơn 520 lễ hội truyền thống, cùng hàng chục làng nghề thủ công như đúc đồng, làm nón lá, tranh dân gian, mộc bản, pháp lam, dệt dèng… đặc biệt là một di sản ẩm thực phong phú với hàng trăm món ăn cung đình và dân gian độc đáo. Mỗi yếu tố nêu trên đều là “hạt giống” để hình thành các sản phẩm văn hóa sáng tạo, phục vụ cho du lịch, giáo dục, giải trí và quảng bá quốc tế.

Không dừng lại ở việc lưu giữ, Huế đang chuyển mình để biến di sản thành động lực phát triển, một chiến lược mang tính thời đại, phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã xác định.

Từ bảo tồn đến phát triển: Động lực mới từ công nghiệp văn hóa
Trong những năm gần đây, Huế đã mạnh dạn xác lập hướng đi mới: phát triển kinh tế từ di sản, gắn với mô hình công nghiệp văn hóa. Đây là lựa chọn đúng đắn và đầy tiềm năng, bởi di sản Huế không chỉ là “cái đã có” cần được bảo tồn, mà còn là chất liệu sáng tạo để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, thời trang, thiết kế, âm nhạc, trò chơi điện tử, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, quảng bá nghệ thuật số…

Các đề án, dự án như “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế -Kinh đô ẩm thực”; các chương trình “Tuần lễ áo dài cộng đồng”, “Lễ hội Áo dài”, “Lễ hội ẩm thực”, “Lễ hội đèn lồng”, “Lễ hội lân, sư, rồng” hay các dự án phục dựng múa hát cung đình, trò chơi cung đình và dân gian, trang phục cung đình và cổ phục, phục dựng, mô phỏng các công trình kiến trúc cổ… đã cho thấy năng lực khai thác di sản để tạo ra các sản phẩm văn hóa mang tính thương mại và lan tỏa. Những chương trình này không chỉ gìn giữ di sản mà còn tái cấu trúc chúng trong hình thái mới, gần gũi với công chúng đương đại và du khách quốc tế.

Việc Huế được định hướng trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực cũng là một bước tiến chiến lược, mở ra cánh cửa kết nối di sản với mạng lưới sáng tạo toàn cầu.

Cơ hội lớn từ AI và công nghệ số
Cùng với công nghiệp văn hóa, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những triển vọng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Nhiều ứng dụng công nghệ đang được triển khai như:

Số hóa di sản: Các bộ sưu tập cổ vật, mộc bản, châu bản, thơ văn trên kiến trúc cung đình, tư liệu Hán Nôm… đang được số hóa với công nghệ 3D, sử dụng AI để hỗ trợ hệ thống hóa và dịch văn bản Hán Nôm, giúp lưu trữ, tra cứu và phổ biến rộng rãi qua mạng Internet.

Không gian thực tế ảo (VR): Dự án tái hiện Hoàng cung, điện Cần Chánh hay các công trình đã bị hủy hoại, các lăng tẩm hoàng gia, đàn Nam Giao, Hổ Quyền… bằng VR giúp du khách có thể “du hành thời gian” để khám phá Cố đô trong trạng thái nguyên bản.

AI tạo nội dung văn hóa: Ứng dụng AI để mô phỏng phục trang, nhạc lễ, ngôn ngữ cung đình, ẩm thực cung đình… giúp tạo ra những sản phẩm giáo dục, trò chơi, phim ảnh, sách tương tác mang tính truyền cảm hứng và khai thác thương mại cao.

Bản đồ di sản số, app du lịch thông minh: Cho phép cá nhân hóa trải nghiệm khám phá Huế dựa trên hành trình, sở thích, thời gian của từng du khách.

Việc ứng dụng AI và công nghệ số không chỉ nâng cao hiệu quả quảng bá, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận di sản cho giới trẻ và bạn bè quốc tế, nhất là trong kỷ nguyên số toàn cầu hóa.

Những giải pháp chiến lược để phát triển bền vững trên nền di sản
Để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có những giải pháp chiến lược mang tính đồng bộ:
Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa gắn với di sản: Trong đó các lĩnh vực như thời trang truyền thống (áo dài, pháp lam, trang sức), ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn cung đình, thiết kế mỹ thuật, trò chơi văn hóa… cần được hỗ trợ từ chính sách đến đầu tư, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sáng tạo đến tiêu dùng.

Phát triển nguồn nhân lực sáng tạo: Đào tạo đội ngũ nghệ nhân, nhà thiết kế, lập trình viên, đạo diễn, nhà nghiên cứu di sản có khả năng sáng tạo sản phẩm mới từ chất liệu văn hóa truyền thống. Kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, nghệ sĩ độc lập và startup công nghệ.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào di sản: Xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào bảo tồn, phục dựng, kinh doanh dịch vụ gắn với di sản; phát triển các trung tâm trải nghiệm, bảo tàng sống, không gian văn hóa sáng tạo tại Đại Nội, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội…

Hợp tác quốc tế và phát triển thương hiệu di sản Huế: Đẩy mạnh quảng bá di sản Huế ra quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa tại nước ngoài, liên hoan phim, hội chợ xúc tiến văn hóa, du lịch, kết nối UNESCO, các thành phố sáng tạo và tổ chức văn hóa quốc tế.

Đổi mới mô hình quản lý di sản: Từ quản lý hành chính sang quản trị sáng tạo – nơi cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng tham gia trong việc khai thác di sản một cách bền vững và hiệu quả.

Huế đang đứng trước thời cơ chưa từng có để chuyển mình mạnh mẽ, khi di sản văn hóa không còn là biểu tượng để chiêm bái mà trở thành nền tảng sống động cho tương lai. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và số hóa di sản, không chỉ mở ra hướng tiếp cận mới trong công tác bảo tồn, mà còn biến văn hóa thành một nguồn lực phát triển. Kết hợp bản sắc lâu đời với tư duy sáng tạo và công nghệ tiên tiến, Huế có đầy đủ điều kiện để trở thành hình mẫu cho mô hình “văn hóa dẫn đường”, một chiến lược phát triển đặc trưng của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Đây chính là con đường để di sản không chỉ được giữ gìn, mà còn được phát huy như một sức mạnh mềm, đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Hương Bình/Ảnh trong bài: Bảo Minh, Lê Đình Hoàng.