Thành phố Huế đang chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây, không chỉ khẳng định vị thế ở lĩnh vực văn hóa, du lịch mà còn mở ra một hướng đi đầy triển vọng: phát triển kinh tế thể thao. Nổi bật trong bức tranh năng động ấy, Huế Sports Festival, ngày hội thể thao cộng đồng đã trở thành điểm nhấn đặc sắc, lan tỏa tinh thần sống khỏe, sống đẹp và đồng thời kích hoạt dòng chảy kinh tế mới từ thể thao, góp phần xây dựng một giá trị cộng hưởng hiện đại và bền vững cho thành phố.
Sáng kiến khởi đầu từ cộng đồng
Ra đời từ năm 2023, Huế Sports Festival là sáng kiến của ngành Văn hóa và Thể thao thành phố, với tư duy tổ chức hoàn toàn xã hội hóa. Không đặt nặng vào ngân sách nhà nước, chương trình huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, câu lạc bộ và cá nhân yêu thể thao. Vai trò của nhà nước được thể hiện chủ yếu trong việc tạo dựng môi trường thi đấu thuận lợi, hỗ trợ công tác tổ chức, đảm bảo an toàn, y tế và truyền thông. Đây không chỉ là mô hình quản lý linh hoạt, tiết kiệm chi phí, mà còn thể hiện một tư duy mới trong cách vận hành nền kinh tế thể thao: đặt cộng đồng làm trung tâm.
Điều đáng ghi nhận là dù khởi đầu với quy mô còn khá khiêm tốn, chỉ với 7 bộ môn chính thức và 2 bộ môn hưởng ứng nhưng Huế Sports Festival nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực. Mỗi năm, quy mô ngày hội được mở rộng, nội dung thi đấu phong phú hơn, sự tham gia lan tỏa rộng khắp. Đến năm 2025, sự kiện đã quy tụ 12 bộ môn thể thao với sự tham gia của hàng chục ngàn vận động viên, huấn luyện viên và cổ động viên đến từ khắp nơi. Bóng đá phong trào, chạy bộ/jogging, đua xe thăng bằng, bóng rổ, tennis, golf, karate -do, pickleball, yoga, khiêu vũ thể thao, … tất cả đã hòa quyện tạo nên một không gian vận động sống động, giàu cảm hứng và tính gắn kết cao.
Năng lượng tích cực, lợi ích đa chiều
Không đơn thuần là một sự kiện thể thao thường niên, Huế Sports Festival đã từng bước trở thành một “lễ hội vận động” đúng nghĩa của người dân Huế. Không khí tươi vui, năng động, khát vọng chinh phục và niềm hứng khởi lan tỏa trên từng cung đường, góc phố. Chính điều này đã góp phần thay đổi hình ảnh cố đô trong mắt du khách: một Huế mới mẻ, trẻ trung, sôi động và biết cách làm mới mình từ những điều tưởng chừng rất giản dị.
Tác động của Huế Sports Festival không dừng lại ở mặt tinh thần. Nhìn ở góc độ kinh tế, sự kiện đã mở ra một không gian hấp dẫn để ngành du lịch dịch vụ phát triển. Khách sạn, nhà hàng, vận tải, bán lẻ, truyền thông, tất cả đều được kích hoạt trong mùa lễ hội. Các doanh nghiệp thể thao, từ cửa hàng dụng cụ, thương hiệu thời trang thể thao, phòng tập gym, huấn luyện viên cá nhân đến đơn vị tổ chức sự kiện cũng có thêm cơ hội quảng bá, kết nối, tăng doanh thu.
Đó chính là những lợi ích thiết thực của “kinh tế thể thao”, một khái niệm ngày càng được thế giới quan tâm, và đang từng bước hiện thực hóa ở Huế. Khi thể thao trở thành nhu cầu thường nhật, khi người dân sẵn sàng đầu tư cho sức khỏe và phong cách sống năng động, thì cũng là lúc thị trường dịch vụ thể thao phát triển mạnh mẽ. Và Huế, với bước đi đúng hướng từ Huế Sports Festival, đã kịp thời nắm bắt xu thế này.
Hướng đi bền vững từ lợi thế địa phương
Không phải ngẫu nhiên mà Huế lại chọn phát triển kinh tế thể thao như một chiến lược song hành cùng du lịch văn hóa. Thành phố vốn dĩ có rất nhiều lợi thế: khí hậu ôn hòa, cảnh quan tự nhiên đẹp, môi trường sống trong lành, hệ thống công viên, đường chạy ven sông, bãi biển gần trung tâm… Đây là điều kiện lý tưởng để tổ chức các sự kiện thể thao ngoài trời, đặc biệt là các bộ môn không chuyên, gắn với du lịch trải nghiệm như marathon/jogging, đạp xe, hiphop, yoga, chèo SUP…
Huế còn là đô thị di sản, nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Việc tổ chức các sự kiện thể thao trong bối cảnh di tích, giữa lòng phố cổ, bên những dòng sông xanh vừa tạo sự mới lạ, vừa quảng bá hình ảnh di sản một cách sáng tạo và hiệu quả. Những giải chạy ngang qua Đại Nội, thi đấu bóng rổ bên bờ sông Hương, đua chèo sup trên sông Hương, phá Tam Giang, đua xe đạp xuyên qua cung đường di sản… đều là các ý tưởng có thể mở rộng để tạo nên những sản phẩm du lịch – thể thao độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Huế càng có điều kiện thuận lợi để đầu tư hạ tầng thể thao hiện đại, quy hoạch hệ thống công viên thể thao, quảng trường ngoài trời, sân vận động, trung tâm huấn luyện… Đồng thời, việc xã hội hóa các thiết chế thể thao như mô hình liên kết với doanh nghiệp để vận hành sân bóng, bể bơi, trung tâm thể hình cũng là cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với xu hướng hiện đại.
Tầm nhìn và khát vọng
Huế đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng vươn lên không chỉ là “thành phố di sản” mà còn là “thành phố đáng sống” – nơi người dân khỏe mạnh, năng động và có chất lượng sống cao. Trong chiến lược này, kinh tế thể thao là một mắt xích quan trọng. Đó không chỉ là công cụ để quảng bá hình ảnh thành phố, mà còn là động lực thúc đẩy tiêu dùng, tạo việc làm, nâng cao thể chất cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực trẻ và bền vững.
Từ nền tảng Huế Sports Festival, thành phố hoàn toàn có thể xây dựng một hệ sinh thái thể thao gắn với kinh tế, nơi các mô hình khởi nghiệp thể thao được hỗ trợ, nơi các giải đấu chuyên và bán chuyên được tổ chức định kỳ, nơi các sản phẩm thể thao “made in Huế” được phát triển và xuất khẩu. Xa hơn nữa, Huế hoàn toàn có thể đăng cai các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế, tạo cú hích lớn cho thương hiệu địa phương.
Huế Sports Festival không đơn thuần là một sự kiện thể thao, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đổi mới của thành phố: chủ động vươn lên, năng động hội nhập và hướng đến phát triển bền vững. Thông qua kinh tế thể thao, Huế đang tạo dựng một nhịp sống hiện đại, gắn kết cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng vẫn giữ vững bản sắc riêng – điều làm nên một Huế khác biệt trên hành trình phát triển.
Hương Bình