Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát triển Logistics mang lại giá trị gia tăng cao, hoàn thành mục tiêu EWEC



ĐNA -

Dài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar, qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng; hành lang kinh tế Đông – Tây (East West Economic Corridor – EWEC) nằm trong mạng các hành lang kinh tế trong Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS).

Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 đã chính thức khởi xướng EWEC.

Hành lang kinh tế Đông – Tây. Ảnh: GMS – ADB.

Tuy nhiên, theo,sau gần 25 năm hình thành, EWEC vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đề ra, một trong những cản trở đối với sự phát triển của hành lang là xuất phát điểm kinh tế của các địa phương trên hành lang còn thấp, đều là các khu vực chậm phát triển hơn các cực tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên, bên cạnh đó hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập cũng đã hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới trên hành lang.

Nhân sự kiện Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2022 đang diễn ra tại Đà Nẵng, ngày 4/8, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn phát triển Logistics hành lang kinh tế Đông Tây.

“Diễn đàn hôm nay nhằm mục đích gợi mở, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế và các đơn vị liên quan, thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, đề xuất sáng kiến đóng góp vào việc hoàn thiện các điều kiện và chính sách phát triển dịch vụ logistics của các địa phương gắn với EWEC (từ Myamar, Thái Lan, Lào đến Việt Nam).

Thành phố Đà Nẵng mong muốn cùng các tỉnh bạn có thể liên kết xây dựng hệ thống logistics hoàn thiện, hiện đại nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trên hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với dòng chảy thương mại quốc tế”, ông Trần Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ kỳ vọng.

Cắt băng khai trương Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2022 (tối 3/8). Hội chợ kéo dài đến hết ngày 8/8. Ảnh: Trung Đức/ASEAN News.

Có lợi thế rất lớn để phát triển, song Logistics của Đà Nẵng còn nhiều khó khăn
Với Việt Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây “chạm ngõ” cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) sau đó chạy xuyên suốt qua 3 tỉnh, thành phố là Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Với vị trí giao điểm của EWEC và của hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đà Nẵng có những lợi thế đặc biệt và có vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Với EWEC, Đà Nẵng trở thành “đầu mút”, cửa ngõ mở ra phía Đông của toàn tuyến EWEC (bao gồm cả vùng Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan).

“Mặc dù có lợi thế rất lớn để phát triển, tuy nhiên ngành dịch vụ Logistics của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế phải sớm khắc phục” – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích.

Trước hết, cơ sở hạ tầng logistics thành phố chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với EWEC và cả nước; Đà Nẵng cũng chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức (của nội bộ Đà Nẵng) và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn.

Về hàng không, sân bay Đà Nẵng hiện chủ yếu phục vụ hành khách, chưa phát huy vài trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa hàng không. Không gian sân bay hạn chế, khó có thể mở rộng do hạn chế về quỹ đất. Các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm (tại sân bay Đà Nẵng), cần được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Thứ hai, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đổi ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít và là các nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia.

Ông Trần Thanh Hải: Quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đổi ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn còn hạn chế. -Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Cuối cùng, là khó khăn trong thu hút nguồn hàng – ông Trần Thanh Hải lưu ý thêm. Các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, lượng nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn.

“Sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong việc thu hút nguồn hàng tại địa phương cũng như trên hành lang kinh tế Đông – Tây ngày một quyết liệt với sự quan tâm đầu tư hạ tầng cũng như các chính sách ưu đãi” – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Công Bằng cũng đồng tình và chỉ ra thêm “Dư địa về quỹ đất để phát triển của Đà Nẵng đã đến mức hạn chế, đặc biệt là quỹ đất để hình thành các trung tâm logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng”.

Với mục tiêu tiếp tục phát huy các lợi thế trên, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, thành phố sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ. Kết cấu hạ tầng kết nối với các đầu mối vận tải lớn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và khu bến Tiên Sa đều đang quá tải và nằm sâu trong trung tâm thành phố.

Trên một tầm nhìn rộng hơn, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Bằng còn cho rằng “Phân công chức năng của các địa phương trong khu vực miền Trung, trên EWEC vẫn chưa rõ ràng và còn nhiều chồng lấn. Các địa phương cần hình thành cơ chế phối hợp liên vùng, phân công rõ nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố mà hành lang đi qua, trên cơ sở phù hợp với điều kiện và lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, Đà Nẵng phải đảm nhận vai trò đầu tầu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics đòi hỏi chất lượng cao”.

Đà Nẵng phải đảm nhận vai trò đầu tầu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Khó khăn ngày từ điểm đầu tuyến
Khi chạm cửa ngõ Việt Nam, EWEC sẽ đi vào địa phận đầu tiên là Quảng Trị.
Là điểm đầu cầu của EWEC của Việt Nam, Quảng Trị ở vị trí “nhịp cầu nối” rất thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay và dọc theo tuyến Quốc lộ 9 đến Huế và điểm cuối là Đà Nẵng.

“Đây là trục vận tải quan trọng để đưa hàng hóa của các nước trong khu vực Asian tìm đường ra Biển Đông (Thái Bình Dương) và các nước trên khu vực Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm hướng thâm nhập vào thị trường Asian và Ấn Độ Dương mà không phải đi qua eo biển Malacca”, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng nhìn nhận: Hiện tại hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh đang còn hạn chế, mặc dù đã có 9 trung tâm logistics và một số hệ thống kho bãi đã được quy hoạch từ cấp Chính phủ, bộ ngành đến cấp tỉnh. Hệ thống kho bãi và logistics này vẫn chưa được hoàn thiện, hiện mới có 2 dự án logistics với tổng diện tích 27 ha đang triển khai xây dựng.

Hạ tầng giao thông, nhất là tuyến Đường 9 vẫn còn bật cập, có lúc tắc nghẽn (do lưu lượng xe cao 500-700 xe/ngày), hiện đang triển khai nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt về Quốc lộ 1 với tổng chiều dài 13,8km. Các tuyến đường trọng điểm khác như Cao tốc Cam Lộ – La Sơn dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2022, Cao tốc Cam Lộ – Vạn Ninh hiện đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối năm 2022. Cửa khẩu quốc tế La Lay vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng.

Diễn đàn phát triển Logistics EWEC thu hút rất đông đại biểu tham dự. Số đại biểu đến dự tăng rất nhiều so với số lượng trong kế hoạch mời dự. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Tầm nhìn từ xu thế dịch chuyển của dòng chảy thương mại quốc tế
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn cho rằng, đúng là “sau gần 25 năm hình thành, hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển.

Việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC là rất cần thiết để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics”.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định thêm:
“Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn”.

Dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Còn theo ông Nguyễn Công Bằng Bằng – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, cùng với sự dịch chuyển của dòng chảy thương mại quốc tế, các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tại các khu vực nhiều tiềm năng nhưng còn chậm phát triển như EWEC.

Chính hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư trong thời gian tới sẽ là cơ hội khơi thông dòng chảy thương mại quốc tế, là động lực tăng trưởng cho các địa phương trên hành lang, từng bước hiện thực hóa tiềm năng, cơ hội đã được định hướng.

Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành phố trên hành lang cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, giảm thiểu chi phí vận tải và logistics; đặc biệt cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên EWEC.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, gợi ý: Phát triển dịch vụ logistics cũng chính là phát huy lợi thế của thành phố Đà Nẵng – địa phương giữ vai trò vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung tỉnh- và qua đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của EWEC.

Muốn vậy Đà Nẵng phải sớm có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao, trung tâm logistics thông minh, xanh, hiện đại, đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hàng hóa trong khu vực. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức (hỗ trợ trực tiếp; khuyến khích doanh nghiệp của Đà Nẵng đầu tư sang nước bạn; ngược lại, thu hút đầu tư FDI cũng trong nước vào các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên địa bàn Đà Nẵng), tạo nguồn hàng cho dịch vụ logistics.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm hỏi một doanh nghiệp Lào tại Hội chợ EWEC 2022. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Không chỉ Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định quyết tâm “xuất phát từ nhiều lợi thế như vị trí địa lý chiến lược; kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như lượng hàng qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Lalay ngày càng gia tăng và dự kiến còn gia tăng trong thời gian tới; những điều kiện về phát triển dịch vụ logistics, nhất là với các nước ASEAN trên EWEC”. Do vậy, Quảng Trị xác định mục tiêu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tập trung phát triển mạnh dịch vụ Logistics, từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực, tạo ra bước đột phá mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Tiến cũng đưa ra những đề xuất tâm huyết:
“Các địa phương trên EWEC về phía Việt Nam cần tiến hành rà soát kỹ để bổ sung các dự án Logistics trọng điểm, vào quy hoạch về logisitcs để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và quy hoạch vùng, quốc gia nếu có điều chỉnh. Hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay tại các địa phương trên EWEC về phía Việt Nam chưa có Trung tâm Logistics. Cần thiết lập một Trung tâm chuẩn hoá dịch vụ logistics – bao gồm các dịch vụ như theo dõi, giám sát hàng gửi; xử lý thủ tục hải quan hiệu quả và phi giấy tờ. Trung tâm logistics này sẽ kết nối đầy đủ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và đường sắt; tiếp cận tốt tới các cảng biển chính, cảng hàng không, ga đường sắt chính; tập trung khách hàng muốn thuê dịch vụ logistics từ 3PLs (Logistics bên thứ ba hay Logistics hợp đồng); thu hút lượng hàng container xuất và nhập cao.

Vắt ngang qua bán đảo Đông Nam Á, nối liền hai khu vực kinh tế là Đông Á với Nam Á và rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, EWEC là một hành lang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mang đến tâm thế hội nhập cho các nước EWEC.

Để phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của mỗi địa phương (Việt Nam) trên EWEC, nếu sớm tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics, phát triển một thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế đều tham gia, nhất định logistics sẽ trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Doanh nghiệp dịch vụ logistics ở miền Trung sẽ không còn là “các nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia”./.

Thế Cương – Trung Đức