Nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng phát triển trên thế giới trong bối cảnh nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch và an toàn của người tiêu dùng đang ngày càng được quan tâm. Việt Nam cũng đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những lợi thế về sự đa dạng và quy mô sản lượng nông nghiệp. Năm 2012 Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam được thành lập đã từng bước khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ trong sự phát triển chung của đất nước; đồng thời cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các chính sách phát triển ngành nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là công tác an toàn nông sản có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng. Mọi công đoạn từ khâu làm đất, đến thu hoạch đều được ghi chép để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề khi tiêu dùng… Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích cũng như tạo điều kiện để nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17 ngàn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…
Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp; Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – xu hướng của nông nghiệp hiện đại
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Các địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đã và đang không ngừng nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, góp phần thiết thực trong nhân rộng và lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tại Diễn đàn ‘Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến’ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang nhiều giá trị trong đó có giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người (người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Toản cũng đánh giá những khó khăn mà nông nghiệp hữu cơ phải khắc phục như xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ; khó khăn về mặt chính sách; điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng còn hạn chế; khái niệm nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa chưa đúng; khó khăn về hợp lực ngành hàng để cùng nhau đi xa hơn, ở quy mô lớn hơn trong câu chuyện về thị trường. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng chính là yếu tố tạo ra giá trị của nông nghiệp hữu cơ. Luôn chủ động đón nhận sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm trở thành lợi thế cho nông nghiệp hữu cơ và hình thành một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, thực phẩm minh bạch chính là bước đi quan trọng mà ngành nông nghiệp cần hướng tới..
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành tháng 1 năm 2022 đã đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Bằng thông điệp “Thức tỉnh – Lan tỏa – Kết nối”, nền nông nghiệp Việt Nam đang kỳ vọng xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm với hàng trăm triệu dân Việt Nam, với người tiêu dùng quốc tế; thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng mạnh mẽ.
Lê Hoàng – Hoàng Nga