Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát triển Tây Nguyên phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mang tính đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững

ĐNA -

Sáng 20/11/2022, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Phát triển xanh – hài hòa – bền vững”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư tỉnh Ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng); đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Để triển khai Nghị quyết này, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết. Do đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, mang tính khả thi, mang lại hiệu quả.

Chương trình đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; Phát triển văn hóa – xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Chương trình đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Phát triển Tây Nguyên phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển. Các vấn đề mang tính toàn dân, toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu. Phát triển Tây Nguyên phải mang tính đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong sản xuất, kinh doanh phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.

Chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng chỉ rõ, hơn 20 năm trước, chúng ta đã ưu tiên ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội để Tây Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; hiện nay chúng ta chuyển trạng thái sang phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên để góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải dựa vào quy hoạch, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, mang tính khả thi, mang lại hiệu quả.Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Theo đó, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; nghiêm túc tuân thủ luật pháp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp… “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Chính phủ để cho làm thí điểm; thực hiện xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kết nối Đông – Tây.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các trường Đại học, trường dạy nghề, trong đó có phát triển Trường Đại học Y, các trường đào tạo cán bộ quản lý. Tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng; phát triển công nghiệp chế biến gắn với kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động các nguồn lực vào đầu tư, trong đó có hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hợp tác công tư và thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của Tây Nguyên.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư vào Tây Nguyên “đã nói rồi thì phải làm; đã hứa, cam kết thì phải thực hiện; đã thực hiện phải có hiệu quả; trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng cũng nêu ra những mặt Tây Nguyên còn bị hạn chế, nguyên nhân là do hạ tầng chưa phát triển, thiếu nguồn lực về con người lẫn nguồn lực tài chính; thiếu kết nối nội vùng, liên vùng, quốc tế; chưa xây dựng được các thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Do vậy, cần phải thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước. Từ đó, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực Vùng Tây Nguyên tại Triển lãm – Ảnh: VGP

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương hoàn thiện quy hoạch; thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, trong đó tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng trị giá hơn 5 tỷ USD và 25.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Quỳnh Trang-Hồng Quang.