Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng



ĐNA -

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và đến 2045 là sự cụ thể hóa định hướng phát triển đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Định hướng đó nhất quán với đường lối xây dựng, phát triển đất nước ta trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững, với mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thể hiện khát vọng quyết tâm đổi mới của Đảng, Nhà nước ta, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, vị thế, uy tín và tiềm lực của Việt Nam ngày càng được nâng lên, nước ta hoàn toàn có đủ cơ sở, cả về lý luận và thực tiễn để phát triển lành mạnh, bền vững trên các lĩnh vực, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, quan điểm, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội XIII đề ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2021.

Những vấn đề đặt ra hiện nay
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có bước phát triển phù hợp với thực tiễn trong nước và xu thế phát triển của thời đại. Các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phát triển nhanh, ổn định và có sự chuyển biến tích cực; chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao; quyền tự do, dân chủ của nhân dân được đảm bảo; công tác phòng, chống tham nhũng, thiên tai, dịch bệnh được tăng cường…“Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới….”. Thế và lực của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển đất nước. Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước tuy có tăng, nhưng vẫn còn chậm; văn hoá, xã hội, môi trường chưa được quan tâm đúng mức; đời sống nhân dân ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn, chất lượng sống chưa được cải thiện; bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, biển đông, an sinh an toàn, các tệ nạn xã hội, tham nhũng… Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân “…nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”. Trên thế giới, đang có nhiều biến động về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, môi trường, nạn khủng bố lan tràn, gia tăng… Trước tình hình đó, cần phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững, để sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao, thịnh vượng, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, phải đổi mới tư duy phát triển …Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao…”.

Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc và sức mạnh niềm tin của nhân dân trước yêu cầu mới của bối cảnh đất nước

Giải pháp phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững
Phát triển lành mạnh, bền vững là phát triển vì lợi ích chung, giá trị chung, không vì lợi ích nhóm, hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, môi trường…Các giá trị, lợi ích cao cả là vì quốc gia, dân tộc, an sinh xã hội, vì bình đẳng, văn minh xã hội, vì hòa bình và hợp tác quốc tế. Phát triển lành mạnh, bền vững phải đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của họ”.

Sản xuất linh kiện điện tử tại nhà máy của VNPT Technology – đơn vị chủ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và công nghiệp nội dung số_Ảnh: TTXVN

Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường và con người
Sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh, bền vững về kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống người dân, giải quyết mâu thuẫn giữa một nền kinh tế ngày càng tăng trưởng với ô nhiễm môi trường sống nặng nề, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, tránh được sự suy thoái, trì trệ, nợ nần cho thế hệ tương lai.

Phát triển lành mạnh, bền vững về chính trị, cần tăng cường đổi mới về thể chế chính trị, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường cho phát triển kinh tế. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực cán bộ, cơ chế vận hành hợp lý, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Phát triển lành mạnh, bền vững về xã hội, trong đó, Việt Nam cần quan tâm giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, biển đông, thiên tai, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông… để đảm bảo về sức khỏe, dinh dưỡng, giảm đói nghèo, công bằng, bình đẳng, tiến bộ trong xã hội. Công bằng xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển lành mạnh, bền vững. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn sẽ không giúp cải thiện vấn đề môi trường, đói nghèo, vì những người nghèo hầu như vẫn không được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng kinh tế, cho nên thái độ của họ đối xử với môi trường cũng vẫn như trước đây.

Phát triển lành mạnh, bền vững về môi trường, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, đảm bảo cho con người sống trong môi trường trong lành, an toàn, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người, xã hội và tự nhiên. Khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên… nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của thế hệ hiện tại, nhưng không cản trở các thế hệ tương lai. Những đòi hỏi như vậy chỉ có thể thực hiện được khi những mục tiêu kinh tế và công bằng xã hội được đảm bảo.

Phát triển lành mạnh, bền vững về văn hóa, cần trong mối quan hệ biện chứng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và con người, đặc biệt là với kinh tế. Nếu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà không chú trọng đến phát triển văn hóa thì sẽ hình thành lối sống thực dụng, hưởng thụ, ngược lại, nếu chỉ chú ý đến giá trị văn hóa đơn thuần thì xã hội sẽ nghèo nàn, đời sống vật chất, tinh thần sẽ khó khăn. Do đó, cần quan tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát triển lành mạnh, bền vững về con người Việt Nam, phải có sức khỏe, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, cần, kiệm, liêm chính chí công vô tư, không ngại với khó khăn, gian khổ, quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững chính là xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với con người và môi trường “Đến nay, khoảng cách giàu nghèo trên thế giới vẫn không ngừng tăng, dẫn đến bất bình đẳng nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh nhiều nước (xung đột, bệnh tật, đói nghèo…)…Những nội dung cần phối hợp giải quyết là xóa đói giảm nghèo; chống tham nhũng; cứu trợ nhân đạo; khắc phục hậu quả thiên tai; chuyển giao công nghệ; xóa/giảm nợ… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thể chế (tính minh bạch, dân chủ, chiến lược phát triển, pháp lí, …) ở các quốc gia để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm hiểu in tranh dân gian Đông Hồ tại Di tích lịch sử – văn hóa Đền Đô ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững dựa trên hệ giá trị cốt lõi, mục tiêu và hệ giá trị phát triển
Muốn xây dựng xã hội Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững thì phải dựa trên Hệ giá trị cốt lõi: Lợi, Chân, Thiện, Mỹ, Linh. Mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững: “Sinh kế bền vững, Phát triển lành mạnh”, nước ta “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Dân chủ, Công bằng, Văn minh”, đến 2045 trở thành Nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có bình quân thu thập cao theo chuẩn của Liên hợp quốc. Hệ giải pháp phát triển lành mạnh, bền vững.

Hệ giá trị là tổng hòa các quan niệm sống của cộng đồng, được xem là đúng, tốt, đẹp là hành trang mỗi thành viên cộng đồng mang theo trong cuộc sống định hướng suy nghĩ, hành động cho mỗi cá nhân trong cộng đồng. Có nhiều tiếp cận giá trị theo các chiều cạnh khác nhau của văn hóa, đạo đức, kinh tế, xã hội…Xây dựng hệ giá trị theo nguyên tắc đi từ chung đến riêng: giá trị chung toàn nhân loại- giá trị toàn cầu- giá trị dân tộc->giá trị gia đình- giá trị bản thân.

Xây dựng một Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững đồng thời theo cái chung của xã hội và theo đặc thù của Việt Nam. Hệ giá trị cốt lõi chung cho xã hội Việt Nam, với mục tiêu: Độc lập- Tự do-Hạnh phúc (hệ giá trị trung tâm); Dân giàu-nước mạnh-xã hội dân chủ-công bằng-văn minh (hệ giá trị phát triển). Hệ giá trị này đã chi phối toàn bộ hành động xã hội theo tinh thần Đại hội XIII, đến 2030 Việt Nam trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước XHCN. Diễn ngôn theo Ngân hàng Thế giới: mục tiêu giàu mạnh cộng lại thịnh vượng-dân chủ- công bằng-sáng tạo.

Từ xưa đến nay, để bảo vệ hệ giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc, người dân Việt Nam phải ưu tiên cho sự đoàn kết, nhất trí, được coi là tối thượng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc mỗi khi có giặc ngoại xâm. Điều đó được chứng minh suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Việt Nam đã đánh thắng giặc ngoại xâm, kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ thắng lợi, là những dấu mốc lịch sử bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Trước đây, Việt Nam là một nước nghèo, chậm phát triển, đến nay, vị thế, uy tín, tiềm lực không ngừng được nâng cao. Sự không ngừng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế là dựa trên những giá trị cốt lõi và mục tiêu, giải pháp phát triển lành mạnh, bền vững.

Cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước

Muốn Phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững phải dựa trên Chiến lược tam hóa xã hội, Nguyên tắc tam hợp, Lý tưởng tam hòa
Một là, Chiến lược tam hóa xã hội: Hiện đại hóa xã hội (kế thừa, phát huy, phát triển tinh hoa truyền thống Việt…); Việt nam hóa xã hội (tiếp thu tinh hoa của nhân loại: thị trường, dân chủ tham gia lập pháp, hành pháp, tư pháp…; quảng bá tinh hoa của Việt Nam ra khắp thế giới); Lành mạnh hóa xã hội (cải tiến, cải cách, cách mạng xã hội…);

 Hai là, Nguyên tắc tam hợp: Hợp lý (pháp lý, luân lý, chân lý); Hợp tình (tình yêu, tình thương, tình nghĩa); Hợp đạo (thiên đạo, địa đạo, nhân đạo);

Ba là, Lý tưởng tam hòa: Hòa bình (thế giới, khu vực, quốc gia); Hòa thuận (gia đình, cộng đồng, xã hội); Hòa hợp (nhân cách, dân tộc, nhân loại).

Để phát triển phù hợp với thời đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thì hệ giá trị “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” càng được ghi nhận và được cộng đồng, xã hội (trong nước và quốc tế) quảng bá, kiểm tra, giám sát, phản biện, phấn đấu đến 2030 trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại; 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập trung bình cao (theo tinh thần của Đại hội XIII).

Ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, đất nước ta đã tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu (Trong ảnh: Chuyên gia Liên Xô làm việc với công nhân Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh những năm đầu đổi mới)

Muốn phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững phải thực hiện chiến lược tam hóa xã hội (đi từ chung-riêng), từ chung cho xã hội nói chung và riêng cho xã hội Việt Nam, gồm có 3 nội dung:

Một là, Hiện đại hóa xã hội Việt Nam (từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam), trên cơ sở kế thừa tinh hoa, thuần phong, mỹ tục của truyền thống: cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái lợi, cái linh thiêng (của Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo (của Việt Nam): Có đúng không? Có tốt không? Có đẹp không? Có lợi không? Có linh thiêng không? Thì ta kế thừa như thế nào? Ví dụ, Bác Hồ tiếp thu Chủ nghĩa Mác (phép biện chứng); Khổng Tử (lòng nhân đạo); Thiên Chúa giáo (lòng nhân ái); Tôn Dật Tiên (Dân tộc độc lập-dân quyền tự do-dân sinh hạnh phúc) vận dụng phù hợp với Việt Nam hiện nay. Bác Hồ đã hiện đại hóa cái này thành Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Phát huy (cái tinh hoa đang kế thừa). Phát triển (đổi mới hơn nữa tiếp tục cái tinh hoa).

Hai là, Việt Nam hóa xã hội trên cơ sở tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Tiếp thu cái thị trường (thành tựu, tinh hoa). Tiếp thu cái dân chủ tham gia: lập pháp, hành pháp, tư pháp, tam quyền phân lập, nhưng rất lành mạnh, hợp tác lẫn nhau…Một quyền (Đảng cộng sản cầm quyền) và 3 chức năng (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Ví dụ, tiếp thu cái năng lực truyền thông đại chúng của các nước tiên tiến (tự do ngôn luận, công khai, minh bạch, internet (VN không mạnh bằng họ), mạng xã hội…Việt nam hóa còn có nghĩa là quảng bá, truyền bá tinh hoa văn hóa, văn minh Việt ra khắp thế giới, trước hết là sang các nước thuộc khối Asian.

Ba là, Lành mạnh hóa xã hội đương đại: Cải tiến (sửa chữa khuyết điểm, gia tăng ưu điểm…); Cải cách (tái cấu trúc cơ sở xã hội theo quan điểm của Mác là: cơ sở kinh tế (lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất) và kiến trúc thượng tầng (triết học, tôn giáo, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật…); Cách mạng xã hội của thế giới (cách mạng công nghiệp 4.0). Lành mạnh hóa xã hội Việt Nam: cách mạng xã hội như lành mạnh hóa cách mạng tư tưởng Việt Nam; cách mạng tự do ngôn luận, dân chủ thực sự, trong công thức: Đảng lãnh đạo- Nhà nước quản lý- Nhân dân làm chủ (trên thực tế thì Dân chưa làm chủ thực sự, chỉ là nguyên lý, ví dụ hiện tượng Thủ Thiêm, những người thiệt hại nhất vẫn là dân,…); cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam (có đặc thù cách mạng XHCN từ không XHCN đến XHCN…)


Với sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)

Muốn phát triển Việt Nam lành mạnh, bền vững phải trên cơ sở thực hiện Nguyên tắc tam hợp:
Một là, Hợp lý: trước hết là pháp lý, thượng tôn pháp lý, mỗi công dân phải làm theo pháp luật (là hợp lý), nhưng mặt trái ở chỗ, trên lý thuyết pháp luật là của dân, do dân, vì dân, nhưng trên thực tế pháp luật không phải như vậy (của người cầm quyền, tham nhũng, không lắng nghe dân,…); luân lý; chân lý …

Hai là, Hợp tình : (tình yêu, tình thương, tình nghĩa);

Ba là, Hợp đạo: Thiên đạo (đạo trời); địa đạo (đạo đất); nhân đạo (đạo người, đạo làm người).

Từ Nguyên tắc tam hợp hướng tới Lý tưởng tam hòa (3 hòa):

Một là, Hòa bình: thế giới (các nước); khu vực (asean), đặc biệt là (Đông Bắc á- Trung Quốc gây hấn biển đông…); quốc gia (trong nước);

Hai là, Hòa thuận: Gia đình hòa thuận; cộng đồng hòa thuận, xã hội hòa thuận;

Ba là, Hòa hợp: hòa hợp nhân cách (đức-trí-thể-mỹ, trong đó thể chất và tâm hồn là quan trọng nhất, theo triết lý giáo dục lành mạnh); dân tộc hòa hợp (54 dân tộc hòa hợp, dư luận xã hội ủng hộ cái này, dư luận xã hội chia rẽ dân tộc là dư luận không lành mạnh); hòa hợp toàn thể nhân loại (Mác, Giêsu…).

Kết luận
Việt Nam là một trong số quốc gia có thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là những bằng chứng rõ nhất chứng minh tính đúng đắn của sự phát triển lành mạnh, bền vững trên các lĩnh vực, nhất là kết hợp tiến bộ và công bằng xã hội gắn với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường còn bất cập, khó khăn. Để hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045, với tầm nhìn chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn (2025, 2030 và 2045), cần dựa trên hệ giá trị cốt lõi, mục tiêu, hệ giải pháp phát triển lành mạnh, bền vững.

PGS.TS. Võ Thị Mai, HVCT Khu vực 2

Tài liệu tham khảo

  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 60, 65.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.34.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 511.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 473
  5.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75.
  6. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
  7. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3671
  8. https://vtv.vn/chinh-tri/voi-tat-ca-su-khiem-ton-chung-ta-van-co-the-noi-rang-dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-20210126121805801.htm
  9. Xã hội lành mạnh và lành mạnh hóa xã hội → Dư luận xã hội lành mạnh và lành mạnh hóa DLXH (theo đề xuất của GS.TS. Tô Duy Hợp. Viện trưởng Viện Trí Việt (IVM) thuộc Liên Hiệp Hội Việt Nam (VUSTA).
  10. Tô Duy Hợp (2012), Khinh – Trọng, cơ sở lý thuyết. Nxb Thế giới.
  11. Trong “Báo cáo Brunđtland’ của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên hợp quốc năm 1987 có định nghĩa, https://luatminhkhue.vn/phat-trien-ben-vung-la-gi—quy-dinh-phap-luat-ve-phat-trien-ben-vung.aspx.