(Gia Lai). Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1750/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu phát triển tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng.
Tiên phong về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Gia Lai là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Mục tiêu cụ thể, Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9,57%/năm; trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.
Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Về xã hội, tỉnh Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, lấy con người làm trung tâm, nâng cao tri thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực.
Môi trường sinh thái tỉnh Gia Lai xanh hơn, bền vững hơn với khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên.
Tỉnh Gia Lai có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh. Tỉnh Gia Lai kết nối với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn dịch vụ vận tải; hạ tầng công nghệ số liên thông với hạ tầng số quốc gia. Hệ thống đô thị phát triển hiện đại liên kết với khu vực nông thôn, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, tiện ích xã hội.
Gia Lai tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội, Gia Lai sẽ tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế. Cụ thể, phát triển thành phố Pleiku và phụ cận là địa bàn trọng điểm, có vai trò thúc đẩy, dẫn dắt quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, kết nối với các huyện lân cận (Đak Đoa, Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai) nhằm đảm nhận nhiều chức năng mới về chuyển đổi số, dịch vụ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nông – lâm nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục, du lịch, y tế, thể dục thể thao…
Hai cửa ngõ quốc tế
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông – Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Thúc đẩy hợp tác kinh tế – xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hoá, triển lãm quốc tế.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế. Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.
Ba hành lang kinh tế
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với Quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh. Là hành lang thương mại – dịch vụ – công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.
Hành lang kinh tế Đông – Tây (gắn với Quốc lộ 19): Kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn, liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, thành phố Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và Thị xã An Khê. Là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hành lang kinh tế Quốc lộ 25: Kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Bốn tiểu vùng sinh thái – kinh tế
Vùng 1: Thành phố Pleiku – đô thị Chư Sê – Đak Đoa – Chư Păh là trung tâm thương mại tổng hợp của vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Vùng 2: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.
Vùng 3: Thị xã An Khê – Thị trấn Kbang là vùng đệm sinh thái lâm nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh.
Vùng 4: Thị xã Ayun Pa – Phú Thiện – Krông Pa là trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Theo Quyết định, UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; chịu trách nhiệm toàn diện quản lý Quy hoạch tỉnh; hướng dẫn, phân công, phân cấp, điều phối, kiểm soát và bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, quy định trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý và thực hiện Quy hoạch.
Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất với nội dung của Quyết định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Gia Lai. Đồng thời, xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện và định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh, rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo quy định pháp luật.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, đảm bảo nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Gia Lai phải tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt và thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao.
Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn phải phù hợp với các nội dung Quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan.
Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Quý Dũng