Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

ĐNA -

(Phú Yên). Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Quy hoạch tỉnh được xác định là khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất để Phú Yên triển khai các định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Một góc TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Xây dựng nền kinh tế hiện đại và bền vững
Theo quyết định được phê duyệt, đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa vào lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,…), du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics.

Phú Yên thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Phấn đấu từ năm 2035, tỉnh tự cân đối được ngân sách nhà nước; là trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Phú Yên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 8,5 – 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 – 156 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,0 – 7,5%/năm.

Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7.000.000 lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%.

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,5% năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm còn dưới 35%. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 23.000 – 25.000 lao động.

Xác định 3 trụ cột phát triển chính
Quy hoạch tỉnh xác định 3 trụ cột phát triển và các giải pháp đột phá của tỉnh. Ba trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp – xây dựng đô thị, Dịch vụ – du lịch, Nông – lâm – thủy sản.

Trong đó, Phú Yên sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, kết nối sâu vào chuỗi giá trị. Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng tăng cường vào chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp; ưu tiên phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và logistics. Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững gắn với bản sắc của Phú Yên.

Đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; xây dựng chuỗi đô thị ven biển xanh và thân thiện môi trường. Thương mại – dịch vụ định hướng phát triển gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại nhằm kết nối mở rộng thị trường khu vực và cả nước.

Phát triển du lịch với hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm du lịch; giàu bản sắc văn hóa; từng bước hình thành các trung tâm du lịch lớn, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong năm 2030.

Tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Sản xuất công nghiệp được xem là một trong những ngành phát triển chính của Phú Yên trong tương lai.. Ảnh: Báo Phú Yên

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển Phú Yên
Quy hoạch xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển Phú Yên gồm:

Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước. Phát triển các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số mới vào cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đô thị thông minh và từng bước chuyển đổi sang chính quyền số.

Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển (1) Hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc – Nam, tuyến kết nối cảng biển; tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) tạo liên kết phát triển vùng; (2) Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế để thu hút đầu tư phát triển các dự án luyện kim, lọc, hóa dầu; năng lượng sạch; …; (3) Chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là thành phố Tuy Hòa mở rộng – cực tăng trưởng của Tỉnh; (4) Một số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế và y tế chất lượng cao; (5) Hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, năng động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Huy động mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước để tập trung phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển và phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực, chủ động phối hợp, liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hình ảnh và quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có của địa phương.

Công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Phú Yên
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Phú Yên sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Phú Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng, các khu công nghiệp với công nghệ hiện đại thu hút đầu tư các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Phát triển các ngành công nghiệp và các sản phẩm quan trọng là thế mạnh của Tỉnh, song song với việc nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao. Phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như sau: Luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh…); hóa chất (hóa dược, phân bón..); chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ khí – chế tạo; sản xuất sản phẩm gắn công nghệ số (sản xuất các sản phẩm thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghiệp tự động hóa, thiết kế và sản xuất chíp..); …

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất tập trung. Ảnh: Báo Phú yên.

Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát triển thương mại – dịch vụ tỉnh Phú Yên gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại và cơ cấu hợp lý về số lượng, loại hình và không gian; kết nối thị trường thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh và kết nối mở rộng thị trường khu vực và cả nước.

Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế – xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,…

Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa trên cơ sở tập trung cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực. Tập trung đầu tư vào các ngành dịch vụ có tiềm năng: Tài chính – ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục kỹ năng…

Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với các lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.

Chy Lê