Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phía Tây Hà Nội với những đại đô thị được quy hoạch bài bản, hệ thống dịch vụ và hạ tầng đồng bộ.

ĐNA -

Khu vực phía Tây của Hà Nội gồm 4 huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ với điểm nhấn là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó, trong đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội định hướng xây dựng thành phố phía Tây với khu đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, giáo dục và kỹ thuật công nghệ cao.

Khu vực phía Tây của Hà Nội gồm 4 huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Ảnh VGP

Phát huy ưu điểm địa hình đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn
Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, 4 huyện ngoại thành (Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ) phía Tây của TP. Hà Nội có đặc điểm tự nhiên là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng, lãnh thổ rộng lớn, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông.

Bên cạnh đó, ưu điểm địa hình đa dạng đã tạo ra nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam. Đây cũng là vùng đất có nền văn hóa rất phong phú với nhiều làng nghề truyền thống.

Về hạ tầng giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô, có đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm thành phố với các huyện trên cùng các Quốc lộ 21, 32, 6 và đường Vành đai 3,5, đường Vành đai 4 đang xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Thủ đô với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước.

Đặc biệt, tại khu vực này còn có những khu chức năng, dự án cấp quốc gia như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút được đông đảo nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp cũng dịch chuyển về phía Tây, tạo thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, từ đó hình thành làn sóng chuyển dịch về khu vực này để an cư.

Tại khu vực này, sự phát triển của các tuyến đường như Tố Hữu – Lê Văn Lương, Vành đai 2, Vành đai 3 và dự kiến Vành đai 3,5 và Vành đai 4, hay đại lộ Thăng Long kèm các dự án đường sắt đô thị số 2A, số 3 cũng đã tạo động lực cho việc phát triển các dự án bất động sản.

Sơ đồ vị trí 4 huyện phía Tây Thủ đô

Định hướng mô hình thành phố phía Tây là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu
Là khu vực nổi bật với tiềm năng, lợi thế tuy nhiên khu vực phía Tây vẫn còn hạn chế là nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch (hiện mới có Đại lộ Thăng Long chưa được hoàn thiện mặt cắt trên toàn tuyến để đảm bảo kết nối) làm cho các kết nối kém đi, và các trục giao thông như QL6, QL 21 … bị quá tải, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ của 4 huyện đã cũ, không đáp ứng tốt cho nhu cầu. Các tuyến đường liên xã nhỏ và chất lượng cũng đang dần xuống cấp.

Tốc độ triển khai quy hoạch rất chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tại khu vực các xã. Định hướng quy hoạch với nhiều chức năng di dời giảm tải trong nội đô như: giáo dục, y tế… nhưng chưa hoàn thành do nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, chính sách phát triển chưa có đột phá…

Để hiện thực hóa đô thị thông minh khu vực phía Tây, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại chủ trương di dời các cơ sở chức năng trong nội đô ra các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến. Hành lang xanh để bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề.

Trong đó, tập trung chủ yếu phát triển đô thị Hòa Lạc là hạt nhân chính để phát triển thành phố phía Tây bằng các cơ chế riêng và hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh. Giữ nguyên định hướng trục Hồ Tây – Ba Vì, chỉ vi chỉnh để bảo bảo tính khả thi nhằm hình thành không gian và trung tâm văn hóa mới của Thủ đô.

Ngoài ra, vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy cần đề xuất mô hình chuỗi cụm làng nghề, xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong khi đó, ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị, đơn vị tư vấn cần rà soát lại một số chức năng của thành phố phía Tây dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như: y tế, giáo dục, thương mại để xác định rõ nét hơn phát triển khu vực này.

Đồng thời, làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050.

Đề xuất ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất kiến nghị cần nghiên cứu, xem xét các chỉ tiêu, tiêu chí sử dụng đất, đặc biệt là với những khu vực đất cần giữ lại có tính khả thi trong quy hoạch, phù hợp với khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc…

Đối với lĩnh vực văn hoá – giáo dục, số sinh viên sau khai giảng lên Thạch Thất rất lớn, song sự phối hợp giữa các nhà trường và huyện chưa có sự kết nối nên vi phạm về vấn đề nhà cao tầng trong dân cư (cho sinh viên thuê trọ) tăng lên rất nhiều. Do vậy, phương án phát triển cũng cần xem xét đến vấn đề về đảm bảo an ninh và an sinh xã hội.

Hoàng Hạnh/nguồn VGP