Ngày 8/7/2025, hãng tin Reuters (Mỹ) đưa tin Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila để phản đối lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt đối với cựu Thượng nghị sĩ Francis Tolentino. Thông tin này được Văn phòng Tổng thống Philippines xác nhận cùng ngày.
Quan hệ Philippines – Trung Quốc tiếp tục bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi Bắc Kinh ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với cựu Thượng nghị sĩ Francis Tolentino. Động thái này được Trung Quốc viện dẫn là do “hành vi nghiêm trọng” của ông Tolentino đã gây tổn hại đến quan hệ song phương.
Tolentino, người thất cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 5, từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua một đạo luật vào năm ngoái xác định rõ ràng các tuyến hàng hải và vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines. Đạo luật này bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, xem đây là hành động làm leo thang tranh chấp ở Biển Đông.
Không chỉ vậy, ông Tolentino còn cáo buộc đại sứ quán Trung Quốc tại Manila có liên quan đến hoạt động thao túng dư luận thông qua việc ký hợp đồng với một công ty điều hành các “trang trại troll”, nhằm lan truyền thông tin sai lệch trong nước.
Trước lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Huang Xilian vào ngày thứ Sáu để phản đối chính thức. “Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt như vậy không phù hợp với các chuẩn mực tôn trọng lẫn nhau và đối thoại – những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ giữa hai quốc gia có chủ quyền bình đẳng,” phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống, bà Claire Castro, nhấn mạnh tại cuộc họp báo.
Phản hồi trước động thái này, Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định các biện pháp trừng phạt đối với ông Tolentino là “hoàn toàn nằm trong phạm vi pháp lý của Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo rằng “sẽ có hậu quả nếu lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại”.
Trung Quốc lâu nay đã chỉ trích một số chính trị gia Philippines vì những “phát biểu và hành động ác ý” làm phương hại đến quan hệ song phương, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục là nguyên nhân chính khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái đối đầu. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông, phán quyết mà Bắc Kinh đến nay vẫn không công nhận. Cùng lúc, một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang theo đuổi các tuyên bố chủ quyền riêng trong vùng biển giàu tài nguyên này.
Diễn biến mới nhất trong quan hệ Philippines – Trung Quốc phản ánh sự gia tăng đối đầu không chỉ về chủ quyền lãnh thổ, mà còn về cách tiếp cận ngoại giao và xử lý bất đồng. Việc Trung Quốc trừng phạt một chính trị gia Philippines, cùng với phản ứng cứng rắn từ Manila, cho thấy hai nước ngày càng khó tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông chưa có lối ra. Nếu không có cơ chế đối thoại hiệu quả và thiện chí từ cả hai phía, căng thẳng ngoại giao có thể tiếp tục leo thang, đe dọa ổn định khu vực và làm phức tạp thêm các nỗ lực hợp tác khu vực tại Đông Nam Á.
Hieu Nguyen