Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27

ĐNA -

Chuyến công tác của đoàn Việt Nam gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27

Nhận lời mời của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Tsuyoshi Hasebe, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27, thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 26-27/5.

Hội nghị tương lai châu Á là hội nghị quốc tế thường niên có uy tín hàng đầu ở châu Á do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức từ năm 1995. Đây là diễn đàn trao đổi chính sách uy tín, nơi các lãnh đạo cấp cao các nước tham dự thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề nổi lên ở khu vực châu Á, cơ hội, thách thức cho phát triển, an ninh, hòa bình và ổn định, từ đó định hình chính sách, đề xuất các ý tưởng hợp tác, các giải pháp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy gắn kết nhằm nâng cao vị thế của châu Á trên thế giới, vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.

Tiếp theo chủ đề của Hội nghị lần thứ 26 năm 2021 là “Định hình kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 năm nay có chủ đề “Định hình vai trò của châu Á trong thế giới chia tách”. Hội nghị năm nay được tổ chức trong 2 ngày 26-27/5, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á trong đó tham dự trực tiếp có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh và cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad. Tham dự qua hình thức trực tuyến có Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Trong suốt lịch sử 27 năm qua, mỗi Hội nghị tương lai châu Á đều có các chủ đề mang tính thời sự, đề cập các cơ hội và thách thức cấp bách mà châu lục nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, các xu thế phát triển mới cũng như những cam kết về nỗ lực đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của các quốc gia trong khu vực. Các đánh giá, nhận định, sáng kiến và đề xuất của lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, học giả… đưa ra tại mỗi kỳ Hội nghị đều có giá trị thực tiễn cao, đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết các thách thức, các vấn đề khu vực và quốc tế trong nhiều năm qua.

Sự tham dự của các tổng thống, thủ tướng, phó thủ tướng và đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các chính khách, học giả, doanh nghiệp…. từ các nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới tại các Hội nghị tương lai châu Á là minh chứng cho uy tín và vai trò quan trọng của Hội nghị trong việc định hình đường lối chính sách đối ngoại, kinh tế…., thúc đẩy sự kết nối và hợp tác tại châu lục cũng như trên thế giới.

Hội nghị năm nay được tổ chức dưới dạng hybrid, vừa trực tiếp và trực tuyến. Sau khi hoãn tổ chức trong năm 2020 và tổ chức theo hình thức trực tuyến trong năm 2021, việc tổ chức trực tiếp thể hiện quyết tâm trở lại với cuộc sống bình thường, song song với công tác phòng chống dịch hiệu quả của Nhật Bản. Việc kết hợp trực tuyến là hình thức mới xuất hiện từ hệ quả của đại dịch, thể hiện sự linh hoạt cao của Ban tổ chức, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia hơn.

Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục có đoàn cấp cao tham dự Hội nghị từ đó đến nay. Sự tham dự tích cực ở cấp cao của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị tương lai châu Á trong 13 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu tham dự cũng như phía Nhật Bản đánh giá cao.

Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp vào nội dụng hội nghị với những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách mà các nước cần tập trung giải quyết, trên cơ sở đó đề ra các sáng kiến, cùng tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Việc Việt Nam cử đoàn Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trực tiếp tham dự hội nghị không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với Hội nghị lần này mà còn thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn tương lai châu Á nói chung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Là một thành viên quan trọng của châu Á, do vậy, Việt Nam cần đóng vai trò lớn hơn trong tương lai châu Á đang định hình rõ nét trong hệ thống chính trị toàn cầu.

Chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27 gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Điều này cũng là thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương./.

PV (theo báo ĐCSVN)