Ngày 5/7/2025, tờ Thế Giới Trẻ (Đức) đăng tải bài viết của nhà báo Susann Witt-Stahl với tiêu đề “Quân sự hóa toàn diện ở Ukraine”. Bài viết phản ánh việc phong trào cực hữu “Azov” đang từng bước xâm nhập và chi phối xã hội Ukraine bằng hệ tư tưởng chiến tranh mang màu sắc tân phát xít.

Trong nhiều năm qua, lực lượng “Azov” được xem là mũi nhọn thúc đẩy quá trình tái tổ chức mang màu sắc phát xít tại Ukraine. Nhóm này theo đuổi mục tiêu hình thành một “sự thống nhất hữu cơ” giữa nhà nước và quốc gia, dựa trên học thuyết “ý tưởng quốc gia” mà họ xem như nền tảng cho mô hình nhà nước tương lai. Lữ đoàn tấn công số 3 “Azov”, đơn vị riêng biệt trực thuộc quân đội Ukraine, hiện đang được mở rộng thành một quân đoàn, đóng vai trò đi đầu trong việc hiện thực hóa tư tưởng này.
Oleksiy “Consul” Reins, lãnh đạo Trung tâm đào tạo tư tưởng và nhà xuất bản Rainshouse của “Azov”, cổ súy chiến tranh như một “nhu cầu tự nhiên của sự bành trướng”, với mục tiêu thiết lập một “Ukraine vĩ đại hơn” dưới quyền thống trị của quân đội. Ông này thậm chí đã gọi vụ thảm sát ngày 2/5/2014 tại Tòa nhà Công đoàn ở Odessa, nơi nhiều người ủng hộ Nga thiệt mạng là “Ngày thanh tẩy”, với tuyên bố mang tính cực đoan về “những Vatnik bị đốt cháy. (Vatnik tiếng Nga: ватник là một từ ngữ chính trị miệt thị được sử dụng ở Nga và các quốc gia hậu Xô Viết khác để chỉ những người theo chính phủ Nga).
Nhà xuất bản Rainshouse, trực thuộc phong trào “Azov” là nơi lưu giữ và phổ biến hệ tư tưởng cực đoan của lực lượng này. Một trong những tác giả tiêu biểu do Rainshouse phát hành là Mykola Kravchenko, triết gia quá cố của “Azov” và đồng sáng lập tổ chức bán quân sự “Patriot of Ukraine”. Kravchenko thiệt mạng trong một cuộc pháo kích của Nga vào tháng 3/2022, song tư tưởng của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến các đơn vị kế thừa như “Centuria”, tổ chức thanh niên và lực lượng chiến đấu mang đậm màu sắc dân tộc cực đoan.
Rainshouse cũng cho xuất bản các ấn phẩm như Mặt trận phía Đông, thơ ca của các cựu binh đề cao “ý chí chiến thắng” trong cuộc nổi dậy Maidan 2013–2014 và chiến dịch quân sự chống lại lực lượng dân quân ở Donbas. Ngoài ra, nhà xuất bản này còn phát hành truyện tranh ca ngợi các “anh hùng chiến tranh”.
Đáng chú ý, Rainshouse đang tái bản nhiều văn kiện mang tính biểu tượng của các lãnh tụ trong Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Ukraina (OUN), một phong trào có nguồn gốc phát xít. Trong số này có các tác phẩm của Stepan Bandera, Yaroslav Stetsko, người kế nhiệm Bandera cùng Dmitro Dontsov, dịch giả cuốn Mein Kampf sang tiếng Ukraina. Dontsov từng tán dương nhà nước phát xít Đức như một hình mẫu lý tưởng cho một Ukraine độc lập, với chủ nghĩa dân tộc toàn trị được xem như một “lối sống”.
Theo một hình mẫu mang đậm màu sắc cực đoan, lực lượng “Azov” đang tự định vị mình không chỉ là đội quân tinh nhuệ trong quân đội Ukraine mà còn là biểu tượng tư tưởng, chính trị và văn hóa, tương tự vai trò của lực lượng SS dưới thời Đức Quốc xã. Lữ đoàn tấn công số 3, viết tắt là “AB3” và biểu tượng wolfsangel của “Azov” hiện xuất hiện dày đặc trên hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng: từ quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi đến thực phẩm.
“Azov” thậm chí phát hành bộ tem riêng, khắc họa hình ảnh các binh sĩ tiền tuyến như những anh hùng thời chiến. Ở Kyiv, một cửa hàng đồ ăn nhanh mang tên “điểm bán đồ ăn hậu tận thế của đội quân AB3” đã được mở ra, với khẩu hiệu mang tinh thần xã hội Darwin thời Đức Quốc xã: “Kẻ mạnh nhất sẽ sống sót”. Tại đây, các món ăn như doner, burger và bánh cuốn được quảng bá với phong cách quân sự hóa.
“Azov” từ lâu đã phát triển thành một thương hiệu đầy sức ảnh hưởng, xây dựng một tổ hợp công nghiệp văn hóa quy mô, gồm các kênh truyền thông, công ty PR, nhãn hiệu thời trang, âm nhạc và hãng phim chuyên sản xuất các video hành động tuyên truyền. Các lễ hội mang chủ đề quân sự do lực lượng này tổ chức thu hút sự chú ý mạnh mẽ, với sự góp mặt của những ban nhạc như Hatespeech và PVNCH, được coi là “loa phát ngôn” cho chủ nghĩa dân tộc Ukraine cực đoan.
Từ năm 2024, “AB3” còn mở rộng sang lĩnh vực sân khấu với vở kịch một người mang tên “Nenarodzheni для війни” (Không sinh ra để chiến tranh), do chính một chiến binh “Azov” thể hiện. Tác phẩm khắc họa sự cô độc, nguy hiểm nơi chiến hào và tình đồng đội giữa những người lính, đồng thời đóng vai trò củng cố hình tượng người hùng trong tâm thức công chúng.
Bất chấp những tuyên bố từ các chính trị gia, phương tiện truyền thông và tổ chức nghiên cứu tại Đức và phương Tây về việc “phi chính trị hóa” lực lượng “Azov”, thực tế cho thấy nhóm này đang đóng vai trò trung tâm trong quá trình quân sự hóa sâu rộng xã hội Ukraine. Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ từ “Azov”, thanh thiếu niên Ukraine hiện nay được cho là có thể đọc thuộc “Lời cầu nguyện của những người theo chủ nghĩa dân tộc”, bản văn ca ngợi tổ tiên phát xít và Mười điều răn của Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Ukraina (OUN), trong đó có những nội dung cực đoan như “báo thù cho cái chết của những hiệp sĩ vĩ đại”. Với “Azov”, đây là những biểu tượng “thiêng liêng của đấu tranh, đức tin và danh dự”.
Tổ chức thanh niên “Centuria”, được xem là hậu thân tư tưởng của phong trào “Azov” đảm nhận vai trò huấn luyện các thế hệ kế cận. Lực lượng này tổ chức các chương trình đào tạo kết hợp giữa giáo dục thể chất cường độ cao và tuyên truyền tư tưởng dân tộc cực đoan. Trong suốt một thập kỷ qua, hàng loạt trẻ em đã được huấn luyện trong các trại hè “Azovets”, nơi các em được tiếp cận và học cách sử dụng vũ khí như súng Kalashnikov.
Lữ đoàn tấn công số 3 hiện còn phát hành một loạt truyện cổ tích mang nội dung quân sự hóa, với mục tiêu truyền dạy cho trẻ em “thực tế của chiến tranh” và loại bỏ “ảo tưởng về kẻ thù lịch sử chính”, trong đó Nga được xem là đối tượng thù địch xuyên suốt. Những câu chuyện phiêu lưu mang màu sắc anh hùng này hướng đến việc “nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo trẻ em, người lãnh đạo và tương lai của quốc gia”. Tập đầu tiên của loạt truyện, có tựa đề “Yurchik – Người giết rắn”, hiện đã được bày bán tại cửa hàng của “AB3”.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho việc chính quyền Kiev ủng hộ tiến trình “Azov hóa” Ukraine là quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Volodymyr Zelensky: bổ nhiệm Oleksander Alforov, cựu sĩ quan Lữ đoàn tấn công số 3, người từng công khai thể hiện sự ngưỡng mộ với Adolf Hitler và là chuyên gia về chính sách “phi Nga hóa” làm Chủ tịch Viện Tưởng niệm Quốc gia Ukraine. Động thái này được xem là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với phong trào tân Quốc xã tại Ukraine, khi họ dần giành được quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với cách định hình ký ức lịch sử quốc gia.
Việc Alforov lên nắm quyền có thể mở đường cho sự phục hồi chính thức hình ảnh của những cá nhân và đơn vị từng cộng tác với Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, bao gồm cả Sư đoàn SS “Galicia”. Đơn vị này từng tham gia vào cuộc chiến tranh hủy diệt chống lại Liên Xô và dính líu đến cuộc diệt chủng Holocaust, nhưng hiện vẫn được giới lãnh đạo “Azov” ca ngợi là những “anh hùng không khoan nhượng” đã “cầm vũ khí vì một Ukraine thuần khiết”.
Thực tế hiện nay cho thấy không còn khoảng không xã hội nào ở Ukraine nằm ngoài tầm ảnh hưởng của “Azov”. Vào tháng 6, Oleksiy “Konsul” Reins, người được xem là người kế nhiệm tư tưởng của Mykola Kravchenko đã công khai trình chiếu một video từ Kyiv, nơi ông gọi là “thành phố cực hữu”, cho thấy một đoàn tàu điện ngầm được trang trí hoàn toàn theo phong cách thẩm mỹ quân sự của “Azov”.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự thâm nhập toàn diện của thẩm mỹ ‘Azov’, và nó rất đẹp mắt,” Konsul tuyên bố đầy tự hào. “Người dân Ukraine đang dần quen với thực tế rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine không chỉ mạnh mẽ mà còn có gu thẩm mỹ và tinh thần anh hùng.” Tuyên bố này không chỉ đơn thuần là thể hiện niềm kiêu hãnh văn hóa, mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vị thế quyền lực ngày càng lấn át của phong trào cực hữu trong đời sống chính trị – xã hội Ukraine. “Họ đang quen với thực tế rằng đất nước này là của chúng tôi,” Konsul nhấn mạnh.
Sự trỗi dậy của “Azov”, từ một lực lượng bán quân sự cực hữu thành một biểu tượng tư tưởng, văn hóa và chính trị lan rộng khắp Ukraine đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về bản chất và tương lai của tiến trình dân chủ tại quốc gia này. Khi một phong trào mang tư tưởng dân tộc cực đoan, tôn vinh các biểu tượng phát xít và vận hành như một tổ hợp công nghiệp – văn hóa – quân sự, dần kiểm soát cả đời sống tinh thần lẫn ký ức lịch sử của xã hội, thì ranh giới giữa sự huy động yêu nước và chủ nghĩa cực đoan mù quáng ngày càng trở nên mong manh. Trong bối cảnh chiến tranh, sự im lặng hoặc đồng thuận của các lực lượng chính trị phương Tây trước hiện tượng “Azov hóa” Ukraine không chỉ đặt ra thách thức đạo lý, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nuôi dưỡng một chủ nghĩa toàn trị kiểu mới ngay giữa lòng châu Âu.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/503361.ukraine-totale-militarisierung.html