Ngày 22/7/2023, Hãng thông tấn Nga RiaNovosti thông báo, phóng viên chiến trường Rostislav Zhuravlev của cơ quan này đã thiệt mạng mạng và 3 nhà báo khác bị thương khi chiếc xe dân sự chở anh trúng pháo kích bằng đạn chùm của lực lượng Ukraine gần thành phố Vasilyevka ở tỉnh Zaporizhzhia.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết, quân đội Ukraine đã tập kích khu vực bằng đạn chùm và phóng viên Zhuravlev thiệt mạng do đạn con phát nổ. Ngoài Zhuravlev, phóng viên ảnh Konstantin Mikhalchevsky của RiaNovosti cùng hai nhà báo khác đã bị thương và được chuyển đến các cơ sở y tế dã chiến.
Theo đài RenTV, danh tính hai nhà báo còn lại là phóng viên Roman Polshakov của hãng tin Izvestia và nhà làm phim Dmitry Shikov. “Phóng viên (Polshakov) bị gãy chân với mảnh đạn ở chân, bụng và lưng. Nhà làm phim (Shikov) bị thương do mảnh đạn và gãy xương hông”, RenTV tiết lộ.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 21/7 xác nhận Ukraine đang sử dụng đạn chùm Mỹ cung cấp và nói rằng đã nhận được phản hồi của Kiev cho thấy chúng phát huy hiệu quả với phòng tuyến Nga. Khi được hỏi Ukraine bắt đầu sử dụng đạn chùm từ khi nào, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết ông “đoán” vào khoảng tuần trước.
Hồi đầu tháng 7, Mỹ lập luận việc gửi bom chùm là cần thiết do Ukraine đã cạn kiệt đạn pháo thông thường. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới phản đối việc sử dụng bom chùm do tỷ lệ đạn con không phát nổ cao. Nếu vương vãi trên mặt đất, vướng vào lùm cây cỏ, chúng có thể tồn tại nhiều năm và phát nổ khi dân thường vô tình chạm phải sau khi chiến sự kết thúc.
Đáp trả động thái của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Nga cũng sẽ cân nhắc sử dụng đạn chùm ở Ukraine, “Nga có trữ lượng bom và đạn chùm sẵn sàng hoạt động. Chúng hiệu quả hơn nhiều so với bom, đạn chùm của Mỹ”.
Chy Lê