Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phủ đệ loại hình kiến trúc quý tộc Huế



ĐNA -

Đó chính là nét Huế nhất của Huế, một Huế quý tộc hào hoa mà dân dã, một Huế thanh cao tinh tế mà bình dị, Huế của quá vãng rêu phong mà gần gũi.

Phủ Tùng Thiện Vương

Phủ Đệ.
Cái nôi của văn hóa “Mệ”. Thế giới riêng của ông hoàng, bà chúa, thân vương, đại thần.

Hơn ngàn năm chế độ quân chủ phong kiến, từng xây dựng kiến tạo nhiều  kinh đô, nhưng đến nay chỉ có Huế là còn giữ được phủ đệ.

Những điền trang thái ấp to lớn ở Thái Bình, Hải Hưng thời Trần đến nay hầu như không còn dấu vết. Những phủ đệ, dinh thự tinh xảo rực rỡ thời Lê nay cũng chỉ còn phảng phất hình bóng trên vài dòng sử liệu.

Duy ở Huế, phủ đệ vẫn hiện hữu dù trải qua bao thăng trầm lịch sử. Đầu thế kỷ XXI, Huế vẫn còn giữ được hơn năm chục phủ đệ (1).

Vùng Kim Long có các phủ Ấn Quang, Đức Quốc Công, Cẩm Xuyên quận vương, Diên Phúc trưởng công chúa, Diễn quốc công, Khoái Châu quận công, Phước Quốc công, Quy Quốc công, Vĩnh Quốc công…

Phủ Tuy Lý Vương

Vùng Vĩ Dạ còn hơn chục phủ đệ: Phủ Diên Khánh vương, Định Viễn quận vương, Đông Cung nguyên soái, Khánh Quận vương, Kiến An vương, Kiến Tường công, Lãng Quốc công, Nghĩa Hưng quận vương, Phong Quốc công, Phù Quang quận vương, Thiệu Hóa quận vương, Tuy Biên quận vương, Tuy Lý vương…

Vùng Chi Lăng – Gia Hội có phủ An Thành vương, Cẩm Giàng quận công, Gia Hưng vương (cha), Gia Hưng vương (con), Hoài Đức quận vương, Hoằng Hóa quận vương, Hòa Thịnh vương, Lạc Biên quận công, Nghĩa quốc công, Nghi quốc công, Ngọc Sơn công chúa, Phù Mỹ quận công, Phước Lộc trưởng công chúa, Quảng Biên quận công, Thọ Xuân vương, Thoại Thái vương, Tuy An quận công, Vĩnh Tường quận vương…

Vùng An Cựu, Phủ Cam suốt đến sông Như Ý thì có các phủ đệ của An Thường công chúa, An Hóa Công, Hàm quận công, Hân Vinh phủ, Kiến Hoài quận công, Lạc Hóa quận công, Mỹ Hóa công, Tùng Thiện vương…

Vùng ven đô còn có phủ Huấn Vũ hầu (Thủy Xuân), Lãng quận công (Thủy Biều), Phong quận công (Thủy An), Uy Quốc công (Thủy Thanh) Tương An quận vương (Thủy Biều)…

Đó là một di sản kiến trúc độc đáo của cố đô.

Phủ Thoại Thái Vương

Phủ đệ ở Huế có từ bao giờ?
Từ năm 1636, ngoài kinh đô Thăng Long trên đất bắc của vua Lê chúa Trịnh còn có một kinh đô khác của chúa Nguyễn ở Đàng Trong được xây dựng ở vùng Kim Long bên bờ sông Hương. Ngay từ hồi đó, mô hình nhà vườn gắn liền với dinh thự quan lại đã xuất hiện. Năm 1687, kinh đô Đàng Trong được chuyển về đất Phú Xuân và ngày càng trở nên hoàn thiện về mọi mặt. Năm 1776, trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã hết lời ca ngợi kinh đô của họ Nguyễn, và trong những mô tả của ông chúng ta còn thấy rõ “các phủ đệ nhà vườn của bậc công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên hữu phủ Cam”(2).

Đầu thế kỷ XIX, ngay trong việc quy hoạch xây dựng kinh đô Huế với tư cách là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, các vua Gia Long, Minh Mạng đã dành cho hệ thống phủ đệ một vị trí xứng đáng. Hầu hết các phủ đệ của hoàng tử, công chúa đều nằm bên trong Kinh thành(3), về sau khi được mở rộng ra bên ngoài Kinh thành thì đều bố trí ở dọc hai bờ sông Hương, sông An Cựu… có thể nói là những nơi màu mỡ và đẹp nhất.

Các vua Nguyễn đầu triều đều đông con: vua Gia Long có 64 hoàng tử, công chúa; vua Minh Mạng có 142, vua Thiệu Trị có 78… Khi trưởng thành tất cả đều cần được ban cấp phủ đệ để ăn ở, sinh hoạt, rồi thờ tự. Vậy nên đến cuối thế kỷ XIX, tại Kinh đô Huế chắc chắn đã có trên trăm phủ đệ xuất hiện cả bên trong, bên ngoài Kinh thành và cả những vùng  cận đô.

Đó là chưa kể hàng chục phủ đệ, dinh thự của thân vương đại thần có quy mô không hề kém cạnh. Một hệ thống kiến trúc thượng lưu với màu sắc riêng đã xuất hiện hoàn chỉnh.

Nhưng phải thấy rằng, phủ đệ của Huế không phải là một loại hình kiến trúc mới mẻ. Nếu tính từ năm 1636, nó đã có hơn 200 năm lịch sử để hoàn chỉnh về kỹ thuật, mỹ thuật, và đặc biệt, chiều sâu văn hóa.

Chỉ căn cứ vào hiện trạng của những phủ đệ còn lại trên đất Huế thì không dễ để hình dung diện mạo đích thực của chúng khi thịnh thời. Tuy nhiên, với những gì còn lại, cộng với việc khảo sát, nghiên cứu các nguồn sử liệu thì ta vẫn có thể hiểu được giá trị đặc biệt về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa của phủ đệ.

Phủ Ngọc Sơn công chúa

Vậy kiến trúc phủ đệ thời Nguyễn có quy mô, cấu trúc ra sao?
Thời Gia Long đã có quy định cụ thể về quy mô các phủ đệ: “ Phàm dựng nhà phủ, hoàng tử, công chúa thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian, chung quanh mái chồng, hợp thành một tòa, lợp ngói âm dương, 4 bề xung quanh bao bằng tường gạch, mặt trước mặt sau mở một cửa vào, trong cửa xây bình phong”(4).

Thời vua Minh Mạng, phủ đệ tăng vọt về số lượng. Năm 1822, nhà vua có quy định chặt chẽ hơn về quy mô kiến trúc của phủ đệ. Quy mô kiến trúc bị thu hẹp, nhất là phủ chính để không được cạnh tranh với cung điện. Công trình kiến trúc lớn nhất trong phủ cũng không được làm đến 5 gian: “Phàm làm nhà hoàng đệ, hoàng tử, trưởng công chúa, chính đường và tiền đường đều 3 gian 2 chái lợp ngói âm dương, các khoản hành lang, cánh gà, nhà bếp, chiếu theo đó mà làm”. Năm 1839, có lẽ để khống chế việc phủ đệ phát triển theo chiều dọc (làm phủ chính điệp ốc nhiều tầng) và trang trí quá cầu kỳ, triều đình lại quy định thêm: “ Các hoàng tử, hoàng thân ở riêng không được làm nhà 3 nóc, lâu đài cùng bài trí”. Thậm chí, sang thời Thiệu Trị, nhà Nguyễn còn quy định giảm hẳn quy mô của phủ đệ, không cho làm nhà kép: “ Việc xây dựng các phủ đệ cho các hoàng tử, thân công, hoàng đệ, thái trưởng công chúa thì giảm bớt một nhà tiền đường, chỉ còn chính đường 3 gian 2 chái, có tường bao chung quanh. Trước sau mở một cổng vào, (chu vi) rộng 64 trượng, tường cao 5 thước 5 tấc. Còn các nhà khác thì chiếu theo đó mà làm” (5). Triều đình còn cấp cho mỗi hoàng thân, hoàng tử 300 quan tiền nếu tự xây dựng phủ đệ (6).

Như vậy có thể hình dung, ban đầu phủ đệ có quy mô khá lớn, kiến trúc chính làm kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” và có thể lên tới 7 gian, nghĩa là không hề kém cạnh cung điện của nhà vua. Từ thời Minh Mạng trở đi mới khống chế còn 3 gian 2 chái và nhà kép không được làm đến 3 lớp. Thời Thiệu Trị thì khống chế chặt chẽ hơn nữa, chỉ cho phủ chính làm dạng nhà đơn 3 gian 2 chái chứ không còn được làm nhà kép. Quy mô không gian của mỗi phủ cũng được giới hạn trong chu vi 271m với diện tích ước tính khoảng một mẫu (5.000m2), còn các phủ cũ thì có diện tích vài ba mẫu là chuyện thường.

Vườn An Hiên

Mỗi phủ đệ thực sự là một không gian khép kín, một thế giới riêng của ông hoàng, bà chúa.
Phủ đệ bao giờ cũng có vòng tường thành bao quanh xây bằng gạch đá, độ cao thường khoảng hơn 2m, đủ để ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài cùng ánh mắt tò mò của thiên hạ.

Cổng chính mở phía trước có hình thức khá phong phú, kiểu tam quan xây gạch có cổ lâu bề thế, kiểu vòm nguyệt cổ điển một gian đơn giản mà tinh tế, kiểu cổng gỗ xinh xắn nhẹ nhàng. Cổng sau thì phổ biến là kiểu cửa vòm nguyệt xây gạch.

Sau cổng chính là bình phong, bể cạn với hình thức vô cùng phong phú. Bình phong thường xây gạch, kiểu cuốn thư hay kiểu bức tường chữ nhật vát góc, đắp nổi sành sứ các mô típ cung đình cổ điển: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, lân hý cầu, phụng hoàng… nhưng phổ biến nhất vẫn là long mã. Người Huế, nhất là tầng lớp thượng lưu đặc biệt thích long mã, con vật vừa có uy phong của rồng vừa có sự phóng túng tự do của ngựa. Có lẽ long mã cũng chính là hình tượng đặc trưng của quý tộc Huế, đậm chất cung đình mà vẫn gần gũi với dân gian.

Bể cạn, non bộ đặt sau hay trước bình phong, ngoài chức năng về phong thủy điều tiết hỏa khí, tụ thủy tích phúc còn là một tác phẩm nghệ thuật. Các non bộ trong phủ đệ Huế cũng là những nơi còn bảo tồn nghệ thuật xếp đá kiểu Huế nguyên thủy, thường rất nhẹ nhàng tinh tế, khác xa vẻ hào nhoáng rườm rà của kiểu non bộ Nam Á mới được truyền bá vào Việt Nam đầu thập niên 1960, nay đang tràn ngập trong cả nước.

Tiếp đến là tòa kiến trúc chính của phủ đệ, xưa là nơi ở, nay đều là nơi thờ tự chủ nhân, nên đều gọi chung là từ đường. Phần lớn phủ chính còn lại ở Huế đều là kiến trúc gỗ, kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, nhưng cũng còn những tòa nhà kép kiểu “trùng thiềm điệp ốc” khá đồ sộ. Phủ từ Đức quốc công Phạm Đăng Hưng (thân sinh của Thái hậu Từ Dũ, nhạc gia của vua Thiệu Trị) tại Kim Long không chỉ là một tòa kiến trúc kép khá lớn mà ở tiền đường còn có bộ vì kiểu giả thủ đẹp không kém gì cung điện. Phủ đường của một hoàng tử thời Gia Long (năm 1953 đã được mua lại để dựng thành tòa Hưng Tổ Miếu trong Hoàng thành) cũng có bộ vì giả thủ tuyệt khéo.

Nhìn chung có thể nói, kiến trúc phủ đệ chính là bước chuyển tiếp giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian truyền thống Huế. Phủ đệ cũng là nhà rường, nhưng là nhà rường cao cấp. Nhà rường ấy thường đặt trên nền cao, bó vỉa bằng đá thanh hoặc gạch vồ, nền lát gạch Bát Tràng (sau là gạch tây, xi măng); bộ khung làm bằng gỗ kiền kiền hoặc mít nài; kết cấu bộ vì kiểu kẻ truyền, liên kết với nhau bằng xuyên, trến/trính; hệ thống liên ba, kèo hiên, đố bản đều được trang trí tỉ mỉ tinh tế bằng cách chạm khắc theo các mô típ truyền thống, thậm chí có cả thơ văn của các danh sĩ Trung Quốc, Việt Nam hay của chính chủ nhân; hệ khung mái vững chắc để chịu đựng được hàng chục lớp ngói âm dương hay ngói liệt; bờ nóc, bờ mái thường được trang trí đắp nổi như trên cung điện nhưng giảm đi sự cầu kỳ và quy mô thể hiện.

Không gian bố trí bên trong phủ từ cũng gần như các từ đường hay nhà ở dân gian vùng Huế, có phần chính giữa để thờ tự Đức Phật và tổ tiên, có không gian ngoài để tiếp khách, có đông phòng, tây phòng dành cho chủ nhân và gia quyến, có cả cái tra (rầm thượng) để cất giữ đồ đạc, của cải…

Ngoài phủ chính, ở nhiều phủ đệ còn có nhà ngang, nhà bếp, thậm chí còn có nhà tả-hữu vu ở hai bên. Đó là những không gian dành cho sinh hoạt hàng ngày, tiếp bạn bè, tổ chức sinh hoạt văn hóa. Một số phủ đệ lớn như phủ Tuy Lý Vương, phủ Tùng Thiện Vương, phía sau tòa chính còn có nhà hậu để thờ tự thân phụ, thân mẫu.

Ngoại trừ một số phủ đệ, do chủ nhân sợ mình đức mỏng nên làm cổng vào lệch hướng với phủ chính, còn thường thì các công trình kiến trúc từ cổng-bình phong-non bộ đến phủ chính đều được bố trí trên một trục thẳng, đăng đối. Đó cũng là đặc trưng của kiến trúc cung đình.

Vì kèo hiên của ngôi nhà chính

Phủ đệ Huế bẩm sinh đều là những khu nhà vườn.
Không gian vườn trong phủ đệ thường chiếm tỉ lệ rất lớn, có khi đến 70-80% tổng diện tích. Vườn trong phủ đệ là những sưu tập của đủ các loài thực vật, có hệ cây ăn quả, có hệ cây hoa, có hệ cây thuốc từ khắp các vùng miền trong cả nước đưa về.

Huế có lợi thế là vùng trung độ của hai miền Nam-Bắc nên hầu như cây hoa từ bắc chí nam đều có thể sinh trưởng tại đây. Quý tộc Huế cũng biết dùng lợi thế của mình để có được những giống cây mà họ yêu thích. Vậy nên, vườn phủ ngoài các giống cây xứ Huế còn có cả xoài, thanh long, măng cụt, chôm chôm, trứng gà… của miền Nam, và nhãn lồng, vải đen (hắc lệ chi), hồng, đào, mận… của xứ Bắc. Rồi mỗi độ xuân về vườn phủ lại có cả sắc đỏ hoa đào, sắc vàng hoa mai…

Phủ đệ cũng là nơi còn bảo tồn đậm đặc lối sống “mệ” của dân Huế. Thâm trầm, nhẹ nhàng mà tinh tế, trọng nho nhã thi văn, khinh võ biền tiền bạc. Phủ đệ cũng là nơi ươm mầm những nhân cách lớn, những trí thức lớn của dân tộc như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh… Những văn đàn thi xã do họ lập ngay trong phủ đệ nên từng là nơi hội tụ của danh sĩ hàng đầu cả nước. Phủ đệ cũng là nơi lưu giữ, truyền bá nghệ thuật ẩm thực truyền thống Huế với hàng trăm món mặn, món chay, chè Huế, uống trà kiểu Huế… Thực phổ bách thiên (100 món ăn nấu kiểu Huế) có xuất xứ từ phủ Tùng Thiện vương nay đã thành tài sản chung của dân tộc.

Hai kiểu cổng vào phủ bằng gỗ và xây gạch

Dù vẫn hiện hữu nhưng phủ đệ của Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều.
Nhiều phủ đệ đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong phủ, nhà ống cũng đã xuất hiện, vườn phủ biến thành quán nhậu, quán cà phê. Một số phủ còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và kinh tế thị trường.

Hệ thống kiến trúc thượng lưu cuối cùng và duy nhất của Việt Nam thời quân chủ đang đứng trước nguy cơ sống còn.

Chỉ có người Việt Nam, nhất là người Huế mới quyết định được sự còn mất của phủ đệ.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến 2045, tầm nhìn 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến 2030, tầm nhìn 2050 hy vọng sẽ là những giải pháp nền tảng để bảo vệ, gìn giữ, phục hưng và phát huy giá trị của phủ đệ Huế.

Bài: TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Trần Văn Dũng và sưu tầm.

Chú thích
Theo nghiên cứu điều tra của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào cuối thế kỷ XIX, tại kinh đô Huế có trên 85 phủ đệ, đến năm 1993 vẫn còn trên 30 phủ đệ có giá trị và được đề nghị để lập hồ sơ bảo vệ. Năm 2001, tác giả Lê Duy Sơn (Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế) trong đề tài cấp Bộ mã số B 2001-07-22 mang tên “Những phủ đệ ở Huế thời các vua Nguyễn” còn điều tra thống kê được 53 phủ đệ trong phạm vi thành phố Huế và các vùng phụ cận.

Lê Qúy Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, Hà Nội, trang 113.
Căn cứ vào sử liệu triều Nguyễn, các phủ đệ của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Hàm Nghi… khi còn là hoàng tử đều nằm bên trong kinh thành. Sau khi họ đăng quang, phủ đệ cũ phần lớn đều bị triệt giải đem đi xây dựng các khu vườn ngự uyển, hành cung ở trong, ngoài Kinh thành.
Nội Các triều Nguyễn (1995), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 13, tr.150.
Nội Các triều Nguyễn (1995), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tập 13, tr.151.
Nội Các triều Nguyễn (1995), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tập 13, tr.152.
Chu vi vòng tường mỗi phủ là 64 trượng, tức bằng 271,36m vì mỗi trượng đầu thời Nguyễn tương đương 4,24m, mỗi thước là 0,424m. Như vậy, tường thành bao quanh cao 2,332m (5 thước 5 tấc).

Tham khảo:
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục (Toàn tập, tập 1), bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội.
Lê Duy Sơn (2002), Những phủ đệ ở Huế thời các vua Nguyễn, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế. Đề tài cấp Bộ mang mã số B 2001-07-22. Huế.
Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 13: Bộ Công.
Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế -Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế- Ban tổ chức Festival Huế (2002), Di sản văn hóa nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn, Kỷ yếu hội thảo khoa học.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (1993), Hồ sơ di tích phủ đệ, Huế, phòng Nghiệp vụ thực hiện và lưu trữ.