Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phụ nữ với giáo dục trong gia đình hiện nay



ĐNA -

Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước vào 29/7/1980, phê chuẩn vào 27/11/1981. Trải qua hơn 40 năm, Việt Nam thực hiện pháp luật bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt giáo dục gia đình ngày càng được chú trọng và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giáo dục gia đình thể hiện rõ nét, để cùng giáo dục ở nhà trường, ở xã hội tạo ra nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Người phụ nữ người có ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc thể chất cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: sưu tầm

Trong nền giáo dục hiện đại, người học không chỉ học trên ghế nhà trường mà còn học từ gia đình và học từ xã hội. Giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội là 3 qúa trình có mối quan hệ khăng khít với nhau. Gia đình giáo dục tốt chính là nền tảng giáo dục nhà trường phát triển, để người học theo kịp sự giáo dục từ xã hội. Ở quá trình giáo dục nào thì người phụ nữ cũng có vai trò quan trọng, nhất là trong giáo dục gia đình. Vì vậy, hiểu đúng vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình hiện nay là yêu cầu tất yếu để xã hội có cách nhìn toàn diện và bình đẳng giới hơn.

Gia đình là một tế bào của xã hội và tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội. Trong gia đình, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức cuộc sống, chăm sóc, nuôi dạy các con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đúng như Đảng ta khẳng định: Phụ nữ vừa là người công dân, người lao động, vừa là người mẹ và là người thầy đầu tiên của con người. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ còn là cô giáo dạy con trẻ ngay từ khi chào đời cho đến khi đi học và trưởng thành.

Vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình hiện nay được thể hiện trên những nội dung sau.
Một là, Phụ nữ là người chăm sóc thể chất cho các thành viên trong gia đình
Người phụ nữ trên vai trò người mẹ, người vợ là người gần gũi với các thành viên trong gia đình; cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc thể chất cho các thành viên trong gia đình nhất là các con. Trong xã hội hiện đại mô hình gia đình sống ba hay bốn thế hệ đã dần bị thay thế bởi gia đình chỉ có một hoặc hai thế hệ. Do công việc, nhịp sống mà mỗi gia đình hiện nay cũng chỉ có một đến hai con, số ít các gia đình có ba hoặc bốn con, nên trong mỗi gia đình số thành viên thường có bốn người. Do vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe, thể chất cho gia đình ngày càng được quan tâm và chú tọng hơn. Chăm sóc thể chất cho gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên, nhưng do vai trò là người mẹ mà trách nhiệm này thường đặt lên vai người phụ nữ.

Chăm sóc thể chất cho gia đình của người phụ nữ thể hiện ở nội dung chuẩn bị thức ăn có đủ hàm lượng dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình. Thức ăn được chế biến cân đối hài hòa để có đủ các loại dinh dưỡng; khẩu vị thức ăn phù hợp với gia đình đảm bảo các thành viên trong gia đình ăn đủ và ăn hết khẩu phần. Đặc biệt vai trò chăm sóc thể chất còn thể hiện rõ nét trong chăm sóc các con trong gia đình. Người mẹ sẽ theo thực tế lứa tuổi, sức khỏe của các con mà chuẩn bị dinh dưỡng cho phù hợp, hạn chế và cấm không cho ăn những thức ăn không phù hợp và gây hại cho sức khỏe. Người mẹ cũng là người duy trì cho các con thể dục đều đặn, hướng dẫn và kiểm tra vệ sinh cá nhân đảm bảo sạch sẽ và khoa học; đảm bảo cho các con thực hiện các hoạt động trong gia đình có nề nếp vớ mong muốn tốt nhất đến với các thành viên trong gia đình.

Hai là, Phụ nữ là người trang bị kiến thức cho các con tạo cơ sở để đến trường
Giáo dục gia đình tốt sẽ là nền tảng để trẻ bước vào nhà trường, xã hội một cách thuận lợi vững vàng. Giáo dục trong gia đình, đặc biệt là với trẻ nhỏ là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình, tuy nhiên do ảnh hưởng nền văn hóa, xã hội truyền thống Việt Nam nên vấn đề chăm sóc cũng như dạy dỗ các con trong gia đình thường gắn với người mẹ.

Khi các con còn nhỏ thì chính người mẹ đóng vai trò là cô giáo trang bị kiến thức cơ bản ban đầu từ cách tập nói, kiến thức sơ khai cho một con người. Phần đông người mẹ sẽ dạy dỗ các con cho đến khi hết lớp 3. Khi các con lên lớp 4 thì có nhận thức mang tính tự lập, học ở nhà trường dần có tính chuyên sâu nên trong gia đình người cha thường định hướng giáo dục cho con về nghị lực, chí hướng nghề nghiệp, thì người mẹ lại bồi dưỡng giáo dục cho con về tâm hồn, tình cảm, tính cách. Cho đến khi các con bước vào tuổi dậy thì, người mẹ còn là người bạn của các con để tâm sự chia sẻ các giúp đỡ các con vượt qua khó khăn.

Người mẹ trong gia đình bao giờ cũng là người có công lớn trong việc sinh thành và dưỡng dục các con ngay từ những năm tháng chào đời. Nên nó tác động mạnh mẽ đến đời sống tình cảm rất lớn của trẻ sau này. Đứa trẻ giàu cảm xúc hay nghèo nàn cảm xúc phần lớn do sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Nếu như người  mẹ ít quan tâm, ít tạo cho các con biết thể hiện cảm xúc như yêu, thương, chán, ghét thì đương nhiên làm cho các em trở nên thiếu cảm xúc, không biết bày tỏ, thậm chí là vô cảm. Thực tế cho thấy một đứa trẻ có khuôn mặt vui vẻ, phấn khởi thì thường là được sự quan tâm rất lớn từ mẹ. Cho nên đời sống cảm xúc, tình cảm ở những năm đầu của cuộc đời có vai quan trọng, là cơ sở để hình thành những giá trị đạo đức, tính cách tốt đẹp. Người mẹ cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách của các con vì người mẹ gần gủi tiếp xúc với các con thường xuyên. Các con có yêu lao động hay lười nhác, biết quý trọng mọi người hay ghen ghét, chăm chỉ hay lười biến đều phụ thuộc rất nhiều về kiến thức của mẹ dạy cho các con.

Ba là, Phụ nữ là người rèn nếp sống để hình thành phẩm chất cho các con
Nếp sống, đạo đức của gia đình chính là nơi gìn giữ truyền thống và tiếp thu những cái hay cái tiến bộ trong xã hội. Người phụ nữ với cương vị người mẹ là tấm gương cho các con noi theo. Thực tế thấy rằng nếu như trong gia đình cha mẹ là người lương thiện, sống có đạo đức, có văn hóa sẽ là cơ sở để cha mẹ, nhất là người mẹ rèn các con theo nếp sống của gia đình. Đây là cơ sở để các con chăm ngoan, học giỏi, hình thành những phẩm chất tốt giúp ích cho xã hội. Ngược lại những người làm cha làm mẹ bất lương không có đạo đức, văn hóa thì phần nhiều các con lớn lên thường là những kẻ trộm cướp, lưu manh lừa đảo. Điều đó cho thấy trong thực tế tốt hay xấu của các con là mang dấu ấn của người mẹ rất sâu đậm.

Người mẹ là tấm gương phản chiếu cho các con, người mẹ đức độ vị tha để các con dám bầu bạn, chia sẻ những điều chưa biết, những khó khăn trong cuộc sống. Người mẹ luôn gần gũi con, hiểu rõ con để dạy bảo, uốn nắn những sai lầm của con. Những phẩm chất quý báu của người mẹ như: tần tảo, dịu hiền, thương yêu con hết mực có sức thuyết phục, cảm hóa lớn đối với các con. Sự hy sinh vô bờ bến, tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhẫn nại, thái độ hòa nhã với mọi người… là tấm gương sáng cho các con noi theo.

Mẹ dạy con học ở nhà. Ảnh sưu tầm

Vai trò của người phụ nữ trong giáo dục gia đình hiện nay đặt ra yêu cầu cho họ có phương pháp phù hợp với các gia đình hiện nay như sau
Ngày nay cho dù người mẹ có điều kiện giáo dục các con nhiều hơn, nhưng không khéo léo, không  đúng cách đúng chỗ, hay cưng chiều quá thì các con dễ hư hỏng. Vì vậy, người mẹ không khéo thì các con sẽ lợi dụng điểm này sẽ khó giáo dục được các con. Người mẹ dùng tình thương cho con nhưng phải công tâm có những  phán xét cần và đúng để giáo dục các con tốt hơn. Khi giáo dục con, người mẹ phải biết cách kết hợp giữa hai thứ tình thương hiền hòa của người mẹ và tính nghiêm nghị của người cha thì giáo dục con cái sẽ tốt đẹp.

Có hai phương pháp giáo dục trẻ trong gia đình, phương pháp cứng rắn, kỷ luật và phương pháp giáo dục, thuyết phục. Đa số trẻ đều thích nghe những lời ngọt ngào, vì vậy trước tiên cần dùng lời êm ái để dạy trẻ nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Lúc này, trẻ còn thơ dại, chưa hiểu sâu xa vấn đề, thường mắc phải sai lầm, nếu biết cách giáo dục trẻ sẽ thay đổi ngay. Khi trẻ lớn hơn cần chú trọng giáo dục, thuyết phục để các con hiểu bản chất vấn đề có cách ứng xử phù hợp. Khi trẻ vi phậm nhiều lần, giáo dục, thuyết phục ít hiệu quả cần sử dụng phương pháp cứng rắn như quát mắng, trừng phạt. Tuy nhiên nếu lạm dụng phương pháp này, trẻ trở nên chai lì và khó uốn nắn. Cách tốt nhất là chúng ta dung hòa giữa hai phương pháp này để dạy con, khi áp dụng không nên quá giới hạn.

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới phát triễn, đất nước mới phồn vinh, mà gia đình có hạnh phúc trọn vẹn hay không thì vai trò của người phụ nữ rất quan trọng là tấm gương cho con cái noi theo. Thành quả của các con chính là do những người cha, người mẹ gây dựng nên. Đặc biệt, bàn tay của người mẹ./.

Nguyễn Thị Tú – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Quỳnh (2018), Vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay, Công thông tin điện tử trường Đại học Thủ đô Hà Nội
  2. Đỗ Bình (2023), Phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước, Báo Tin tức bản điện tử số ngày 07/3/2023
  3. Đặng Thị Mai Trang (2023), Niềm tự hào về các thế hệ phụ nữ Việt Nam và vai trò của người phụ nữ trong thời đại ngày nay, Cổng thông tin điện tử trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi