(Đà Nẵng). Ngày 9/12/2023, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao (chủ trì) cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (phối hợp tổ chức) vừa tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2023. Khép lại mùa thi thứ 5, Đà Nẵng vinh danh 4 Đại sứ Văn hóa đọc cùng 24 thí sinh xuất sắc (giành giải thưởng VĂN HÓA ĐỌC ĐÀ NẴNG 2023).
Một trong những bạn trẻ được xướng danh, khen thưởng với thành tích giành giải Văn hóa đọc 2023, đã gây bất ngờ cho chúng tôi. Khi được hỏi những nhân vật nào trong các tác phẩm đã đọc, để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong em, bạn Đặng Bình An, học sinh lớp chuyên Văn 11/16, trường THPT Phan Châu Trinh, nói ngay: Đó là Chị Út Tịch, liệt sỹ-bác sỹ Đặng Thùy Trâm và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc.
Đặng Bình An thuộc “nhóm hiếm, nhóm ít” độc giả trẻ yêu thích các tác phẩm “văn học đỏ”. Từ tác phẩm văn học nhà trường, cô bạn tìm đọc rộng hơn, và đã đến với dòng chảy văn học cách mạng. Mảng đề tài chiến tranh được Bình An tìm đọc nhiều, dù những điều được viết, được miêu tả, được kể trong các tác phẩm, khá xa lạ với cuộc sống hôm nay. Khoảng cách giữa người đọc ngày nay với hiện thực là các cuộc kháng chiến cứu nước, khá là xa. Sống giữa thời bình, để hiểu về chiến tranh, làm cho được điều ấy, thật vô cùng khó.
Trong số các tác phẩm yêu thích nhất đã đọc, Bình An kể cho chúng tôi nghe về “Người Mẹ cầm súng”, truyện ký của Nhà văn Nguyễn Thi, “Mãi mãi tuổi 20” (tựa được đặt cho Nhật ký viết tay) của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cô bé cho hay, cô bé vô cùng khâm phục những hình mẫu anh hùng, những liệt sỹ trẻ đã sống bất tử cùng tuổi đôi mươi của họ.
Sự khốc liệt dữ dội của chiến tranh, nơi ranh giới sự sống – cái chết rất mong manh, bạn nhận ra đức tính kiên cường, quả cảm, sức chịu đựng mãnh liệt của con người, không gì có thể khuất phục. Chị Út Tịch là hình mẫu quá dung dị về người Phụ nữ Nam bộ – Thành đồng của Tổ quốc, cuộc đời Chị toát lên tinh thần sẵn sàng quên mình vì quê hương đất nước, nhưng lại cũng sẵn sàng hết lòng vì các con. Mọi điều được nhà văn viết rất giản dị, nhưng đủ để em khâm phục tinh thần bất khuất, đảm đang của một Người Mẹ trung hậu, tháo vát, đảm đang, đẹp như một huyền thoại.
Bình An còn có thần tượng là những người trẻ đã đi vào chiến trường ác liệt và hy sinh, trở thành tấm gương về giá trị sống cao thượng, mà Bình An hằng mong phấn đấu. “Chỉ được một chút nhỏ thôi, em đã mãn nguyện”. Ở lứa tuổi của Bình An, tác phẩm văn học (đề tài về) cách mạng, chiến tranh giải phóng, với rất nhiều bạn trẻ thì… không hề dễ dàng đọc – cảm nhận – tiếp nhận – cảm thụ, thậm chí khó có thể hình dung. Nhưng với Bình An, đọc nhiều và có sự chiêm nghiệm, tìm hiểu, Bình an tự tin nói rằng: em cảm nhận được!
Những ai quan tâm đến sự kiện Đặng Thùy Trâm và hành trình trở về của tập nhật ký (tháng 4 năm 2005), đều biết rằng, khi sỹ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst muốn đốt tập 2 tập giấy viết tay (nhật ký của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm), phiên dịch viên Nguyễn Trung Hiếu đã khuyên ông rằng “Đừng đốt, trong này đã có lửa”. Câu chuyện này diễn ra vào cuối năm 1969, bối cảnh là phút nghỉ ngơi sau trận một càn (của quân đội Hoa Kỳ và quân đội ngụy Sài Gòn), nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến, xảy ra ở vùng núi huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi).
Hơn nửa thế kỷ qua, ngọn lửa của bác sỹ Đặng Thùy Trâm, ngọn lửa của “Tình yêu, sự dâng hiến” theo lời của chính người đã giữ tập nhật ký ấy (ông Frederic Whitehurst), nói với Mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, vẫn cháy, vẫn tỏa sáng, và đã truyền sức nóng vào những người trẻ sẵn lòng đón nhận, và luôn giữ ngọn lửa ấy không tắt. và sức nóng ấy cũng đi vào phù sa trong dòng chảy văn học cách mạng, bồi đắp nhân cách cho nhiều thế hệ trẻ. Đặng Bình An là một trong số những “người trẻ sẵn lòng đón nhận”.
Cô Nguyễn Thị Diệu Trang – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, trường THPT Phan Châu Trinh là Giáo viên hướng dẫn của Đặng Bình An ở cuộc thi cấp thành phố (ảnh bên trái). Với niềm yêu sách, bạn Đặng Bình An có thể đọc sách bất kỳ lúc nào …
Đà Nẵng có 4 Tân “Đại sứ Văn hóa đọc”
Đó là các bạn Nguyễn Trần Khánh Linh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); Đậu Hà Nhi (Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Hòa Vang); Đinh Ngọc Thái (Trường Tiểu học Trần Cao Vân) và Phạm Anh Khôi (Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cả 2 trường đều trên địa bàn quận Thanh Khê.Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” được khởi động từ đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Đầu năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng, đã ban hành riêng một quyết định (số 64/QĐ-UBND), thúc đẩy và phát triển phong trào đọc sách trong trường học, khích lệ tinh thần sáng tạo, tích cực học hỏi của học sinh; thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ nói riêng và cộng đồng Đà Nẵng nói chung.
5 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao (chủ trì) cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (phối hợp tổ chức) đã mở một sân chơi dành cho học sinh Tiểu học và THCS, THPT trên toàn thành phố, tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách, tôn vinh và “bổ nhiệm” danh hiệm Đại sứ Văn hóa đọc. Đây là nhân tố có đủ sức ảnh hưởng để truyền cảm hứng đọc sách đến gia đình, bạn bè, nhà trường và cùng nỗ lực để lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng. Từ đó lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cùng sách đến nhiều thế hệ trẻ Đà Nẵng trong tương lai.
“Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi đã góp một phần phát triển và lan tỏa Văn hóa Đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Đặc biệt, từ niềm đam me đọc sách, chúng ta tìm kiếm các gương mặt tiêu biểu, những Đại sứ truyền cảm hứng, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến các bạn học sinh, sinh viên và nhiều người xung quanh mình.
5 năm qua, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” đã khẳng định được vai trò, sức ảnh hưởng nhất định. Ban tổ chức nhận được tinh thần tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh trên địa bàn thành phố, minh chứng ở cả số lượng và chất lượng bài thi mà Ban Tổ chức nhận được ở mỗi mùa. Và đây là những con số ấn tượng, ghi nhận ở cuộc thi sau 5 năm: 131.976 bài dự thi; 205 bài vào vòng phỏng vấn; 115 bài đạt giải khuyến khích và giải văn hoá đọc; 18 Đại sứ Văn hoá đọc Đà Nẵng; 80 bài dự thi toàn quốc, đạt 23 giải ( trong đó 4 giải B, 4 giải C và 15 giải khuyến khích)”, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết.
Năm 2023, cuộc thi được phát động vào tháng 5, đến thời hạn, Ban tổ chức nhận được 47.641 bài dự thi (tăng đến gần 10.000 bài so với năm 2022). Sở cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện đã chấm, chọn ra 345 bài gửi về Hội đồng Giám khảo cấp thành phố, tiến hành chấm vòng chung khảo. Với chất lượng bài dự thi được các vị giám khảo đánh trong Top tốt nhất, có 40 thí sinh chính thức vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng.
Khép lại mùa thi thứ 5, Đà Nẵng vinh danh 4 Đại sứ Văn hóa đọc cùng 24 thí sinh xuất sắc (giành giải thưởng VĂN HÓA ĐỌC ĐÀ NẴNG 2023).
“Qua các bài dự thi gửi về, chúng tôi nhận thấy rất rõ niềm đam mê đọc sách, cùng nỗ lực đầu tư, tâm huyết của các bạn đối với cuộc thi. Đây thực sự là sự động viên, khuyến khích lớn cho Ban tổ chức trong nỗ lực hình thành, tạo thói quen yêu sách, phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng của thành phố chúng ta. Chúng tôi thấy được sự đồng hành, động viên hết sức tích cực của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo – những người đầy tâm huyết, yêu sách và luôn mong muốn lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ.
Ban tổ chức cũng vinh danh khen thưởng giải thưởng dành cho “Trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất” của cuộc thi, được trao đến Trường tiểu học, THCS và THPT FPT; trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) và trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà); giari “Trường có nhiều thí sinh tham gia nhất”…/.
Trung Đức