Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử



ĐNA -

Sáng nay 29/11/2024, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng TPHCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử”. Triển lãm kéo dài từ 29/11 đến 23/2/2025.

Nghi thức khai mạc.

Tham dự lễ khai mạc có ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sự kiện này là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa của ba tỉnh, thành phố Hà Nội-Huế-Sài Gòn. Qua đó nhằm khẳng định, tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hoá, các sản phẩm các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Phú Xuân-Huế và vùng đất Gia Định-Sài Gòn đến với mọi tầng lớp nhân dân, du khách tham quan trong và ngoài nước. Trưng bày còn đánh dấu một mốc son của tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam nói chung, của nhân dân Huế – Sài Gòn nói riêng.

Không gian phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tập trung giới thiệu đến đông đảo du khách với hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu thông qua 2 chủ đề chính: Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc và Từ Nam Bộ xưa (thế kỷ XVII-XIX) đến Sài Gòn nay. Trưng bày này sẽ mang đến cho du khách cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân – Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định – Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698).

Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc
Thừa Thiên Huế là nơi chứng kiến bao sự kiện lịch sử thăng trầm của dân tộc; nơi hội tụ, tiếp biến, giao thoa và thăng hoa của nhiều nền văn hóa. Với lịch sử hơn 700 nămThuận Hóa – Phú Xuân – Huế đã trở thành vùng đất hội tụ tinh hoa, văn hoá nghệ thuật với hệ thống các loại hình di tích lịch sử văn hóa, các hiện vật, cổ vật phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật

Hiện vật trưng bày

Vùng đất Thuận Hóa thời các chúa Nguyễn và Lê – Trịnh (1558-1788)
Trước khi sáp nhập vào Đại Việt, Thừa Thiên Huế là vùng đất thuộc Châu Ô, Châu Lý nằm ở cực Bắc vương quốc Champa. Vương quốc Champa có một nền văn hoá rất phong phú và đa dạng với nhiều di tích mang dấu ấn văn hoá Champa còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như: Tháp đôi Liễu Cốc, Thành Lồi, di tích tháp Phú Diên. Kể từ sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân, tháng 7/1307, nhà Trần đã sáp nhập châu Ô, châu Lý vào Đại Việt và đổi tên châu Ô thành Thuận châu, châu Lý thành Hóa châu. Từ đó, tên gọi Thuận Hóa ra đời. Từ thế kỷ XIV, Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn, văn hóa Champa và văn hoá Đại Việt. Hai nền văn hoá Đại Việt – Champa đã có sự giao lưu, dung hợp, góp phần tạo nên nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa Huế sau này.

Tuy nhiên, vùng đất Thuận Hóa này chỉ thực sự chuyển mình và phát triển nhanh bắt đầu từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vào năm 1558. Dưới thời chúa Nguyễn, Hóa Châu không còn tên gọi về một đơn vị hành chính địa phương mà Thuận Hóa đã trở thành một nơi đô hội lớn, đảm nhận vai trò trung tâm chính trị của Đàng Trong trong suốt quá trình mở đất (từ Phú Yên sau năm 1611 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến trọn vẹn phần đất Nam Bộ hiện nay vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1757).

Cùng với sự hình thành và phát triển của Đàng Trong, thời kỳ các chúa Nguyễn chính là thời kỳ tìm kiếm, xác định và xây dựng thủ phủ – kinh đô của Đàng Trong. Dưới thời các chúa Nguyễn, Trong hơn 200 năm tồn tại (1558-1775), thủ phủ của Đàng Trong đã trải qua tám lần dời dựng thay đổi vị trí từ Ái Tử (1558-1572), Trà Bát (1572-1600), Dinh Cát (1600-1626) đến Phước Yên (1626-1636), Kim Long (1636-1687), Phú Xuân lần thứ nhất (1687-1712), Bác Vọng (1712-1738) và Phú Xuân lần thứ hai (1738-1775). Trải qua nhiều lần thay đổi vị trí thủ phủ và xây dựng kinh đô, bộ mặt vùng đất lúc bấy giờ từng bước phát triển với tốc độ đáng kể nhất là năm 1636, khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long, quá trình đô thị hóa trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Huế sau này mới được bắt đầu. Hơn nữa thế kỷ sau, năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi và đổi tên thành Phú Xuân, tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành đô thị Huế.

Như vậy vùng đất Thuận Hóa đã được các chúa Nguyễn mở mang, phát triển và trở thành một trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa ở Đảng Trong. Sự chuyển dịch các thủ phủ quan trọng cho thấy sự thay đổi diện mạo vùng đất Thuận Hoá từ vùng ven Huế đến trung tâm và phía Nam; đặc biệt là phủ Phú Xuân – trở thành đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ sông Hương. Sự nguy nga bề thế của phủ Phú Xuân được nâng tầm là Kinh đô dưới triều Tây Sơn (1788-1802) và có vai trò quan trọng đối với vùng đất Thừa Thiên Huế sau này.

Hiện vật trưng bày.

Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ ở Phú Xuân (1788-1802)
Dưới thời Tây Sơn (1778-1801), Phú Xuân là trung tâm lãnh đạo phong trào và là kinh đô đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ tổ chức Lễ tế trời tại núi Bân, công bố chiếu lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Trung, điểm binh và tiến quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn, nơi xuất phát những ý tưởng, chủ trương, chính sách hướng tới xây dựng một đất nước thống nhất, tiến hành cải tổ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục tiến bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Diện mạo của kinh đô Phú Xuân dưới thời Tây Sơn không khác mấy so với khi còn là thủ phủ của chúa Nguyễn. Từ những cứ liệu lịch sử, có thế thấy rằng, Phú Xuân thời Nguyễn Huệ – Quang Trung đã đạt được những thành tựu về chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng một nhà nước quân chủ tiến bộ, vững mạnh, đã khẳng định nước ta là cường quốc hùng mạnh nhất của khu vực Đông Nam Á.

Hiện vật trưng bày.

Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn (1802-1945)
Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn, lập đàn tế trời đất rồi thiết triều để lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm 1804, vua Gia Long đổi Quốc hiệu là Việt Nam. Triều Nguyễn tiến hành xây dựng kinh đô Huế và đây cũng là nơi hình thành và quy tụ đỉnh cao quyền lực của nền quân chủ Việt Nam. Vua Gia Long tiếp tục xây dựng Kinh thành Phú Xuân với quy mô to lớn, nguy nga, trang lệ.

Kinh thành Huế được xây dựng trên cơ sở kết hợp các nguyên tắc kiến trúc của phương Đông với kỹ thuật bố phòng quân sự theo kiểu thành lũy của Vauban kiên cố của phương Tây, có hình dáng gần như vuông, diện tích 520ha, chu vi trên 10.500m, thành cao 6,46m ở mặt ngoài và 3,82m ở mặt trong, bề dày của chân thành 21,25m. Hệ thống thành quách đều nằm trên một trục dọc, quay mặt về hướng Nam – Đông Nam, được xây dựa vào địa thế của núi Ngự, sông Hương. Kiến trúc kinh thành có 10 cửa được bao bọc bởi các hào và “Hộ thành Hà”, bên trong có hai vòng thành: Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là trung tâm sinh hoạt chính trị và hành chính quan trọng nhất của triều đình, được xây dựng vào năm 1804 và được nâng cấp, hoàn chỉnh vào năm 1833. Tử cấm thành nằm trong lòng Hoàng Thành là khu vực sinh hoạt của vua và hoàng gia. Với hơn 100 công trình kiến trúc lớn, nhỏ, mỗi công trình có một chức năng riêng biệt, cùng tạo nên một quần thể kiến trúc đa dạng nhưng đăng đối, hài hòa. Tổng thể kinh thành với ba vòng thành, cùng hệ thống cổng, hào, cung điện, đền miếu, kho tàng, vườn tược, quan thự, trại lính…; các công trình còn tồn tại cho đến hôm nay trở thành những di tích cung đình duy nhất còn khá nguyên vẹn thời quân chủ của Việt Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, kinh thành Huế có giá trị lớn về mặt phòng thủ. Xung quanh chân thành có 24 pháo đài, cùng một thành phụ là Trấn Bình Đài (Mang Cá Nhỏ). Tất cả các bộ phận đó cùng với vòng đai Hộ Thành Hà bảo vệ bên ngoài, đã tạo nên một hệ thống bố phòng vững chắc.

Kinh thành Huế là nơi diễn ra đầy đủ nhất các hoạt động chính trị – quan liêu, nơi làm việc của bộ máy chính quyền trung ương triều Nguyễn và chính quyền của phủ Thừa Thiên. Hoàng Thành (Đại Nội) là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, hành chính của các cận thần quanh vua. Do số lượng đông đảo và đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của đô thị nên tầng lớp quan lại quý tộc triều Nguyễn trở thành chủ nhân của đô thị Phú Xuân – Huế. Các sinh hoạt đối nội và đối ngoại lớn đều diễn ra trong Kinh thành. Bên trong Kinh thành còn là nơi diễn ra các nghi thức tế tự, nghi lễ của triều đình, nơi thờ cúng tổ tiên (Thế Miếu) của họ Nguyễn. Bên ngoài Hoàng thành có các hoạt động nghi lễ như tế đàn Nam Giao, tế đàn Xã Tắc, tế Văn Miếu, Võ Miếu…

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền… Những công trình kiến trúc trong kinh thành Huế đều có chiều sâu tư tưởng của vương quyền đặc trưng của chế độ quân chủ và giàu chất nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đây là tri thức và tài nghệ của dân tộc Việt Nam nữa đầu thế kỷ XIX.

Khi Phú Xuân – Huế trở thành kinh đô của đất nước thống nhất, so với với các triều đại trước, đất nước ta đã được mở rộng, hoàn chỉnh từ Nam Quan đến Cà Mau; góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa của nước nhà. Với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa của một quốc gia thống nhất như vậy, kinh đô Huế không những để lại dấu ấn lịch sử và những thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, mà còn để lại nhiều di sản vô giá. Năm 1993, hệ thống quần thể di tích Cố Đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, Huế là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, nơi kết tinh, hội tụ, giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa, tạo cho Huế một nét văn hóa đặc sắc riêng biệt, có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng lớn.

Từ Nam Bộ thế kỷ XVII-XIX đến Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay
Không gian trưng bày triển lãm giới thiệu gần 50 hình ảnh và hiện vật mang dấu ấn lịch sử về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đặc biệt sưu tập ấn, sắc phong, tờ truyền giúp quý vị hiểu hơn về sự quản lý của Nhà nước trong những buổi đầu xác lập nền hành chính. Đây là nguồn sử liệu quan trọng, quý hiếm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng đất Gia Định – Sài Gòn ban đầu được gọi là Prey Nokor. thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Nguyễn Hữu Cảnh là người có công đầu trong công cuộc thiếp lập phủ Gia Định, và thành lập chính quyền tại vùng đất Nam Bộ. Từ đó, ngay từ rất sớm cư dân từ miền Bắc, miền Trung đã tụ hợp về đây cùng với cư dân bản địa khai hoang lập ấp, xây dựng xóm làng; thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia cắt địa phận, quy định lại khai khẩn ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, thuế điền và lập sổ bộ đinh điền.

Từ khi xác lập hành chính vào năm 1698, vùng đất Sài Gòn có gần 100 năm không ngừng phát triển, trở thành một trong những trung tâm lúa gạo lớn của Nam Bộ và trở thành trung tâm thương mại. (hình ảnh sông Sài Gòn, cảng Sài Gòn đầu thế kỷ XIX).

Hiện vật trưng bày.

Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Đông Dương. Từ năm 1859, Pháp đã đặt những bước chân đầu tiên trong kế hoạch công phá thành Gia Định. Đến tháng 6/1867, Pháp đã chiếm phần lớn Lục tỉnh Nam Kỳ và Đông Nam Bộ. Để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã thành lập thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển thành phố như xây dựng khu hành chính, đường xe lửa, cầu cống, bến cảng, xưởng sửa chữa tàu,… Trong những thập kỷ đầu tiên của thời kỳ Pháp xâm lược, đời sống của người dân Sài Gòn – Gia Định có nhiều thay đổi, nhiều công trình mang tính đô thị theo phong cách kiến trúc phương Tây. Cùng với Phnom Penh của Campuchia, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong số những thuộc địa của Pháp. Kể từ đó, thành phố này trở thành một trong những đô thị quan trọng của miền Nam Việt Nam.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ở bất kỳ giai đoạn nào, Sài Gòn vẫn luôn là đô thị năng động và phát triển, con người Sài Gòn luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, giàu lòng yêu nước, trung dũng và kiên cường trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Ngày 30/4/ 1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ngày 02/7/1976, Đảng, Nhà nước ta thống nhất quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh” – thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,06 km². Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, thành phố Hồ Chí Minh đều giữ vai trò quan trọng bậc nhất, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước..

“Nước Việt Nam ta là một
Dân tộc Việt Nam ta là một
Dù cho sông cạn đá mòn
Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”

Những câu thơ trong “Lời chúc mừng năm mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1963 thể hiện chân lý bất diệt: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà”.

Vào ngày 08/10/1960, tại Ba Đình (Hà Nội), Lễ kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn đã được tổ chức là minh chứng cho sự đoàn kết một lòng, gắn bó keo sơn, tình cảm không thể nào tách rời của nhân dân 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trải qua gần 65 năm, nối tiếp truyền thống quý báu ấy, nhân dân cả nước nói dung và nhân dân Huế, TP Hồ Chí Minh nói riêng luôn kề vai sát cánh, trân trọng, gìn giữ và đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thế Cương