Bài viết được tác giả sử dụng những phương pháp nghiên cứu như Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp toạ đàm; Phương pháp lôgíc; Phương pháp lịch sử để chứng minh rằng trong 3 thuộc tính cơ bản của nền thể dục thể thao cách mạng thì phải khẳng định tính chất nhân dân là cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định đến bản chất của nền TDTT cách mạng. Nền TDTT cách mạng luôn luôn phát huy ba tính chất cơ bản đó. Có như vậy, nền TDTT cách mạng mới ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao, ngày càng đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, ngày càng thể hiện tính ưu việt của mình, góp phần tích cực vào công cuộc thực hiện mục tiêu “Dân cường, Nước thịnh” như lời Bác Hồ đã dạy.
- Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thể dục thể thao (TDTT), coi đó là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự cường thịnh của quốc gia. Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà giành độc lập chưa đầy bốn tháng, ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên – Cơ quan đầu tiên của ngành TDTT cách mạng nước ta. Vai trò của TDTT càng được khẳng định trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ TDTT, tháng 3/1960, khi Người xác định và nhấn mạnh TDTT “là một công tác trong những công tác cách mạng”.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: TDTT “là một công tác trong những công tác cách mạng”, tức là Người đã đặt công tác TDTT ngang bằng với các công tác khác, như công tác chính trị, tư tưởng, công tác văn hóa, công tác y tế, công tác giáo dục… Chính vì vậy, việc đề cập tới tính chất mới của nền TDTT cách mạng là mục đích nhằm làm sáng tỏ về sự khác biệt của nó với nền TDTT của chế độ cũ ở nước ta.
- Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp toạ đàm; Phương pháp lôgíc; Phương pháp lịch sử.
- Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nền thể dục thể thao cách mạng
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về con người có vị trí rất quan trọng. Hồ Chí Minh có những bài viết, bài nói về con người, về giáo dục đạo đức con người nhằm phát huy con người và phục vụ đời sống của con người. Về vị trí to lớn của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Hội nghị Trung ương VII khoá VII (7/1994) khẳng định: “Chúng ta càng hiểu sâu sắc rằng nâng cao cả mặt bằng dân trí và đỉnh cao dân trí, bồi dưỡng phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, càng ngày chúng ta càng nhận thức rõ rằng: Xã hội chúng ta đang xây dựng là xã hội vì con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người làm mục tiêu phục vụ. Con người mới mà chúng ta xây dựng là con người phát triển toàn diện, phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức.
Con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất về thể lực, tâm lực, trí lực và sự hoạt động. Các yếu tố này quan hệ mật thiết với nhau, làm điều kiện cho nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.
Hồ Chí Minh nói: “con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi rồi chết”. Đó là quy luật sinh học của con người, cho nên “người ta ai cũng muốn sung sướng mạnh khỏe”. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh sức khỏe là điều kiện rất quan trọng để làm việc có hiệu quả và có năng suất cao: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”
Chủ tịch Hồ Chí Minh người khai sinh ra nền thể thao cách mạng Việt Nam cho rằng: Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người và con người là vốn quý nhất của xã hội. Nói về sức khoẻ, Bác đưa ra định nghĩa hết sức ngắn gọn, súc tích và rõ ràng: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khoẻ”. Khí huyết lưu thông là cơ thể lành mạnh, không bệnh tật, không ốm đau. Tinh thần đầy đủ tức là khí chất sung mãn, năng động, hăng hái, có ý chí, có nghị lực. Sức khoẻ thể chất là cơ sở và động lực phát huy sức khoẻ tinh thần và ngược lại, sức khoẻ thể chất yếu sẽ làm giảm sút sức khoẻ tinh thần, tinh thần yếu sẽ làm nảy sinh đau yếu về thể chất. Hai yếu tố tinh thần và thể chất hợp lại tạo nên sức khoẻ của con người. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó sẽ không tạo nên sức khoẻ của con người.
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chế độ mới. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III, thể hiện tư tưởng của Người, chỉ rõ: Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ và bồi dưỡng sức khoẻ con người là mục tiêu cao quý của chế độ mới
Coi trọng sức khoẻ nhân dân, đặt nó lên hàng đầu, bởi Bác nghĩ vai trò sức khoẻ của nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng và to lớn. Yếu tố sức khoẻ con người, sức khoẻ nhân dân được Bác coi như là một sức mạnh. Sức mạnh này không chỉ là sức mạnh của cơ bắp mà cả sức mạnh tinh thần để làm tốt mọi công việc.
Nhân dân có sức khoẻ thì mọi việc đều làm thành công. Bác chỉ rõ: Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Như vậy, quan điểm của Người rất rõ, để giữ nước, xây dựng đất nước, phát triển đời sống xã hội… bất kể làm việc gì cũng cần phải có sức khoẻ, có sức khoẻ làm việc mới tốt.
Vì vậy, ngay trong kháng chiến, Người vô cùng quan tâm và coi trọng sức khoẻ của nhân dân: Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công
Tới khi cả hai miền Nam, Bắc bước vào cuộc kháng chiến ác liệt chống đế quốc Mỹ, Bác đã nhấn mạnh tới yếu tố sức khoẻ của nhân dân: Phải làm cho dân tộc Việt Nam có sức khoẻ tốt, tinh thần tốt để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Với tinh thần và sự quan tâm đó, quân và dân ta đã coi trọng việc bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ, kiên cường chiến đấu giành chiến thắng vẻ vang, vĩ đại.
Người cho rằng: “Dân cường thì Quốc thịnh”. Điều đó thể hiện mục tiêu cao quý của cách mạng, của chế độ mới. “Dân cường” chính là sức khoẻ của nhân dân cả về thể chất và tinh thần. Còn “Quốc thịnh” tức là đất nước giàu mạnh cả về cơ sở vật chất và con người, ổn định cả về hệ thống chính trị và xã hội. “Dân cường” và “Quốc thịnh” có quan hệ mật thiết, “Dân cường” là cơ sở để làm nên “Quốc thịnh” đồng thời có sự tác động trở lại “Quốc thịnh” là điều kiện để đảm bảo “Dân cường”.
Đất nước không thể thịnh nếu nhân dân yếu ớt. Người nói: “Mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Điều đó đủ thấy Bác vô cùng coi trọng và đề cao sức khoẻ của nhân dân. Đó không chỉ là sức khoẻ của một nhóm người, của mỗi một người dân cụ thể, mà là sức khoẻ của nhân dân, của toàn dân tộc.
Quan điểm của Bác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân phản ánh cách nhìn của Người về sức khoẻ trong mối liên hệ với hạnh phúc cá nhân, gia đình và cả dân tộc. Với quan điểm “Mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần cho cả nước mạnh khoẻ”; “Dân cường thì Quốc thịnh”, Bác đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng việc đảm bảo sức khoẻ của nhân dân là cơ sở vững chắc để làm nên mọi thắng lợi, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, đẹp giàu. Đối với những nhà khoa học xã hội và nhân văn, việc hiểu rõ tư tưởng của Người về chăm sóc sức khoẻ nhân dân sẽ giúp ích rất nhiều đối với sự phát triển các lý thuyết nghiên cứu các vấn đề sức khoẻ nhân dân ta hiện nay
Như vậy, bản chất xã hội của TDTT trong Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối, quan điểm của Đảng, đó chính là phong trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ của quần chúng, nhân dân yêu nước trên lĩnh vực xã hội này. Bản chất xã hội của TDTT còn và đã bị quy định bởi những mối liên hệ giữa Phong trào cách mạng của quần chúng trên lĩnh vực hoạt động TDTT và Công tác cán bộ TDTT. Rồi đến lượt các mối liên hệ này: sự tương tác giữa các chủ thể hoạt động TDTT – phong trào quần chúng hoạt động TDTT và cán bộ phong trào quần chúng hoạt động TDTT – lại được định hướng bởi mục đích cơ bản và xuyên suốt là Cải tạo nòi giống. Mỗi thời đoạn lịch sử, hoạt động TDTT ở Việt Nam, trong sự bao trùm, và xuyên suốt của mục đích cơ bản lại nhằm vào từng kết quả, mang tính mục tiêu của mỗi giai đoạn lịch sử, phụ thuộc nhiệm vụ công tác cách mạng chung. Do đó, chúng ta từng có trực thị nhiệm vụ cụ thể của hoạt động TDTT cách mạng: là Khỏe, là “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ”, gắn liền tức thời là hai nhiệm vụ tổng quát của Xã hội Việt Nam: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
3.2. Những tính chất cơ bản của nền thể dục thể thao cách mạng theo quan điểm của Hồ Chí Minh
Bản chất của chế độ mới quyết định tính chất của nền TDTT cách mạng. Tính chất của nền TDTT cách mạng của nước ta thể hiện ở 3 mặt: tính chất dân tộc, nhân dân và khoa học. Trong đó, tính nhân dân là một tính chất cơ bản nhất. Nền TDTT thiếu tính chất nhân dân, tức là thiếu tính nhân văn thì không thể coi đó là nền TDTT cách mạng hoặc nền TDTT tiến bộ, ưu việt. Dưới chế độ mới, nền TDTT cách mạng ngày càng có điều kiện thực hiện toàn diện tính chất nhân dân của mình.
3.2.1.Tính dân tộc
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, mỗi dân tộc cũng hình thành và phát triển một nền văn hiến đặc trưng. Nền văn hiến của mỗi dân tộc phản ánh lịch sử, truyền thống, nếp sinh hoạt, tâm lý (tính cách, nếp nghĩ,…) của dân tộc đó, nền văn hiến này được sàng lọc, kế tục và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Kinh nghiệm của các nước phát triển có nền văn minh cao đã chỉ ra rằng truyền thống dân tộc là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của một đất nước, TDTT là một lĩnh vực của nền văn hóa, vì vậy nó cũng mang tính dân tộc rất đậm nét. Chính vì vậy, trải qua hàng ngàn năm các môn thể thao dân tộc như đua chải, đua thuyền, vật,… vẫn tồn tại và trở thành những nội dung hấp dẫn trong các dịp lễ hội lớn của nước ta.
Tính dân tộc, là một đặc tính cơ bản của nền TDTT cách mạng Việt Nam. Chế độ mới luôn chú trọng tới bản sắc văn hoá dân tộc, cần được phát huy cao độ, trong đó có văn hoá TDTT. Tính dân tộc của nền TDTT cách mạng bao hàm yếu tố truyền thống và tinh thần thượng võ. Để nêu cao tính dân tộc, nền TDTT cách mạng không ngừng phát huy sự kế thừa, cải biên nâng cấp các trò chơi vận động dân gian thành những môn thể thao truyền thống, phản ánh các đức tính cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, ý chí quật cường của cha ông ta trong lao động sản xuất và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Phát huy ngày càng phong phú tính chất dân tộc cũng đồng thời là phát huy tinh thần thượng võ của nền TDTT cách mạng dưới chế độ mới ở nước ta.
3.2.2. Tính nhân dân
Tính nhân dân thể hiện ở mục tiêu cũng như phương pháp quản lý chỉ đạo phong trào TDTT, TDTT là sự nghiệp của nhân dân, trước hết phải phục vụ nhân dân, nâng cao dân trí, bảo vệ và tăng cường sức khỏe, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. TDTT chỉ có giá trị đích thực khi nhân dân tự nguyện tham gia tập luyện, tham gia tổ chức, điều hành và cổ động các hoạt động TDTT. Xu hướng “xã hội hóa” TDTT chính là nhằm khắc phục ảnh hưởng “bao cấp” áp đặt trong TDTT, nhằm phát huy tính năng động, khả năng sáng tạo của quần chúng.
Hiện nay, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại và tiến trình xã hội hóa TDTT đã và đang được đẩy mạnh, có tác dụng to lớn đến sự tăng cường tính chất nhân dân của nền TDTT cách mạng, thúc đẩy có hiệu quả về sự xác lập chủ thể hoạt động TDTT cách mạng ở tất cả các cơ sở của đất nước. Chủ thể của hoạt động TDTT cách mạng ở nước ta đó là nhân dân.
3.2.3. Tính khoa học
Tăng cường giao lưu về mọi mặt, kinh tế, văn hóa xã hội giữa các dân tộc, giữa các quốc gia đã trở thành xu thế của thế giới ngày nay, là một nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Giữa các dân tộc, sự trao đổi, tiếp thu các tinh hoa của nhau ngày càng được tăng cường. Trong quá trình giao lưu đó, nhiều cái đã được quốc tế hóa. Cũng như các lĩnh vực khác, TDTT nước ta không thể không “hòa nhập” vào cộng đồng quốc tế nếu muốn phát triển. Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với tính dân tộc, bởi lẽ chúng ta tiếp thu những tinh hoa của TDTT thế giới chứ không “tự đồng hóa” mình. Mặt khác, sự hòa nhập TDTT nước ta với cộng đồng quốc tế sẽ góp phần làm cho nền TDTT thế giới thêm phong phú thông qua việc góp vào kho tàng văn hóa thế giới những môn thể thao truyền thống của dân tộc ta.
Trong quá trình phát triển, TDTT cách mạng không chỉ đảm bảo tính khoa học mà còn phải tiếp tục mở rộng và đi sâu vào việc hoàn thiện các động tác bài tập, các phương pháp để ngày càng có tác dụng tốt đối với sức khỏe của nhân dân và thành tích thể thao của vận động viên. Điều đó đòi hỏi sự gia tăng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ và các kỹ thuật hiện đại vào trong tập luyện, huấn luyện, thi đấu với những động tác, bài tập, phương pháp được thiết kế có tính khả thi cao, tác dụng lớn trong vận động và sau vận động
Tất cả các bộ phận của nền TDTT cách mạng đều phải tuân thủ theo sự vận động có tính khoa học như vậy.
- Kết luận
Như vậy, ba tính chất: nhân dân, dân tộc và hiện đại thống nhất biện chứng và là 3 thuộc tính cơ bản của nền TDTT cách mạng. Nhưng phải khẳng định tính chất nhân dân là cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định đến bản chất của nền TDTT cách mạng. Nền TDTT cách mạng luôn luôn phát huy ba tính chất cơ bản đó. Có như vậy, nền TDTT cách mạng mới ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao, ngày càng đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, ngày càng thể hiện tính ưu việt của mình, góp phần tích cực vào công cuộc thực hiện mục tiêu “Dân cường, Nước thịnh” như lời Bác Hồ đã dạy.
ThS. Đặng Văn Khai – Bộ môn Giáo dục thể chất. Trường đại học Công đoàn
Tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng Sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Nhà xuất bản CTQG – ST, Hà Nội.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT (2012), Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam, Nxb TDTT, Hà Nội
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội
- Nguyễn Tiến Sơn (2013), Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương trong đời sống và hoạt động TDTT, Tạp chí khoa học đào tạo và huấn luyện thể thao, (đặc biệt), tr. 18-21
- Uỷ ban TDTT (2006), 60 năm Thể dục thể thao Việt Nam dưới sự lãnh đạo