Qua khảo sát cuối năm 2022, 438 cán bộ, công chức và 450 người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, bài viết phân tích thực trạng quản lý xã hội trên 6 chiều cạnh: giảm nghèo bền vững; chăm sóc sức khoẻ; giáo dục và đào tạo; bình đẳng giới; an toàn xã hội, an ninh con người và hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy công quyền trong quá trình chuyển đổi số. Kết quả cho thấy quản lý phát triển xã hội ở 6 chiều cạnh nêu trên được đánh giá tốt. Tuy vậy, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ có mức đánh giá quản lý phát triển xã hội trong kỷ nguyên số thấp nhất. Nghiên cứu khuyến nghị cần quan tâm hơn đến nhóm xã hội yếu thế, thiệt thòi để giảm bất bình đẳng số trong quá trình chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Đặt vấn đề
Sự biến đổi nhanh chóng, toàn diện và phức tạp của đời sống xã hội, đặc biệt trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) đã và đang đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, quản lý của các chủ thể, ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều học giả, nhà nghiên cứu lý luận ở Việt Nam đã bắt đầu dày công tìm tòi, khảo nghiệm và nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở lý luận, căn cứ thực tiễn phục vụ nhu cầu cấp thiết đó, trong đó có quản lý phát triển xã hội (QLPTXH). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), lần đầu tiên thuật ngữ này chính thức được đưa vào Văn kiện và tiếp tục được khẳng định, phát triển tại Đại hội lần thứ XIII (2021). Theo đó, quản lý phát triển xã hội là sự tác động có định hướng, có tổ chức của chủ thể quản lý đến khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội,…) nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Sự kiện này đã đánh dấu mốc mới trong đổi mới tư duy lý luận và coi trọng đúc kết thực tiễn không ngừng của Đảng nhằm hoàn thiện phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.
Kế đến, với tác động đa chiều, phức tạp, công nghệ số cùng quá trình chuyển đổi đã và đang tác động liên tục (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi phương diện của đời sống xã hội, làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội mới, chưa có tiền lệ; đồng thời làm phức tạp hơn các vấn đề xã hội đã có trước đó nay tồn tại trong bối cảnh mới – chuyển đối số. Trong khi đó, cách tư duy, tiếp cận, phương thức, công cụ điều hành nhằm giải quyết các hệ vấn đề xã hội cũ và mới này của các chủ thể có phần bị động so với yêu cầu và biến đổi nhanh chóng của thực tiễn. Điều này ảnh hưởng lớn hiệu lực, hiệu quả vận hành của hệ thống chính trị, công tác quản trị quốc gia và mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững đất nước. Từ đó cho thấy, việc can thiệp, giải quyết các vấn đề này trong không gian xã hội mới gắn với quá trình chuyển đổi số bằng công cụ QLPTXH có tính cấp thiết.
Đông Nam Bộ là khu vực phát triển năng động bậc nhất của Việt Nam, là “cái nôi” với nhiều địa phương tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới không chỉ trong sản xuất, thương mại mà còn trong lãnh đạo, quản lý. Các mô hình, đề án đô thị thông minh, thành phố thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo cũng từ đây mà khởi phát. Không khí đổi mới phương thức, phương tiện hướng đến cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số ở các địa phương ngày càng diễn ra sôi nổi.
Thực tế cho thấy, quá trình lãnh đạo, điều hành cũng như đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Đông Nam Bộ luôn phải nhận diện, thích ứng với hàng loạt các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh. Đó là các vấn đề truyền thống, phi truyền thống, các vấn đề đã có và hệ vấn đề mới phát sinh, nhất là từ sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số, của CMCN4 và quá trình chuyển đổi số. Những năm qua, cùng với các tỉnh, thành phố khác của cả nước, các địa phương của khu vực Đông Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm mô hình mới, cách làm hay và phù hợp và mạnh dạn thí điểm cải cách, đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách thức lãnh đạo, quản lý cho phù hợp hơn với tính chất phức tạp, khó lường của biến đổi xã hội và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong khi đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước;… Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại…. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước…. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước, v.v”. Về logic, để hoá giải các thách thức mới nổi của vùng trong bối cảnh chuyển đổi số, việc nghiên cứu, phân tích và tổng kết thực tiễn vận động của QLPTXH với tư cách là cách tiếp cận, phương thức mới giải quyết hệ vấn đề xã hội trong tiến trình chuyển đổi số và tác động của CMCN4 gắn hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, 2045 (nhất là ở lĩnh vực xã hội) như Nghị quyết số 24-NQ/TW là cần thiết.
Từ đó, bài viết này phân tích, đánh giá một cách tương đối khái quát, thực chứng về hiện thực QLPTXH trong bối cảnh chuyển đổi số mà thành tựu, tồn tại và thách thức của nó được thể hiện ở 6 nhóm lĩnh vực cụ thể: (1). Giảm nghèo bền vững; (2). Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; (3). Giáo dục và đào tạo; (4). Bình đẳng giới; (5). An toàn xã hội và an ninh con người và (6). Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua tiêu chí: chủ thể tham gia; phương thức, công cụ quản lý; nội dung thực hiện và kết quả đạt được, v.v. Ngoài ra, bài viết còn tập trung xây dựng một số hàm ý và kiến nghị chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLPTXH trong bối cảnh chuyển đổi số của vùng Đông Nam Bộ gắn với thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW thời gian tới.
Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu phân tích
Bài viết này chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả Đề tài khoa học cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ đề: “Quản lý phát triển xã hội trong điều kiện chuyển đổi số quốc gia tại khu vực Đông Nam Bộ hiện nay” (mã số: B.21-05). Trong 2 năm (2021 – 2022), nhóm nghiên cứu đã khảo sát 880 cán bộ, công chức (CBCC) có, không có chức vụ trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã và người dân, doanh nghiệp; thực hiện 36 cuộc phỏng vấn sâu với 2 nhóm đối tượng này tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Việc chọn 3 địa phương này làm điểm nghiên cứu bởi từ năm 2018 đến nay, kết quả Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) và Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của các tỉnh, thành này có thứ hạng khá tốt và liên tục cải thiện so với các địa phương còn lại trong nội vùng .
Ngoài ra, để tăng tính đại diện, một số dữ liệu, thông tin từ hệ thống văn kiện của Trung ương Đảng, đại hội đảng bộ các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025, hệ thống văn bản chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cũng như các báo cáo đánh giá của các bộ, ngành và tổ chức tư vấn quốc tế, v.v đã được cập nhật, sử dụng và phân tích.
Một số phát hiện quan trọng được khái quát qua nghiên cứu tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và hàm ý chính sách
Nhận thức của CBCC và người dân về quản lý phát triển xã hội gắn với bối cảnh chuyển đổi số
Nghiên cứu cho thấy, nhận thức và hiểu biết của CBCC cũng như người dân – hai chủ thể căn bản của QLPTXH về tiến trình chuyển đổi số là khá tốt. Điều này có cơ sở khi những năm gần đây, chỉ sổ đổi mới sáng tạo, số lượng thuê bao và người dùng Internet cũng như công nghệ số của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Các địa phương Đông Nam Bộ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh luôn có thứ hạng cao về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là nơi tiên phong thí điểm nhiều mô hình, sáng kiến về đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá nền hành chính cũng như mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong các phương diện của đời sống xã hội. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy, nhận thức và hiểu biết của 2 nhóm khách thể này thấp và chưa tốt, chẳng hạn ở các tiêu chí về xây dựng “chính phủ khởi tạo” và “xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0)”. So với chủ đề khác về chuyển đổi số thì nhóm chủ đề này vẫn còn khá mới mẻ, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới dù có liên quan, tác động chặt chẽ đến QLPTXH ở tầm quốc gia và địa phương.
Nghiên cứu cũng khảo nghiệm mức độ nhận thức và hiểu biết về chuyển đổi số của CBCC các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Qua khảo sát, nhìn chung họ có nhận thức và hiểu biết tốt về “quản lý phát triển xã hội”, “quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số”, bao gồm nhiều vấn đề đòi hỏi sự tư duy, phân định ở mức độ cao về nhận thức khoa học và thực tiễn áp dụng QLPTXH gắn với bối cảnh số. Tuy vậy, nhận thức và hiểu biết của đội ngũ này không phải là không có vấn đề. Chẳng hạn, không nắm rõ thời điểm thuật ngữ “quản lý phát triển xã hội” được chính thức đưa vào Văn kiện của Đảng, nhận thức chưa chuẩn một số đặc trưng căn bản của QLPTXH so với quản lý nhà nước hay quản lý xã hội thuần tuý, v.v.
Thực tiễn nghiên cứu về nhận thức của CBCC và người dân một số địa phương vùng Đông Nam Bộ đối với tiến trình chuyển đổi số và QLPTXH trong bối cảnh số gợi mở một số hàm ý: (i). Cần chú trọng hơn đào tạo và bồi dưỡng trong CBCC và đẩy mạnh truyền thông bằng hình thức phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi số và QLPTXH trong kỷ nguyên số. Tận dụng thành tựu CMCN4, chuyển đổi số, qua môi trường số (ví dụ: nền tảng học trực tuyến mở đại trà – OneTouch, hay MOOCs, v.v) để tập huấn, bồi dưỡng, phục vụ truyền thông trở lại cho các nhóm chủ thể này; (ii). Nâng cao nhận thức của đội ngũ CBCC cần gắn chặt với đổi mới hình thức, nội dung học tập, sinh hoạt chính trị của Đảng, với việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN4, Chương trình cải cách nền hành chính nhà nước và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030.
Hiện trạng và hàm ý chính sách về quản lý phát triển xã hội gắn với bối cảnh chuyển đổi số trên 6 lĩnh vực nghiên cứu cụ thể
Về tổng thể, các địa phương được nghiên cứu ở vùng Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng và đã huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, đa dạng phương thức, công cụ, trong đó có chú ý tận dụng thành tựu của CMCN4, công nghệ số vào quá trình QLPTXH trên 6 lĩnh vực gồm: (1). Giảm nghèo bền vững; (2). Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; (3). Giáo dục và đào tạo; (4). Bình đẳng giới; (5). An toàn xã hội và an ninh con người và (6). Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đáng chú ý, các ý kiến đối chứng giữa người dân và CBCC nhìn chung là thống nhất, có đánh giá tích cực đối với việc quản lý 6 lĩnh vực này.
Tuy vậy, QLPTXH ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh cần chú ý đến hiệu lực, hiệu quả QLPTXH ở lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và giáo dục và đào tạo để thích ứng an toàn, linh hoạt với giai đoạn hậu COVID-19 cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực số, cải thiện chất lượng dân số phục vụ quá trình phát triển bền vững vùng, địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số. Các phân tích, kiểm định thống kê cũng cho thấy, giải quyết tốt hệ vấn đề xã hội, đảm bảo mục tiêu tiến bộ, công bằng hướng đến phát triển bao trùm cần chú ý đến các nhóm xã hội đặc thù, yếu thế, qua đó góp phần giảm dần hố sâu khoảng cách, tách biệt và bất bình đẳng xã hội. Từ đây, một số hàm ý chính sách được nhóm nghiên cứu đề xuất để cải thiện hiệu lực, hiệu quả QLPTXH, đáng chú ý là góp phần thực hiện tốt các nhóm mục tiêu ở lĩnh vực xã hội được nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ trong tiến trình chuyển đổi số, cụ thể như sau:
Trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững
Nói như chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) rằng: “Người nghèo và người dễ tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, và trong khi các nền kinh tế đang phục hồi, rất nhiều người có thể nhận thấy rằng việc thoát nghèo thậm chí còn khó khăn hơn trước kia. Các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào khả năng chống chịu, đổi mới sáng tạo và tính bao trùm để cung cấp cơ hội kinh tế đồng đều hơn và sự dịch chuyển xã hội lớn hơn cho tất cả mọi người”. Nhận định này cùng với kết quả nghiên cứu hàm ý rằng, QLPTXH cần huy động đa nguồn lực, đa chủ thể hơn nữa để cải thiện khả năng tiếp cận giải quyết nhu cầu về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và nhà ở cho người dân. Trong bối cảnh hậu COVID-19, hàm ý này càng có ý nghĩa đối với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ vốn là trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều lao động nhập cư. Mặt khác, cần tiếp tục củng cố, cải thiện các kênh truyền thông truyền thống và đầu tư nâng cấp, đa dạng hơn các kênh truyền thông số, truyền thông xã hội để chuyển tải kịp thời, thông suốt, dễ tiếp cận chính sách giảm nghèo, trợ cấp xã hội đến người dân.
Đặc biệt, trong quá trình quản lý ở lĩnh vực này, các chủ thể quản lý ở địa phương cần chú ý đến nhóm dân cư là phụ nữ, sống khu vực nông thôn, việc làm không ổn định/ thất nghiệp, lao động phi chính thức, ít hoặc không tham gia đoàn thể, v.v. để giảm thiểu các “gánh nặng kép”, “bất bình đẳng số” khi tham gia thị trường lao động. Nhóm lao động “cổ xanh” (lao động làm việc trong các ngành công nghiệp) khá phổ biến của vùng cần được trang bị kỹ năng của thế kỷ XXI (khả năng suy luận, tư duy logic, kỹ năng toán học, giải quyết vấn đề, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, v.v.), để không bị loại trừ và sẵn sàng tham gia thế giới việc làm trong kỷ nguyên số.
Ngoài ra, quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững cần chú ý phải giải quyết các vấn đề cũ và vấn đề mới phát sinh liên quan đến nghèo đói vốn chưa có tiền lệ trong bối cảnh số. Hàng loạt các vấn đề như tự động hoá lao động; cạnh tranh tuyển dụng, cơ hội việc làm giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI); nguy cơ lạc hậu tay nghề, trình độ, kỹ năng của người lao động so với xu hướng phát triển của công nghệ số; khả năng, cơ hội tiếp cận công nghệ số để giải quyết nhu cầu lao động, việc làm hay quá trình “giải công nghiệp hoá” (de-industrialization), v.v. Từ đó, QLPTXH ở lĩnh vực này cần tiên lượng; từ đó giúp xây dựng tầm nhìn, chủ trương, chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động cụ thể vừa quản lý linh hoạt, thích ứng tốt vừa từng bước dẫn dắt, xây dựng nguồn nhân lực, lực lượng lao động số và thị trường việc làm bền vững.
Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Thực tiễn nghiên cứu tại các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ cho thấy, QLPTXH cần sớm đầu tư dài hạn, bài bản việc tận dụng thành tựu CMCN4, vai trò của CĐS để chăm sóc sức khoẻ toàn dân, nhất là nhóm xã hội đặc thù như trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn thích ứng tốt hơn với các biến đổi xã hội nhanh chóng. Để thành công, cần chú ý: (i). đầu tư nhân lực số, công nghệ số phù hợp; (ii). có chính sách giảm thiểu “khoảng cách số” ở các nhóm dễ tổn thương; (iii). đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: thúc đẩy dịch vụ chăm sóc y tế từ xa (telehealth); tăng cường sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử – nền tảng để chuyển đổi sang nền y tế số; tăng cường sử dụng các công nghệ số để cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cho các nhóm yếu thế, v.v.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tuy từng bước xây dựng theo hướng bao phủ nhưng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ; trường đào tạo nghề; các trường đại học, cao đẳng của địa phương, v.v. chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ngoài ra, chất lượng và số lượng các cơ sở đào tạo ngoài công lập, trường quốc tế được CBCC, người dân đánh giá không cao. Kế đến, việc tham gia, phối hợp của các chủ thể khác nhau trong quản lý, giải quyết các vấn đề của giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế như vai trò của các hội khuyến học, khuyến tài; mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo.
Do đó, QLPTXH cần chú trọng duy trì và phát huy giá trị tích cực đối với lĩnh vực này: truyền thống coi trọng việc học, tinh thần hiếu học, trọng hiền tài, thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội, phong trào học tập suốt đời, v.v, đầu tư thích đáng cho đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, cơ sở hạ tầng và quy hoạch mạng lưới giáo dục. Ngoài ra, hiệu chỉnh triết lý giáo dục để phù hợp hơn với tồn tại xã hội là nền kinh tế số, xã hội số và chính quyền số đang dần hình thành là việc làm cần thiết, như xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học tập liên tục trên Internet, sử dụng tối đa công nghệ hỗ trợ học tập và xem trọng học ngoại ngữ, v.v. Giáo dục và đào tạo phải hình thành phẩm chất công dân số với lối sống số và khả năng thích ứng, chống chịu trong môi trường đó.
Trong lĩnh vực đảm bảo bình đẳng giới
Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã từng nhận định trong “Báo cáo Khoảng cách Giới toàn cầu 2020” rằng: “Nếu không có sự bao gồm đồng đều của một nửa dân số thế giới, chúng ta sẽ không thể thực hiện lời hứa về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho tất cả xã hội, phát triển nền kinh tế của chúng ta vì sự thịnh vượng chung hoặc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”. Nghiên cứu tại một số địa phương vùng Đông Nam Bộ cho thấy, một số khía cạnh bình đẳng giới và QLPTXH đối với bình đẳng giới được CBCC đánh giá tốt. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với chuyển biến tích cực về nhận thức đối với các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới của đội ngũ quản lý – CBCC trong hệ thống chính trị và chủ thể đồng tham gia – người dân và cộng đồng xã hội; đồng thời là minh chứng về một Việt Nam nỗ lực bền bỉ thực hiện cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền phụ nữ và bình đẳng giới trên các phương diện.
Tuy vậy, kết quả khảo sát và phân tích cũng hàm ý, QLPTXH cần chú ý đa dạng và phát huy hơn vai trò của các chủ thể phi nhà nước (hội đoàn, mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm xã hội, gia đình, dòng tộc, v.v…) cùng chủ thể nhà nước hỗ trợ, can thiệp thúc đẩy bình đẳng giới. Tận dụng công nghệ số để can thiệp trở lại, giải quyết rủi ro về bất bình đẳng giới, thực hiện chính sách về giới nhưng cũng chú ý đảm bảo an toàn, an ninh cho phụ nữ, trẻ em trước các tác động tiêu cực từ môi trường mạng và trong thế giới số.
Trong lĩnh vực an toàn xã hội và an ninh con người
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta yêu cầu phải “đảm bảo an toàn xã hội, an ninh con người”. Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người” . Trong kỷ nguyên số và quá trình chuyển đổi số hiện nay, hàng loạt các vấn đề mới, thậm chí chưa có tiền lệ đã và đang xuất hiện, đe doạ trực tiếp đến an ninh, an toàn cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khả năng quản lý, ứng phó của các chủ thể hữu quan ở vùng Đông Nam Bộ là chưa tốt. Đáng chú ý là việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng; phòng, chống tin tặc, tin giả, tin xấu độc, kích động chống phá, gây bất ổn an ninh chính trị, bình yên cuộc sống, hay tổ chức lừa đảo, tệ nạn xã hội trên Internet; tội phạm công nghệ cao chưa được kiểm soát tốt; việc bảo vệ con người khỏi các vụ tấn công, xâm hại, cưỡng bức, dụ dỗ trên không gian mạng, v.v.
QLPTXH hiện nay có không gian, đối tượng, khách thể quản lý không bó hẹp trong thế giới thực (vật lý) mà còn mở rộng cả ra trên không gian số, thế giới ảo. Do vậy, cần chú ý hoàn thiện hệ thống pháp lý, công cụ kỹ thuật, đội ngũ nhân sự, v.v để đủ sức quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho các tương tác, quan hệ xã hội trong không gian số: bảo mật dữ liệu cá nhân, an toàn tài chính, văn hoá trong không gian số, tội phạm công nghệ cao, “nhiễu” thông tin trên mạng xã hội.
Trong lĩnh vực đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Đây chính là cách tiếp cận mới của bài viết nhằm đi giải quyết từ gốc cho quá trình QLPTXH trong bối cảnh chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc quản lý kém hiệu quả, hiệu lực thực thi các quyết sách chính trị, quyết định chính sách yếu ớt, thiếu liêm chính hay sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, tính hiện đại hoá thấp của bộ máy quản lý và đội ngũ nhân sự trong khu vực công, v.v. chính là rào cản, trở lực, vấn đề xã hội lớn đối với tiến trình QLPTXH quốc gia và địa phương.
Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cho thấy, nhiều chiều cạnh phản ánh hiệu lực, hiệu quả quản trị ở các địa phương nhìn chung đã được CBCC và người dân đánh giá tương đối tốt. Điển hình là việc đảm bảo sự tham gia của người dân thông qua thực thi dân chủ cơ sở, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về các vấn đề quan trọng của địa phương hay bầu cử; đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính công như niêm yết công khai hồ sơ, thủ tục hay tiếp nhận, giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa. Ngoài ra, khả năng cung ứng một số dịch vụ công cơ bản cho nhu cầu xã hội như giáo dục mầm non và tiểu học, dịch vụ y tế tại trạm y tế và bệnh viện công, hạ tầng cơ bản như điện, đường, nước sạch, công viên, mảng xanh, v.v cũng được đánh giá tốt.
Tuy vậy, thời gian tới, để cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với quá trình này, cần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách nền hành chính trên các trụ cột, chú trọng hơn trụ cột “hiện đại hoá” nền hành chính quốc gia gắn với triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng ban hành đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Cốt lõi là xây dựng nền quản trị quốc gia đủ mạnh, hiệu quả, được số hoá, tích hợp, hiện đại và đồng bộ để tương thích với sự biến chuyển mang tính quy luật của xã hội số, xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0) và sự vận hành của nền kinh tế số.
Một số kiến nghị chính sách
Đối với Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương
– Sắp tới, Bộ Chính trị trên cơ sở kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 kịp thời ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và hơn 7 năm quán triệt quan điểm QLPTXH, trong kết luận, Bộ Chính trị cần tiếp tục nhấn mạnh, bổ sung và quán triệt xuyên suốt các nội dung sau:
+ Bổ sung “Nhận định bối cảnh và đánh giá tình hình”: Quán triệt việc thực hiện QLPTXH cần đặc biệt chú ý đặt sự vận hành của nó trong mối tương quan chặt chẽ với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước và ba chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
+ Bổ sung “Quan điểm chỉ đạo”: QLPTX ở Việt Nam mà trọng tâm là giải quyết hệ các vấn đề xã hội ở tầm quốc gia và địa phương trong kỷ nguyên số cần thống nhất với tầm nhìn, triết lý phát triển đất nước – triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm, nhân văn và hiện đại, không ai bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các nội hàm, nội dung, phương thức QLPTXH gắn với bối cảnh số và quán triệt Nghị quyết 52-NQ/TW, Kết luận kỳ này cần đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải lưu ý nhận diện đầy đủ, sâu sắc các vấn đề xã hội mới nổi khi tham gia sâu, mạnh mẽ vào cuộc CMCN4 như: “bất bình đẳng số”, “gánh nặng số” và tách biệt số”, nhất là ở các nhóm thiểu số, yếu thế; từ đó có các định hướng vĩ mô giải quyết hữu hiệu các thách thức mới nổi này.
+ Kết luận về Nghị quyết 52-NQ/TW cần quan tâm, làm bật nổi sự cần thiết của việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống phản ứng chính sách quốc gia gắn với triển khai nội hàm, cơ chế QLPTXH nhằm nhận diện kịp thời, thích ứng và kiểm soát có hiệu quả các tác động tiêu cực, vấn đề mới chưa có tiền lệ của CMCN4 và tiến trình chuyển đổi số.
– Chỉ đạo tỉnh uỷ, thành uỷ của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLPTXH trong bối cảnh chuyển đổi số gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương trong vùng lưu ý nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLPTXH gắn với giải quyết tốt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hoàn thiện thể chế, chính sách đối với lĩnh vực văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, v.v đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đối với hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, Thành phố cần tập trung nguồn lực để triển khai sớm các chỉ thị của Thành uỷ, chương trình, kế hoạch, đề án về “chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh” đến năm 2030. Trong đó, Thành phố cần thực hiện đồng bộ, đồng thời trong khả năng việc triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, Chương trình An toàn thông, phát triển nền tảng số và kho dữ liệu dùng chung,… dựa trên 3 trụ cột kết nối là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ngoài ra, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp từng bước hình thành lối sống số, hoạt động hiệu quả trên môi trường số thông qua quảng bá, cải tiến, tăng cường khả năng dễ tiếp cận sử dụng các ứng dụng (apps) tiện ích của Thành phố như “ứng dụng thông tin xe buýt”, “ứng dung thông tin quy hoạch”, “ứng dụng cảnh báo ngập”, “ứng dụng thông tin giao thông”, hay các cổng/ tổng đài 1022 cũng cần được xem xét.
Hai là, Thành phố cần tiếp tục đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và mô hình một cửa điện tử trên cơ sở nâng cấp, hoàn thiện dần và tích hợp vào cơ sở dữ liệu và cấu trúc Chính phủ điện tử (cấp độ quốc gia). Đặc biệt, tiếp tục quảng bá và khai thác hiệu quả Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức (1022); tổ chức triển khai sớm kế hoạch tổng thể Kiến trúc chính quyền điện tử một cách thống nhất và đồng bộ làm nền tảng hiện đại hoá quản lý của các cơ quan nhà nước, hỗ trợ hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; ứng phó tốt hơn với các vấn đề đô thị thách thức hiện nay của địa phương như biến đổi khí hậu, chỉnh trang, quy hoạch đô thị, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội,…
Ba là, Thành phố có giải pháp huy động, sử dụng tốt hơn nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, vừa đảm bảo thực hiện thành công chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Để làm được việc này, Thành phố cần tận dụng, phối hợp, kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao từ các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn Thành phố; mạnh dạn đặt hàng kết nối cầu nhân lực với các cơ sở đào tạo về một số ngành, lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của Thành phố sắp tới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, khoa học dữ liệu, học máy, đổi mới sáng tạo, quản trị thông minh,… Bên cạnh đó, Thành phố cần xem xét, điều chỉnh lại chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đã thực hiện thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và khoa học – công nghệ, tư vấn chính sách cho địa phương.
Đối với tỉnh Bình Dương
Một là, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành. Trong đó, tỉnh cần chú ý đến đầu tư phát triển hơn nữa hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực (nhất là nhân lực tại chỗ) phục vụ quá trình quản lý phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy cải cách hành chính để tăng cường kêu họi và thu hút đầu tư. Thời gian qua, Bình Dương đã thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng – Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm thông minh tại các trường đại học, cao đẳng; hình thành và phát triển các vườn ươm doanh nghiệp. Do vậy, thời gian tới, tỉnh cần duy trì và phát triển các mô hình này, tăng cường hợp tác công – tư (PPP) để khai thác ý tưởng, sản phẩm, ứng dụng của doanh nghiệp và các viện nghiên cứu để phục vụ trực tiếp công cuộc quản lý phát triển kinh tế – xã hội tỉnh trong điều kiện mới.
Hai là, tỉnh Bình Dương cần sóm triển khai, thúc đẩy thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Thời gian qua, Bình Dương là số ít địa phương công nhận là thành viên Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Cộng đồng thành phố thông minh thế giới (ICF); đồng thời được bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới trong hai năm 2019 và 2020. Do vậy, thời gian tới, trên cơ nền tảng hiện có, nhất là hạ tầng, quy hoạch và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Bình Dương cần tranh thủ xin ý kiến Trung ương về các vấn đề thể chế, cơ chế; huy động tối đa nguồn lực xã hội; tận dụng sáng kiến, kinh nghiệm từ tham vấn các tổ chức đô thị quốc tế nhằm đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ xây dựng đề án thông minh, đô thị sáng tạo.
Đối với tỉnh Tây Ninh
Một là, tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với nhiều tỉnh, thành và tổ chức lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Viẽn thông VNPT, Tập đoàn Viettel,… đã mở ra cơ hội và động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh cần chủ động đề xuất thêm các nội dung hợp tác, hỗ trợ mới xoay quanh việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng thành tựu chuyển đổi số, công nghệ số, mô hình quản trị hiện đại,… nhất là từ cơ sở nghiên cứu – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp công nghệ – Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel trong cải thiện an sinh xã hội, đổi mới quản lý địa phương theo hướng hiện đại, năng động, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công, kết nối số liên vùng và nội vùng, quay trở lại thu hút đầu tư như là cơ sở, nền tảng đột phá thực hiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng đã ban hành hay Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và bước phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Hai là, đối với quá trình quy hoạch, quản lý và phát triển các đô thị, cần chú ý đến việc từng bước xây dựng các nền tảng cho đô thị thông minh, hiện đại. Thời gian qua, một số đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như Trảng Bàng, Gò Dầu và Thành phố Tây Ninh đã được tập trung nguồn lực chỉnh trang đô thị và thu hút được nhiều dự án thương mại, siêu thị, nhà ở thương mại góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, quá trình quy hoạch, quản lý, các cơ quan chức năng cần chú ý từng bước xây dựng hạ tầng (dữ liệu, ứng dụng, thiết bị, kết nối số), hình nguồn nhân lực quản lý số, tuyên truyền để hình thành ý thức và nếp sống văn minh đô thị, lối sống số, thiết lập và vận hành trung tâm điều hành thông minh để giải quyết các vấn đề của các đô thị hiện nay như ngập úng, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, an toàn mạng, mạng lưới giao thông công cộng, dịch vụ chăm sóc y tế, kết nối cung – cầu lao động hình thành dữ liệu việc làm và tạo việc làm bền vững trong bối cảnh môi trường số và tích hợp đang dần phát triển.
Ba là, cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, nội dung về cải cách hành chính theo Nghị quyết Chính phủ và Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ X, chú ý đến nội dung nâng cao cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và quản trị số,… Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số và mô hình quản lý phát triển xã hội trong điều kiện chuyển đổi số trước hết cần thể hiện ở việc cải tiến hoạt động, điều hành và phục vụ của Trung tâm Hành chính công tỉnh như tăng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; bổ sung cách thức mới tiếp nhận một số thủ tục có thủ tục đơn giản qua mạng xã hội Zalo, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh, đảm bảo trang bị máy tính, công nghệ thông tin công chức và phát triển hệ thống thông tin dùng chung trên địa như hệ thống văn phòng điện tử tập trung (egov), hệ thống một cửa điện tử tập trung, Hệ thống thông tin kinh tế xã hội, mô hình “họp không giấy”,…
Kết luận
QLPTXH là bước nhận thức mới, tiến bộ của Đảng ta trong hành trình xây dựng xã hội phát triển thịnh vượng. Tuy vậy, QLPTXH trong mối quan hệ biện chứng với chuyển đổi số quốc gia cả về nhận thức và thực tiễn còn khá mới mẻ. Khảo sát xã hội học với 430 cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp và 450 người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh, nhóm nghiên cứu đã phân tích và làm nổi bật kết quả chủ yếu phản ánh QLPTXH trên 6 chiều cạnh cốt lõi trong không gian số và xã hội đang biến đổi. Về tổng thể, 3 địa phương này có nhiều tiềm năng và đã huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, đa dạng phương thức, công cụ, trong đó có chú ý tận dụng thành tựu của CMCN4, công nghệ số vào quá trình quản lý phát triển xã hội.
Đáng chú ý, các ý kiến đối chứng giữa 2 nhóm khách thể nhìn chung là thống nhất, có đánh giá tích cực đối với 6 chiều cạnh nêu trên. Tuy vậy, QLPTXH ở 3 địa phương này cần chú ý đến chiều cạnh về giáo dục và đào tạo cùng với việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn hậu COVID-19 và nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh dịch lạ, nguy hiểm như đậu mùa khỉ, virus Nipad, v.v cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực số, cải thiện chất lượng dân số phục vụ quá trình phát triển bền vững vùng, địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số ở đây diễn ra mạnh, điển hình. Từ đây, một số hàm ý chính sách và các kiến nghị cụ thể đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và địa phương đã được nhóm nghiên cứu đề xuất nhằm góp phần thực hiện tốt các nhóm mục tiêu ở lĩnh vực xã hội được nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
PGS. TS. Võ Thị Mai, TS.Trần Văn Huấn, TS. Bùi Nghĩa/Học viện Chính trị khu vực II
Tài liệu tham khảo
- Minh Anh (2022), Đại dich COVID-19 làm cho việc thoát nghèo khó khăn hơn, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dai-dich-covid-19-lam-cho-viec-thoat-ngheo-kho-khan-hon-618072.html, truy cập ngày 30/4/2022.
- Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang, Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H. 2020.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê & UNDP tại Việt Nam, Thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam: Báo cáo nghèo đa chiều Việt Nam, H. 2020.
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Báo cáo Vietnam ICT Index, https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/143252/Bao-cao-Vietnam-ICT-Index.html, truy cập ngày 30/4/2022.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H. 2021.
- N. H. Hoang, and T. V. Huan, Digital Society and Society 5.0: Urgent Issues for Digital Social Transformation in Vietnam, Masyarakat, Kebudayaan Dan Politik, 35(1), 2022, tr. 78-92. doi: http://dx.doi.org/10.20473/mkp.V35I12022.78-92.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Xã hội học trong lãnh đạo, quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, H. 2021.
- Hội đồng Lý luận Trung ương, Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2016.
- Trần Văn Huấn & Nguyễn Hữu Hoàng, Quản lý phát triển xã hội trong điều kiện chuyển đổi số quan nghên cứu xã hội học tạu vùng Đông Nam Bộ, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 2023.
- Nguyễn Xuân Nghĩa, Phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu xã hội, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H. 2019.
- Phạm Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh, Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Nxb. Đại học quốc gia, H. 2015.
- Minh Thiện (2021), Phát triển công nghệ số để thúc đẩy bình đẳng giới, https://ictvietnam.vn/phat-trien-cong-nghe-so-de-thuc-day-binh-dang-gioi 20211028080739751.htm, truy cập ngày 30/4/2022.
- Yamane, T., Statistics: An Introductory Analysis (2nd ed.), Harper and Row, NY. 1967.