Giải trí là nhu cầu thiết yếu của con người, đặc biệt trước sự phát triển của khoa học và công nghệ con người có thể khai thác thông tin giải trí ở mọi lúc, mọi nơi thông qua các công cụ và bằng các hình thức khác nhau. Khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng đã trở thành xu thế và giúp con người giải trí kịp thời, mang đến nhiều thuận lợi. Tuy nhiên không quản lý tốt việc khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng sẽ làm tăng các nguy cơ cho con người, nhất là giới trẻ. Điều đó đặt ra cho các gia đình ở Việt Nam cần làm tốt công tác quản lý thông tin giải trí trên không gian mạng để kịp thời giáo dục các thành viên trong gia đình.
Thông tin giải trí là một khái niệm quen thuộc và quan trọng trong đời sống con người. Thông tin giải trí bao gồm các thông tin mà con người khai thác nhằm giải tỏa căng thẳng (stress), thư giãn và tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Thông tin giải trí bao gồm nhiều hình thức khác nhau như phim, ảnh, sách, nhạc, chơi game… được lưu trữ trên các phương tiện khác nhau. Đặc biệt, các thông tin giải trí đều có thể lưu trữ trên không gian mạng rất đa dạng và phong phú. Cùng với việc bùng nổ của của khoa học thông tin là sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat, Tiktok… đang tác động rất lớn đến cuộc sống con người. Mỗi người có thể có sở thích giải trí riêng, tùy thuộc vào cá nhân và sự đa dạng của các hoạt động giải trí mà khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng theo nhu cầu.
Tầm quan trọng của thông tin giải trí trong cuộc sống không thể phủ nhận. Nó giúp con người giải tỏa căng thẳng (stress), giảm và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Khi khai thác thông tin giải trí, con người có thể tìm thấy niềm vui, sự hài lòng và sự thoải mái. Điều này giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng và trí tuệ. Chơi game, đọc sách hay thưởng thức các hoạt động nghệ thuật trên không gian mạng có thể giúp con người rèn luyện trí tuệ, khả năng tư duy sáng tạo và kỹ năng xã hội. Nó cũng giúp con người khám phá thế giới, mở rộng tầm nhìn và nâng cao kiến thức.
Ngày nay các gia đình đều sử dụng các thiết bị thông minh có thể kết nối mạng Internet để sử dụng các mạng xã hội. Chính vì vậy, mà các thành viên trong gia đình có thể khai thác thông tin giải trí rất thuận lợi, phục vụ theo nhu cầu của từng cá nhân. Các thành viên có thể khai thác thông tin giải trí nhanh, tranh thủ khai thác thông tin giải trí bất kể lúc nào. Chính sự tiện ích này đã làm cho các thành viên trong gia đình ít chia sẻ và trao đổi trực tiếp với nhau nên ngày nay các thành viên trong gia đình đang có xu hướng ngày càng “xa nhau” hơn. Mặt khác các thành viên trong gia đình khi khai thác thông tin giải trí có xu hướng “nghiện” giải trí trên các thiết bị thông minh, danh nhiều thời gian bên các thiết bị thông minh để giải trí đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập và công việc. Đặc biệt một số thành viên gia đình quá lạm dụng giải trí trên các thiết bị thông minh nên ít vận động, không tham gia các hoạt động thể dục và cộng đồng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và hạnh phúc của gia đình.
Để quản lý tốt khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng các gia đình ở Việt Nam cần thực hiện tốt một số nội dung như sau.
Một là, gia đình quản lý thời lượng sử dụng các thiết bị thông tin của con trẻ trong gia đình.
Các gia đình không nên ngăn cấm con sử dụng các thiết bị thông minh để khai thác thông tin giải trí mà nên có kế hoạch quản lý thời lượng sử dụng các thiết bị thông minh để khai thác thông tin giải trí của các thành viên trong gia đình. Dù các bậc phụ huynh luôn lo lắng, không an tâm khi các con dùng thiết bị thông minh để giải trí nhưng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, việc ngăn cản trẻ tiếp cận với thiết bị thông minh để giải trí là điều không thể. Nếu bị hạn chế tiếp xúc với thiết bị thông minh để giải trí và sử dụng các mạng xã hội, trẻ sẽ thiệt thòi vì thiếu kiến thức, nhất là trong môi trường công việc, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống số đầy cạnh tranh. Hơn nữa, nếu các em không được trang bị tốt thì cảm xúc của các em sẽ không được phát triển lành mạnh. Trẻ rất dễ bị cuốn theo các trào lưu xấu ở trên mạng, nếu các em không có bản lĩnh.
Thay vì cấm sử dụng thiết bị thông minh để giải trí, các gia đình hãy coi những hành vi trực tuyến của trẻ khi sử dụng các thiết bị thông minh để khai thác thông tin giải trí là trách nhiệm của mình, các bậc cha mẹ hãy quản lý thời lượng khai thác thông tin giải trí bằng cách dạy con tự chịu trách nhiệm với những hành động của con, dù đó là môi trường thực hay môi trường mạng. Trước khi trẻ muốn khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng, cha mẹ nên trao đổi để con biết khai thác thông tin giải trí trong bao lâu. Những câu hỏi có thể là: Nội dung này có thể bị hiểu nhầm hay mang nội dung xúc phạm người khác không? Liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây hại đến trẻ không? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu con chia sẻ nội dung này là gì?
Hai là, gia đình định hướng cho con trẻ trong gia đình khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng.
Khi các thành viên trong gia đình muốn tìm hiểu xem khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng, sử dụng một nền tảng mạng xã hội mới hoặc một công nghệ mới thì các thành viên trong gia đình có thể trao đổi với nhau và hướng dẫn cho nhau. Trẻ có thể sẽ hứng thú với việc được hướng dẫn của cha mẹ ở một lĩnh vực mới, đặc biệt là công nghệ. Nếu trẻ đã quen sử dụng những công nghệ này, đây sẽ là cơ hội để cha mẹ bắt đầu những cuộc đối thoại để định hướng với con về lợi ích và tác hại khi khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng.
Cha mẹ hãy định hướng và dạy con không được coi khai thác thông tin là rủi ro, nguy cơ nhưng cũng không được lạm dụng khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng. Thay vì chỉ đạo, ngăn cản, cấm đoán cha mẹ hãy khuyến khích con hướng đến những lợi ích và tận dụng được ưu điểm khi khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng và hạn chế tối đa những tác hại tiêu cực khi khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng đó là cách thay đổi tư duy về giáo dục con trong vấn đề này.
Phụ huynh cần thay đổi, đó là việc người lớn phải kiểm soát bản thân mình để định hướng và làm gương cho con trẻ. Bởi thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng sử dụng thiết bị thông minh để khai thác thông tin giải trí trong nhiều giờ, không dành nhiều thời gian để nói chuyện và định hướng với con. Chính bản thân cha mẹ cũng khai thác thông tin giải trí chưa phù hợp như dành quá nhiều thời gian, chế giễu người khác, bình luận chê bai hay có những nhận xét tiêu cực. Cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ trong gia đình. Người lớn chưa hiểu đúng, hiểu rõ thì không định hướng được cho trẻ. Cha mẹ phải định hướng khai thác thông tin giải trí cho con trẻ để hướng đến giáo dục con theo chuẩn giá trị đạo đức trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Cha mẹ phải có quan tâm đúng mức tới cảm xúc của con để giúp chúng khai thác thông tin giải trí và cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương của gia đình từ đó có thái độ sống tích cực, vui tươi.
Ba là, gia đình kiểm tra nội dung con trẻ trong gia đình khai thác thông tin giải trí.
Ngay nay các gia đình Việt Nam có nhiều trẻ em được truy cập vào các thiết minh thông minh, nhất là điện thoại hoặc máy tính bảng. Chính vì thế, cha mẹ nên chia sẻ với con về công nghệ từ sớm vào những thời điểm quan trọng như lần đầu con sử dụng mạng Internet, lần đầu sử dụng điện thoại di dộng hay mạng xã hội. Thời điểm phù hợp để đặt ra các quy tắc cơ bản kiểm tra nội dung khai thác thông tin giải trí có thể là khi con bạn được sử dụng thiết bị thông minh lần đầu tiên hay khi trẻ đủ lớn để làm chủ sử dụng thiết bị thông minh và các nền tảng mạng xã hội khác để giải trí. Khi kiểm tra và đề ra những quy định cho con mình, chính các bậc cha mẹ cũng phải trở thành hình mẫu tốt của con trẻ. Con trẻ trong gia đình sẽ nhìn những gì cha mẹ làm để học theo. Nếu cha mẹ đưa ra những giới hạn về nội dung khai thác thông tin giải trí, cha mẹ cũng phải thực hiện những quy định đó.
Để bảo vệ con trẻ khi khai thác thông tin giải trí trên không gian mạng, chính các bậc cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và hướng dẫn con những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân nhất là khi sử dụng mạng xã hội. Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến của cả cha mẹ và con là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân và kịp thời kiểm tra con trẻ khai thác thông tin giải trí. Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng: khai thác thông tin giải trí là biểu hiện trạng thái tâm lý của con. Đừng nên giải trí bằng những thông tin bạo lực, thông tin có hại…. Những khi con trẻ gặp vấn đề, con nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết không nên giảm căng thẳng bằng cách khai thác thông tin giải trí mang tính bạo lực.
Thông tin giải trí là một khái niệm quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống con người. Khai thác thông tin giải trí mang lại niềm vui, sự thư giãn và tạo ra cân bằng trong cuộc sống. Đồng thời, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng và trí tuệ của con người. Vì vậy, các gia đình ở Việt Nam hiện nay cần quan tâm và quản lý tốt các thành viên trong gia đình khai thác thông tin giải trí để phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực. Quá trình này chính là hành động thiết thực góp phần xây dựng các gia đình ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Thúy Lành
Tài liệu ham khảo
Vũ Hoàng Anh (2019), Hướng dẫn quản trị mạng và khai thác thông tin trên internet, Nhà xuất bản Tài Chính, Hà Nội.
Nguyễn Thị Lan Anh (2021) “Một số nội dung cần lưu ý khi khai thác và sử dụng thông tin trên mạng” Tạp chí Quản lý Nhà nước, bản điện tử số 10 tháng 9 năm 2021, Hà Nội.
Nguyễn Văn Chung và Vũ Trường Giang (2012), “Định hướng kịp thời cho học sinh, sinh viên khi tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện nay”, Tạp chí Thanh niên, số 4, tr.8-11, Hà Nội.
Bùi Vũ Bảo Khuyên, Mai Mỹ Hạnh, Nguyễn Tấn Công (2019), “Giáo dục đại học với công tác đào tạo năng lực thông tin cho sinh viên hiện nay”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 4, tr. 32-36,62, Hà Nội.
Trương Đại Lượng (2021), Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên đại học ở Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.