Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quan tâm, chăm lo, đồng hành, bảo đảm quyền lợi của người lao động

ĐNA -

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ngày 12/6/2022 tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức có sự tham dự của 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Trước khi buổi đối thoại diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm nơi ở và tặng quà gia đình công nhân Sùng Mí Ná, sinh năm 2002, quê Hà Giang, đang làm việc tại Công ty TNHH in bao bì Sunny Việt Nam (vợ chồng anh có con nhỏ 7 tháng tuổi, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, đang ở trọ tại thôn An Định, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng) và thăm khu nhà trọ, khu lưu trú cho công nhân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên người lao động tại buổi đối thoại

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động vượt qua khó khăn

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có công nhân. Trong 2 năm qua, do tình hình COVID-19, dù không có nhiều điều kiện để tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động.

“Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những khó khăn mà anh chị em công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do đại dịch đồng thời khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống.

Thủ tướng thông báo ngay sáng hôm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Năm 2023: Trình Quốc hội sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lắng nghe phản ánh của công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) nêu thực trạng luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi. Công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần dù biết khi về già không có lương hưu do quá khó khăn quá và thời gian đóng dài, Thủ tướng cho biết, quá trình xây dựng luật Bảo hiểm xã hội có những vấn đề chưa sát thực tế, nhưng mọi chính sách không thể nào bao hết được mọi khía cạnh của cuộc sống. Với nguyên tắc căn cứ vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm khách quan, vừa qua một số vấn đề chưa sát thực tế được Tổng liên đoàn tập hợp, Chính phủ tiếp thu ý kiến công nhân, tổ chức công đoàn. Từ đó, Chính phủ đã trình Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Người lao động tại điểm cầu Bắc Ninh đặt câu hỏi tới Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành

Đề cập đến biện pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện, Việt Nam có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ khoảng hơn 20 triệu lao động có hợp đồng trong đó, 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ như vậy là thấp.

Gần đây xuất hiện tình trạng người dân đi rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài đối với người lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc đầu tiên là nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động. Chính phủ đã giao Bộ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Theo nội dung dự thảo sẽ rút dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận được. Chủ trương là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Ngoài ra, các nhóm chính sách về bảo hiểm sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, theo hướng có lợi cho người lao động; bổ sung nguyên tắc chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm dài với ngắn, đóng ít với nhiều; có cơ chế chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đối sổ bảo hiểm xã hội.

Chủ động giải quyết các chính sách cho công nhân

Giải đáp câu hỏi của công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO Việt Nam, TP Hà Nội), Nguyễn Đình Biên (Nghệ An) về việc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm COVID-19; chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động… Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để hỗ trợ người lao động khó khăn trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 68, 116, 08, chỉ trong mấy tháng, các cơ quan đã thực hiện chính sách cho hơn 55 triệu người với hơn 80.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước tình trạng “có chỗ, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để các chính sách này”, Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động thực hiện. Các cơ quan tập trung chỉ đạo triển khai Quyết định số 08 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022. Những vướng mắc cần kịp thời báo cáo để tháo gỡ, giảm bớt thủ tục cho người lao động trong một số trường hợp đặc biệt.

Làm rõ câu hỏi về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 122 dự án, với 2,7 triệu m2, đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước.

Tham dự cuộc đối thoại có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố

Để khắc phục, Thủ tướng đã giao cho Bộ hoàn thiện thể chế, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở công nhân, khu công nghiệp phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh tùy tình hình thực tế bố trí các quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, miễn giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án đầu tư nhà ở xã hội cũng được địa phương hỗ trợ một phần hạ tầng kỹ thuật, xã hội; cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn đối tượng được hưởng ưu đãi tham gia nhà ở xã hội; hỗ trợ vay vốn cho chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội…

Hỗ trợ tín dụng để công nhân không sa vào tín dụng đen

Là cán bộ công đoàn bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen, chị Trần Thị Toan (Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, tỉnh Bình Phước) cho biết, thực tế rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Chị Toan đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho quỹ CEP – mô hình của công đoàn hỗ trợ tín dụng hiệu quả, thuận tiện cho công nhân nhưng nguồn lực hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, có những câu chuyện đau lòng từ tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm để người dân không tiếp cận tín dụng đen, vay được nguồn vốn chính thức. Ngân hàng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày còn nhu cầu tín dụng nhưng phục vụ nhu cầu bất chính như lô, đề, cơ bạc thì cơ quan chức năng sẽ dẹp bỏ cả cầu và cung.

Hiện có hai công ty tài chính là FECREDIT của ngân hàng VP bank và HD SAISON của HD Bank, mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng, với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty đang cho vay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân ở khu công nghiệp, nhà máy, đảm bảo đúng đối tượng.

Bổ sung thêm, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, cho biết tội phạm tín dụng đen hoạt động tinh vi, núp bóng, cho vay không thế chấp, có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp qua app… Qua đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện có nơi lãi suất 90-100%, thậm chí 700-1.000%. Chúng đe dọa, khủng bố tinh thần, khi người vay quá hạn trả nợ.

Bộ Công an đã xử lý hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, trong đó nhiều bị hại là công nhân. Để phòng ngừa ngăn chặn hiện quả, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 12, tổ chức phòng ngừa, tuyên truyền, thông tin phương thức, thủ đoạn… nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính, phát hiện tội phạm vi phạm để xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, đồng thời rà soát các ngành nghề kinh doanh, các đối tượng lợi dụng núp bóng để triệt phá, mở đợt cao điểm tấn công tội phạm liên quan tín dụng đen.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn ngân hàng đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả, phòng chống tín dụng đen. Bộ Công an phải nắm chắc, xử lý nhanh đối tượng vi phạm, ngăn chặn hậu quả xấu tác động đến nền kinh tế và người lao động.

Sau gần 3 giờ đối thoại, phát biểu kết thúc chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay là tròn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đối thoại là hành động cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết.

Thủ tướng trao quà cho công nhân có hoàn cảnh lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng cảm ơn công đoàn, địa phương tổ chức đối thoại, tiếp nối công việc mà cả hệ thống đã và đang làm cũng như đánh giá cao 10 vấn đề được nêu, các ý kiến “rất đúng, rất trúng, cần giải quyết ngay” của công nhân lao động.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động, rà soát chính sách, bổ sung sửa đổi cho hoàn thiện; chú ý tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân lao động. Các bộ ngành, điều gì làm tốt thì tiếp tục phát huy, chưa đạt được cần thẳng thắn tiếp thu, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của công nhân về việc làm, thu nhập, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.

Thủ tướng mong công nhân tiếp tục phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam cùng cả nước vượt qua thách thức, đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.

Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng 25 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (mỗi suất 3 triệu đồng) và thực hiện nghi thức ra mắt chương trình “Giờ thứ 9+” – chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất, giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; tạo sân chơi cho công nhân thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động cả nước, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm và dành tình cảm đặc biệt đối với tổ chức Công đoàn và công nhân lao động; tham gia gặp gỡ, đối thoại với công nhân cũng như hỗ trợ, có những đóng góp, trao đổi, chia sẻ, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn Việt Nam.

“Công nhân lao động cả nước và tổ chức công đoàn Việt Nam bày tỏ niềm tin tuyệt đối về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tích cực thi đua, hăng say lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tích cực phối hợp, đôn đốc các bộ ngành, địa phương trong việc giải quyết kiến nghị, đề xuất của người lao động”, Chủ tịch bày tỏ.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu , để chuẩn bị cho chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân, ngày 16/5, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động thông qua tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử và mạng xã hội của Công đoàn; chỉ đạo các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn tuyên truyền, vận động và tập hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, công nhân lao động cả nước. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề, thuộc 10 nhóm vấn đề lớn gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

PV – nguồn ĐCSVN