Năm 2024, theo nhận định của cơ quan khí tượng thuỷ văn thì tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ rất phức tạp. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nhiều phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2023, địa phương đã chịu ảnh hưởng của 1 áp thấp nhiệt đới, 1 cơn bão. Hậu quả khiến 22 nhà bị hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn; hơn 1.500 ha lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm bị hư hỏng; làm gia tăng mức độ sạt lở bờ sông, sạt lở núi ảnh hưởng đến an toàn các khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 104 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi được quan tâm, chỉ đạo. Tỉnh hiện có 127 hồ chứa thuỷ lợi với tổng dung tích trữ thiết kế là gần 400 triệu m3, trong đó có 21 hồ bị hư hỏng, xuống cấp. Các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa đặc biệt chú trọng công tác tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình thuỷ lợi, đê điều. Trên cơ sở đó, đánh giá và báo cáo tình hình đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi trước mùa mưa lũ. Kịp thời tổ chức lập, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai cho công trình theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ lưu.
Theo ước tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi có hơn 4.200 tàu cá, trong đó có hơn 1.500 tàu thường xuyên hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và khoảng 1.600 tàu hoạt động ở vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Kiên Giang. Hiện nay, đã có hơn 3.100 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh đã có biện pháp ứng phó, nhất là trong các tình huống mưa bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông phải kịp thời thông báo cho các tàu thuyền di chuyển tránh trú an toàn. Thường xuyên kiểm tra tình hình neo đậu tránh trú bão các tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã ký Công văn số 3754/UBND-KTN chỉ đạo về tiếp tục tập trung triển khai thực hiện “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi theo chức năng, nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ tại Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp theo yêu cầu. Kiểm tra, phát hiện, kịp thời ngăn chặn xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm (nếu có) về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Quản lý nghiêm việc sử dụng và phát triển rừng ngập mặn gắn với ổn định sinh kế của người dân; kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả các hoạt động sinh kế làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Kiểm tra, rà soát, phân loại các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Trên cơ sở đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện. Lưu ý các nội dung: cắm biển cảnh báo sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở, nhất là những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân… Rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, làm cơ sở đề xuất, bổ sung vào Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 03/11/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào sáng 1/8/2024, đồng chí Trần Phước Hiền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của toàn thể cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác phòng chống, khắc phục thiên tai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023. Qua đó đã khắc phục, giảm thiểu được những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đảm bảo các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Năm 2024, theo dự báo, tình hình diễn biến thiên tai sẽ rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Hành động sớm – chủ động trước thiên tai”. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác phối hợp, tập huấn cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu n ạn ở tuyến cơ sở, trang bị các phương tiện đảm bảo yêu cầu. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến bằng nhiều hình thức, đảm bảo thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, khẩn trương xử lý những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nguyễn Sơn