Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Trị: Khúc tráng ca 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

ĐNA -

Ngày 12/7/2022, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 – 2022) và 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022).Dự buổi gặp mặt có các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng hàng nghìn hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong cả nước – những người từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đọc diễn văn tại buổi gặp mặt.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 nhấn mạnh, trong 81 ngày đêm từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải “gánh” 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một Đại đội vượt sông Thạch Hãn để tiếp viện quân số nhưng đêm nay một Đại đội vào, ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường. Không kể bộ binh hay công binh, thông tin, quân y đều cầm súng bắn trả địch. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ, mạnh mẽ của quân và dân ta.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến tranh cùng với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, góp phần tạo tiền đề để quân, dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, 50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy luôn khắc ghi trong lòng mỗi người dân Quảng Trị như một biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Các cựu chiến binh – Hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tham dự buổi gặp mặt.

Sau 50 năm, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi thay. Những cánh đồng điện gió, nhà máy, khu công nghiệp, cảng biển đang dần hình thành để hiện thực hóa quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để phát triển, đưa Quảng Trị thoát nghèo, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khá vào năm 2025. Phát triển, đổi mới cũng là hành động thiết thực tri ân các Anh hùng Liệt sỹ và cũng để chăm sóc phần mộ các anh, chăm gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách ngày một chu đáo hơn.

Dịp này, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã trao tặng quà, sổ tiết kiệm cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng 10 nhà “ấm tình đồng đội” với tổng trị giá 500 triệu đồng cho thị xã Quảng Trị.

Nguồn TTXVN