Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Trị: Kỷ niệm trọng thể 50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam

ĐNA -

Chiều 26/9/2023, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm ngày lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị (1973 – 2023).

Quảng Trị: Kỷ niệm trọng thể 50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân và Hội đồng Nhà nước Cuba, Trưởng Đoàn cấp cao Đảng, Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernandez; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các thành viên Đoàn cấp cao 2 nước; lão thành cách mạng, cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nhân chứng lịch sử.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ôn lại chuyến thăm lịch sử của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 9/1973.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ôn lại chuyến thăm lịch sử của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 9/1973.

Cách đây 50 năm, chỉ 8 tháng sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Chủ tịch Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cuba đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị vừa được giải phóng, còn nồng nặc mùi thuốc súng và đạn bom, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam còn gian khổ và đang đi vào giai đoạn quyết định.

Trưa ngày 12/9/1973, Chủ tịch Phidel và Đoàn đại biểu Cuba đã đến Hà Nội và bắt đầu chuyến thăm lịch sử với sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội. Trong các ngày 12-13/9, Chủ tịch Phidel đã hội đàm với các lãnh đạo nhà nước Việt Nam: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp – các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam và bày tỏ mong muốn cháy bỏng được trực tiếp đến vùng Giải phóng miền Nam để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ. Thời điểm này, đây là một quyết định rất khó khăn, song hiểu được nguyện vọng và tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Phidel, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực để tổ chức, bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn đặc biệt cho chuyến thăm này.

Chủ tịch Phidel rất xúc động khi đặt chân lên mảnh đất kiên cường, đầy khói lửa, hỏi thăm chiến sĩ giải phóng quân và dân Quảng Trị anh hùng

Sáng 14/9/1973, Chủ tịch Phidel, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn đại biểu Cuba đã đến Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, mở đầu cho chuyến thăm lịch sử của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam sau Hiệp định Paris. Đoàn đã vượt qua sông Nhật Lệ – điểm “huyết mạch” giao thông đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 1A, là chảo lửa hứng chịu nhiều trận ném bom, đánh phá tàn khốc để ngăn chặn tiếp viện cho tiền tuyến miền Nam; đến thăm lũy thép Vĩnh Linh với tình cảm ấm áp, nồng hậu trong những căn nhà lá đơn sơ vừa được dựng lại sau chiến tranh, gặp gỡ những anh hùng của vùng đất thép, đây là sự chia sẻ sâu sắc của đồng chí với tinh thần quả cảm, sự hy sinh to lớn của quân và dân Quảng Trị.

Ngày 15/9/1973, rời Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, Đoàn đến vùng đất giải phóng Quảng Trị. Chủ tịch Phidel rất xúc động khi đặt chân lên mảnh đất kiên cường, đầy khói lửa này, bất chấp hiểm nguy, Chủ tịch đã xuống xe đi bộ, hỏi thăm đồng bào, chiến sĩ giải phóng quân và dân Quảng Trị anh hùng, tận mắt chứng kiến dấu tích chiến tranh còn ngổn ngang và sức sống mới đang nảy mầm vươn lên.

Dưới chân Fidel Castro là nòng pháo “vua chiến trường” của Mỹ trên cao điểm 241 Quảng Trị. Ảnh: Hồ Sĩ Sô

Tại cao điểm 241 – trước đây là cứ điểm mạnh nhất của địch với uy lực về vũ khí gần như tuyệt đối, Chủ tịch Phidel đã dự cuộc mit-tinh trọng thể với nhân dân 5 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hải Đăng, Triệu Phong, Hướng Hóa cùng các đơn vị tiêu biểu của lực lượng vũ trang. Tại đây, Chủ tịch Fidel đã đọc diễn văn ngắn gọn nhưng đanh thép:

“Thưa các đồng chí và các bạn thân mến!
Hôm nay, chúng ta tụ họp lại đây trong lòng lãnh thổ giải phóng miền Nam Việt Nam, tại một nơi mà trước đây có một căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ tưởng chừng bất khả xâm phạm nhưng đã bị đè bẹp. Đoàn chúng tôi đã từ sông Bến Hải đến đây một cách yên bình theo đường số 1, qua Đông Hà, rồi Đường 9 nổi tiếng, và bây giờ chúng tôi đang đứng trên ngọn đồi 241 lịch sử mà các bạn đã đánh chiếm bằng chủ nghĩa anh hùng và lòng quả cảm của mình.…

Và thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam Việt Nam, hòa bình thống nhất đất nước sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhân dân Việt Nam anh hùng muôn năm!

Tình hữu nghị Cuba – Việt Nam muôn năm!”.

Hình ảnh Chủ tịch Phidel hai tay đã phất cao lá cờ của Quân Giải phóng miền Nam với câu nói “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm giữa Sài Gòn” mãi mãi đi vào lịch sử, khắc sâu trong lòng Nhân dân Việt Nam, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình đoàn kết Việt Nam – Cuba trong sáng, của phong trào quốc tế đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Niềm tin đó đã thành hiện thực, chưa đầy 2 năm sau đó, vào lúc 11h30′ ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bách chiến, bách thắng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, hai miền Nam Bắc được hoàn toàn thống nhất.

Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên Huế, tháng 9/1973 – Ảnh: TTXVN

Trong hành trình của mình, Chủ tịch Phidel còn đến thăm căn cứ quân sự Dốc Miếu – cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến Mac Namara, thăm Tiểu đoàn 8 đơn vị anh hùng; đi dọc Quốc lộ 9 – vị trí chiến lược cắt ngang Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh, nơi chịu nhiều hy sinh gian khổ, đã chiến đấu kiên cường, thắng lợi vẻ vang của quân và dân miền Nam; thăm trụ sở và gặp mặt các đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ.

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Cuba và các nước bạn bè truyền thống và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ, chia sẻ các nguyên tắc và giá trị chung với Cuba và các nước trên thế giới để cùng phát triển, góp phần cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam sẽ luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Chủ tịch Fidel Castro đứng trên chiếc xe tăng Mỹ bị quân giải phóng thu giữ tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh: Granma.

Với tinh thần “Đoàn kết với Cuba là mệnh lệnh trong trái tim mỗi người Việt Nam”, Việt Nam – Cuba tiếp tục cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị mật thiết, hợp tác sâu rộng trên tất cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nhân dân; duy trì, phát triển các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng… Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba, là đối tác đầu tiên tại châu Á ký Hiệp định thương mại cấp Chính phủ với Cuba.

Thường trực Ban Bí thư khẳng định, lịch sử đã cho thấy, bất chấp những biến động phức tạp của tình hình thế giới, mối quan hệ Việt Nam – Cuba luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách, không ngừng phát triển vì sự nghiệp chính nghĩa của hai dân tộc, hai đất nước. Việt Nam luôn trân trọng và dành tình cảm đặc biệt với Cuba – người đồng chí cùng chung chiến hào, người anh em thân thiết, người bạn thủy chung, tin cậy. Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và mẫu mực giữa hai Đảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro đặt nền móng là tài sản vô giá, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, nuôi dưỡng, truyền lại cho thế hệ sau.

Quang cảnh buổi lễ

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Phidel và Đoàn đại biểu Cuba đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử quan hệ hai nước, vượt qua thông lệ ngoại giao, là sự cổ vũ to lớn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới; thể hiện niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng và là nguồn động viên mãnh liệt cho Cách mạng Việt Nam, là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, cao đẹp của Cuba và Việt Nam. Năm thập kỷ đã đi qua, nhưng mãi mãi đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” của Chủ tịch Phidel.

“Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ gìn, vun đắp mối quan hệ thủy chung, trước sau không chỉ là giá trị văn hóa mà còn là trách nhiệm của đất nước và Nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm chuyến thăm lịch sử của Phidel là dịp để chúng ta khẳng định, tự hào, tôn vinh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Cuba, mối quan hệ vượt qua các giới hạn thông thường, được tôi luyện, thử thách qua thăng trầm lịch sử, qua những thời khắc khó khăn nhất của mỗi nước.

Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng nhân dân Cuba, đất nước Cuba sẽ kế tục xứng đáng tư tưởng và di huấn của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trên con đường đã lựa chọn”, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân và Hội đồng Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernandez phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân và Hội đồng Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernandez khẳng định, khi nói đến mối quan hệ anh em mẫu mực giữa Cuba và Việt Nam, một hình ảnh khiến cho điều đó trở thành bất tử khi Chủ tịch Fidel Castro vui mừng phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cao điểm 241 huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nơi chỉ cách quân địch chỉ vài km. Và câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” là biểu tượng đích thực của mối quan hệ chặt chẽ, đoàn kết của chúng ta.

Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã có gần 100 bài diễn văn đề cập đến Việt Nam, có 3 chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Trong đó, chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro đến Quảng Trị cách đây vừa tròn 50 năm đã trở thành sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc.

Bày tỏ sự xúc động khi được thăm những nơi mà lãnh tụ Fidel Castro đã từng đến thăm, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cộng hòa Cuba nhấn mạnh: Cách đây 50 năm, lãnh tụ Fidel Castro đã vui mừng được ôm các chiến sĩ anh hùng, những người đã chiến đấu bằng máu và lửa, những người luôn chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Tại đây, ông nhắc lại với họ sự ủng hộ kiên định nhất, sự ngưỡng mộ và tình cảm của nhân dân Cuba.

Thăm di tích Sông bến Hải

Đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Cuba Fidel Castro

Hơn nữa thế kỷ qua, hai dân tộc Việt Nam – Cuba đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và ngày nay luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước; đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên toàn thế giới.

“Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn, không chỉ đối với tấm gương trước đây và bây giờ, mà còn là tình đoàn kết mà các đồng chí đã duy trì trong những thời điểm rất khó khăn đối với Cuba bị cấm vận kinh tế. Mối quan hệ của chúng ta là mẫu mực và trở thành một biểu tượng của thời đại, như Fidel đã bày tỏ. Chúng ta sẽ gìn giữ cho các thế hệ hiện tại và tương lai những truyền thống đoàn kết và tình anh em”, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân và Hội đồng Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernandez cho hay.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng ôn lại sự kiện lịch sử về chuyến thăm của đồng chí Fidel Castro đến Quảng Trị

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng ôn lại sự kiện lịch sử về chuyến thăm của đồng chí Fidel Castro đến Quảng Trị vào 50 năm trước, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập với mong muốn được tận mắt chứng kiến, chia sẻ cùng cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam. Trong những thời khắc lịch sử đó, lãnh tụ Cuba đã đến thăm nhiều nơi vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị khi vùng đất này vẫn còn vương mùi thuốc súng và đầy rẫy đạn bom. Nhiều nơi lãnh tụ Fidel Castro đến thăm chỉ cách bờ Nam sông Thạch Hãn hơn 10 km, địa điểm lúc bấy giờ địch còn tạm chiếm đóng và luôn chĩa nòng pháo về phía Bắc sông Thạch Hãn.

Lãnh tụ Fidel Castro đã đi bộ từ cầu Đông Hà ngược lên phía Tây để thị sát những lô cốt, vũ khí của địch bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Tiếp đó, lãnh tụ Fidel Castro ngược lên Đường 9 đến thăm Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; thăm Dốc Miếu (huyện Gio Linh) là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ có phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật

 

Ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng khép lại lễ kỷ niệm”. Ảnh: TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến Quảng Trị vào 50 năm trước là sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho quân và dân Quảng Trị cùng cả nước trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam, nhân dân Quảng Trị mãi mãi ghi nhớ tình cảm sâu đậm và sự giúp đỡ vô giá mà nhân dân Cuba, lãnh tụ Fidel Castro đã giành cho đất nước, quê hương mình. Cũng bởi đạo lý ấy mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam từ lâu đã coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim; đã dành cho đất nước anh em Cuba sự ủng hộ hết lòng, coi việc hỗ trợ Cuba là nghĩa vụ tự nhiên, xuất phát từ lương tâm và tình cảm quốc tế trong sáng, truyền thống hữu nghị và nhân văn của dân tộc.

Chương trình giao lưu các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp gặp gỡ lãnh tụ Fidel lịch sử 50 năm về trước

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã giao lưu với các vị khách mời nguyên là lãnh đạo, nhân chứng lịch sử như: ông Nguyễn Xuân Phong (nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ – Bộ Ngoại giao Việt Nam), người trực tiếp phiên dịch cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 1973; bà Hoàng Thị Chẩm (quê ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nữ du kích tại căn cứ Dốc Miếu năm 1973 vinh dự được bắt tay lãnh tụ Fidel Castro.

Trưng bày ảnh “Mãi sắt son nghĩa tình Việt Nam-Cuba”
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-2023), Đoàn đại biểu cấp cao hai nước Cuba và Việt Nam đến tham quan không gian trưng bày ảnh mang tên: “Mãi sắt son nghĩa tình Việt Nam-Cuba”.

Llãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez tham quan Trưng bày ảnh “MÃI SẮT SON NGHĨA TÌNH VIỆT NAM – CUBA”. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez bắt tay Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, bày tỏ sự ấn tượng với những bức ảnh tư liệu quý về quan hệ Việt Nam – Cuba được giới thiệu tại trưng bày ảnh “MÃI SẮT SON NGHĨA TÌNH VIỆT NAM – CUBA”. Ảnh: TTXVN

Ban tổ chức đã trưng bày bao gồm 50 bức ảnh tư liệu đen trắng và ảnh màu tiêu biểu, được chọn lựa từ kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam và Prensa Latina. 50 bức ảnh được trưng bày là những bức ảnh tiêu biểu, ghi lại chân thực, sống động hình ảnh vị lãnh tụ tài ba của dân tộc Cuba, biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người; một anh hùng giải phóng dân tộc nhưng rất đỗi mộc mạc, chân tình, gần gũi với nhân dân, một người bạn lớn có mối thân tình đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao giải Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam – Cuba thắm tình đoàn kết”. Cuộc thi do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị (1973 – 2023).

Chy Lê/tổng hợp