Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Trị – nơi tôn vinh giá trị của hòa bình



ĐNA -

Quảng Trị nằm ở trung độ của đất nước, nơi đây từng phải chứng kiến và chịu đựng bao nhiêu nổi đau chiến tranh, chia cắt của dân tộc trong nhiều thời kỳ lịch sử. Quảng Trị cũng là vùng đất anh hùng nơi tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi thắp lên hy vọng và niềm tin bất diệt về độc lập, thống nhất và tương lai tương sáng của Tổ quốc. Thông qua việc phân tích một số sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc gắn liền với vùng đất Quảng Trị, tác giả bài viết muốn khẳng định rằng, Quảng Trị chính là nơi thích hợp nhất để tôn vinh các giá trị của hòa bình.

Vùng đất Quảng Trị xưa là đất của bộ Việt Thường, được tích hợp và “trở về” với Đại Việt sau hai sự kiện lịch sử quan trọng: Năm 1069, phần phía bắc Quảng Trị (khoảng từ Đông Hà trở ra, thuộc châu Ma Linh của Champa, sau nhà Lý đổi thành châu Minh Linh) được trao cho Đại Việt sau cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt; và năm 1306, phần phía nam Quảng Trị (từ Đông Hà trở vào) cũng trở thành đất của người Việt như là một món quà sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Trần Huyền Trân và quốc vương Champa Chế Mân. Như vậy, ngay từ thuở ban đầu, vùng đất Quảng Trị đã được hình thành theo một cách rất đặc biệt: bằng cả thanh gươm và trái tim. Điều đó có lẽ đã góp phần định hình nên tính cách của vùng đất, con người Quảng Trị: Mạnh mẽ, quyết liệt, kiên cường nhưng cũng lãng mạn, tình cảm và nhân hậu.

Thuộc về Đại Việt từ đầu thế kỷ XIV, nhưng cho đến giữa thế kỷ XVI, Quảng Trị, lúc đó là đất châu Thuận, vẫn được xem là xứ “Ô châu ác địa”, và trong ghi chép của Dương Văn An (Ô châu cận lục) thì đây là vẫn một vùng đất khá hoang sơ, dân cư thưa thớt, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu.

Quảng Trị đã có một sự thay đổi đột phá sau khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa.
Do những điều kiện đặc biệt, Nguyễn Hoàng, từ địa vị là con trai của vị đệ nhất công thần triều Lê Trung Hưng (Nguyễn Kim), phải tìm cách đào thoát vào Thuận Hóa để giữ được tính mạng. Vậy nhưng, sau khi đến vùng đất mới, với tầm nhìn chiến lược của một vĩ nhân, Nguyễn Hoàng đã chọn bãi cát trắng ven sông Thạch Hãn để đóng đại bản doanh. Để rồi Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626) trở thành thủ phủ của Thuận Hóa và sau đó là Thuận Quảng- Đàng Trong trong gần 70 năm. Vùng đất này không chỉ biến thành nơi phồn hoa đô hội mà còn là đầu não của công cuộc phát triển, mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam, mở đầu cho một trào lưu Nam tiến mạnh mẽ chưa từng có trong thời các chúa Nguyễn, để sau đó khoảng 200 năm, nước ta mới có hình hài, lãnh thổ, lãnh hải đầy đủ, trọn vẹn như hiện tại. Chính vì vậy, Nguyễn Hoàng và vùng đất Quảng Trị chính là biểu tượng cho khát vọng sống, khát vọng Nam tiến của dân tộc trong thời kỳ ấy.

Xin dẫn ra đây một hành động vô cùng có ý nghĩa đối với vùng đất Quảng Trị, cũng là một hành động tiêu biểu vì hòa bình và đoàn kết dân tộc của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, người có 55 năm gắn bó với vùng đất này. Năm 1572, sau khi đánh bại cuộc tấn công của quân đội nhà Mạc do tướng Lập Bạo chỉ huy vào thủ phủ Trà Bát. Thay vì giết hại hàng ngàn tù binh bắt sống được, Nguyễn Hoàng đã tha bổng họ, cấp áo quần, lương ăn và đưa lên vùng Cồn Tiên để khai hoang, lập ra 36 phường. Cho đến nay, cư dân ở vùng này vẫn tôn vinh Nguyễn Hoàng như một vị thần và thờ ông làm Thành hoàng!

Sau Nguyễn Hoàng hơn 300 năm, cuối thế kỷ XIX, trước nguy cơ mất nước, mất nền độc lập tự chủ, phe chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là vị hoàng đế trẻ tuổi Hàm Nghi đã chọn sơn phòng Tân Sở (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) để xây dựng căn cứ địa chống quân đội Pháp xâm lược. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian 2 năm (1883-1885), Tân Sở vẫn được xem là “thủ đô kháng chiến” của quân và dân ta trong thời kỳ này. Lựa chọn một vùng đất ở miền núi phía tây Quảng Trị để xây dựng căn cứ chống quân xâm lược, Hoàng đế Hàm Nghi và các vị đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… có lẽ đã nghiên cứu rất kỹ những kinh nghiệm và bài học của tổ tiên mình- Tiên chúa Nguyễn Hoàng, để từ đó quyết tâm thoát khỏi định mệnh, giữ vững cơ nghiệp của dòng họ. Dẫu quyết tâm đó không thành những Tân Sở vẫn là một biểu tượng của ý chí bất khuất, khát vọng bảo vệ độc lập của dân tộc ta một thuở…

Sau Tân Sở hơn 80 năm, vùng đất Cam Lộ- Quảng Trị lại được chọn để đặt trụ sở của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Và dù chỉ tồn tại trong 2 năm (1973-1975), địa danh này vẫn mang đầy đủ ý nghĩa của một “thủ đô cách mạng” của miền Nam Việt Nam, nơi chứng kiến rất nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao quốc tế đặc sắc, là biểu tượng về khát vọng độc lập, thống nhất đất nước, xứng đáng được xếp vào một trong những di tích cách mạng độc đáo, tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.

Cầu Hiền Lương, một chứng tích lịch sử bi thương nhưng rất đỗi hào hùng

Quảng Trị còn có những địa danh lịch sử, nổi tiếng toàn thế giới trong thế kỷ XX:
Đó là cầu Hiền Lương- Sông Bến Hải với Vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền đất nước trong suốt 21 năm (1954-1975). Đây là nơi chứng kiến nổi đau thế kỷ của dân tộc, cũng là nơi thể hiện rõ nhất ý chí kiên cường bất khuất của người Việt Nam trước kẻ thù để giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Đó là địa đạo Vịnh Mốc, một “chiến khu trong lòng đất” vô cùng độc đáo, thể hiện sức sống bền bỉ, bất diệt và ý chí kiên cường vô song của người Việt Nam ở đầu chiến tuyến.

Địa đạo Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Đó là Hàng rào điện tử McNamara, là Cồn Tiên- Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, và đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị…những địa danh chứng kiến những cuộc giao tranh tận cùng của sự ác liệt và đối đầu, cũng là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị (từ tháng 7-9/1972) là một bản hùng ca bi tráng thấm đẫm máu và hoa của quân và dân Quảng Trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù nhằm bảo vệ các thành quả của cách mạng, bảo vệ lãnh thổ, tiến tới giành độc lập thống nhất hoàn toàn đất nước. Hàng vạn chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu này, máu thịt của họ đã hòa lẫn cùng đất đai gạch đá thành cổ và nước sông Thạch Hãn. Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị không chỉ là một di tích của thời Nguyễn mà còn là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng, một Đài tưởng niệm vô song, và cũng là một biểu tượng tiêu biểu về khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Bước qua chiến tranh, Quảng Trị có lẽ là địa phương có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất trong cả nước với 72 nghĩa trang, trong đó có 2/4 Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia (Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9), nơi yên nghỉ của gần 54.000 liệt sỹ. Vào tháng 7 hàng năm, hàng vạn đồng bào, chiến sỹ trong cả nước lại đến Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì khát vọng độc lập thống nhất của đất nước, dân tộc. Đó là chưa kể hàng vạn người dân đã âm thầm cống hiến, âm thầm hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước cũng rất đáng được ngưỡng mộ và vinh danh!

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Gio Linh, Quảng Trị.

Quảng Trị chính là nơi cả nước nợ ân tình!
Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến độc đáo, quy mô nhất cho những cuộc hành hương của đồng bào chiến sỹ trong cả nước, của du khách bốn phương.

Đến Quảng Trị để chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu nổi đau của dân tộc: nổi đau chiến tranh, nổi đau chia cắt, những nổi đau không thể bù đắp bằng bất cứ giá nào!

Đến Quảng Trị để cảm nhận đầy đủ khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do, khát vọng thống nhất của một dân tộc luôn sống trong thử thách và có lịch sử hang ngàn năm phải đương đầu với chiến tranh với những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất.

Thành Cổ Quảng Trị và Tượng đài Trung đội Anh hùng Mai Quốc Ca phía Bắc cầu Thạch Hãn.

Đến Quảng Trị để hiểu hết giá trị của hòa bình! Và như vậy, Quảng Trị chính là địa phương phù hợp nhất trong cả nước để tôn vinh các giá trị của hòa bình.
Đề án tổ chức Festival “Vì Hòa bình” của UBND tỉnh Quảng Trị là Đề án có ý tưởng hay, nếu trở thành hiện thực, sẽ cùng thành phố Hà Nội – Thành phố vì hòa bình (được UNESCO công nhận năm 1999, đại diện khu vực Châu Á), góp phần khẳng định quyết tâm của Việt Nam: Một quốc gia đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều đau thương, mất mát, cũng chính là quốc gia hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và quyết tâm hành động vì hòa bình, bảo vệ hòa bình. Hiện nay trên thế giới hàng ngày vẫn diễn ra các cuộc chiến tranh xung đột giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và các nhóm sắc tộc khác nhau… Thông qua Festival Vì hòa bình, tỉnh Quảng Trị sẽ góp thêm tiếng nói của mình cùng với thế giới đưa nhân loại đến gần hơn với hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Biển Cửa Tùng

Tôi tin rằng, Quảng Trị sẽ làm rất tốt, rất thành công đề án này nếu có được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư và chung tay hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cùng quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhưng trước hết, cần bảo tồn, tôn tạo để gìn giữ, tôn vinh các di tích lịch sử mà địa phương đang sở hữu. Đồng thời cần có một sự kết nối hợp lý để tạo nên một hệ thống các điểm đến hấp dẫn, thu hút được du khách. Bên cạnh đó cần đầu tư cho các cơ sở về dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách, trong đó cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho các sản phẩm văn hóa mang bản sắc địa phương, các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Quảng Trị như hồ tiêu, cà phê, cao su, lạc, các loại hải sản đặc hữu…

Festival Hòa Bình của Quảng Trị được diễn ra từ ngày 6-7/7/2024 chắc chắn không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn tạo nên một điểm nhấn ấn tượng về vùng đất này, từ đó tạo nên sức thu hút mạnh mẽ đối với đông đảo cộng đồng nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Và ở một chiều khác, Festival Hòa Bình sẽ thúc đẩy việc bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh mà Quảng Trị đang sở hữu, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử và cách mạng phong phú.

Tôi hy vọng Quảng Trị sẽ quyết tâm triển khai đề án tổ chức Festival Hòa Bình và sớm được công nhận là vùng đất Vì Hòa Bình tiêu biểu của Việt Nam và của thế giới./.

TS. Phan Thanh Hải