Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Trị và WWF hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học

ĐNA -

QUẢNG TRỊ, Ngày 2/10/2023, tại thành phố Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị ký kết hợp tác thuận 5 năm (2023-2028) với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) về các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân.

WWF và tỉnh Quảng Trị vừa ký kết thỏa thuận hợp tác hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững giai đoạn 2023-2028

Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu gồm: Quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động thực vật hoang dã; năng lượng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa; thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Quảng Trị xác định nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Quảng Trị xác định tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng và phát triển vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết “5 nhà” trong sản xuất, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh đối với các ngành hàng như cà phê, gỗ rừng trồng, dược liệu… và thực hiện tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Trị, kết nối với các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn với người dân để cung ứng các nguyên liệu đầu vào một cách hợp lý, hiệu quả, lâu dài.

Quảng Trị đã và đang hiện thực hóa những hành động góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và quan tâm triển khai các nội dung về công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái rừng và biển. Đây là những nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, cần có sự tham gia hỗ trợ, chung tay của các tổ chức quốc tế, đội ngũ các chuyên gia, tư vấn có trình độ, am hiểu để hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng cho biết thêm.

Bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa là một trong những nội dung của chương trình.

Đặc biệt, tổ chức WWF Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc giúp nhân dân Quảng Trị phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, thúc đẩy xây dựng dự án tín chỉ rừng trồng gỗ lớn đầu tiên tại Việt Nam.

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo khởi động dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 4 năm kể từ thời điểm khoản viện trợ được phê duyệt, bên cung cấp viện trợ là Chương trình đối tác kinh doanh xanh Danida, Đan Mạch thông qua Tổ chức WWF-Việt Nam.

Dự án hướng tới việc giúp nông dân chuyển đổi toàn diện mô hình sản xuất cà phê theo hướng sinh thái bền vững song song với việc bảo vệ và phát triển tốt hơn diện tích rừng nhiên tại huyện Hướng Hoá.

Dự án đặt mục tiêu bảo vệ 18 nghìn ha rừng tự nhiên trong hành lang sinh học kết nối giữa hai Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá và Đakrông; xây dựng vùng cà phê nguyên liệu có chứng nhận hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án kỳ vọng sẽ giúp tăng trung bình 40% thu nhập cho khoảng 2 nghìn nông hộ cà phê sản xuất nhỏ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều; làm cầu nối, thúc đẩy sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nông dân để hình thành chuỗi giá trị cà phê bền vững, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Trong thời gian thực hiện, dự án sẽ cùng các nông hộ xây dựng mô hình cà phê nông lâm kết hợp, trồng xen hợp lý giữa cây cà phê, cây ăn quả và cây lâm nghiệp bản địa. Đây là mô hình được đánh giá có tính bền vững và có khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Nguyễn Nhật An, Giám đốc Dự án, WWF-Việt Nam chia sẻ: “Khi triển khai thành công, dự án không chỉ giúp tăng tính thích ứng với biến đổi khí hậu của các khu rừng tự nhiên đang bị suy thoái trong vùng mà còn góp phần thực hiện Chương trình Một tỷ cây xanh của Chính phủ Việt Nam, tạo vành đai xanh bảo vệ vùng cảnh Trung Trường Sơn trước những tác động do phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu”.

Dự án sẽ xây dựng vùng cà phê nguyên liệu ở Hướng Hóa có chứng nhận hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên thế giới, nhu cầu của người tiêu dùng về cà phê hữu cơ, được sản xuất bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính ngày càng tăng cao. Quảng Trị hiện có gần 4 nghìn ha đất trồng cà phê, phần lớn canh tác theo phương thức độc canh, năng suất ngày càng giảm, tác động đáng kể đến thu nhập của người dân. Việc bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu không hợp lý khiến môi trường đất bị suy thoái. Phát triển cà phê theo hướng tiếp cận cảnh quan, sinh thái vườn rừng là một trong những phương pháp tối ưu để cải tạo đất, nâng cao năng suất, đáp ứng được các tiêu chuẩn trên của khách hàng.

Chy Lê