Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

ĐNA -

Với 95,58% đại biểu Quốc hội tán thành, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với 477 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỷ lệ 95,78%), trong đó có 476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (chiếm tỷ lệ 95,58%). Với kết quả trên, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: BL

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, ngày 31/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như sau:

Về 02 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật; đồng thời tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này. Do đó, kính trình Quốc hội cho thông qua nội dung này như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về tác giả, đồng tác giả; quyền nhân thân: Có ý kiến đề nghị cần quy định một số tiêu chí định lượng xác định “đồng tác giả”, như tỷ lệ thời gian người đó đóng góp tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định nhiều tiêu chí để xác định đồng tác giả, gồm tiêu chí về số lượng (từ 2 người trở lên), về tính chất (cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm), sự thống nhất ý chí (cùng chủ ý tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh tác phẩm); đã quy định về trường hợp không phải là đồng tác giả và cơ chế thực hiện quyền nhân thân, quyền tài sản đối với các đồng tác giả để bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong quá trình thực thi quyền tác giả. Thực tiễn thi hành pháp luật cũng như tham khảo pháp luật các nước cho thấy, không có cơ sở để quy định tỷ lệ thời gian đóng góp để xác định đồng tác giả. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả/ người biểu diễn” . Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, không phải mọi trường hợp sửa đổi, cắt xén tác phẩm, cuộc biểu diễn đều xâm phạm quyền nhân thân mà chỉ những hành vi sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, người biểu diễn mới bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; giới hạn quyền tác giả: Có ý kiến đề nghị bỏ quy định vì gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả; hiện nay chưa có quy định về thiết bị sao chép công cộng nên rất khó kiểm soát được việc sao chép. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một số nội dung của dự thảo Luật là quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định về ngoại lệ tại điểm a “không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép”.

Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu; kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài: Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” để thống nhất với các quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bỏ cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm”. Đồng thời, cho rằng tác phẩm là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, do đó, để phù hợp với bản chất độc quyền của quyền tác giả thì việc quy định nhãn hiệu “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu thì nhãn hiệu đó bị từ chối bảo hộ là cần thiết. Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “có dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” vào dự thảo Luật.

Về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp: Có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm h khoản 1 Điều 95 theo hướng bổ sung cụm từ “đặc biệt là” vào trước cụm từ “về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc chỉ dẫn địa lý” để thống nhất với quy định của Hiệp định EVFTA.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định chỉ yêu cầu chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu đối với 3 trường hợp là gây nhầm lẫn về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, bởi vì các trường hợp gây nhầm lẫn khác về nhãn hiệu đã được điều chỉnh bởi các quy định tại các điều, khoản khác trong Luật Sở hữu trí tuệ như về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hành vi cạnh tranh không lành mạnh … Vì vậy, quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm nội luật hóa đầy đủ Hiệp định EVFTA.

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian: Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định là bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa quy định của Hiệp định EVFTA. Điều này không giới hạn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian về bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí. Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại bằng tiền chỉ được quy định của Hiệp định CPTPP nhưng nội dung này đang tạm đình chỉ thực hiện. Vì vậy, để thuận lợi trong quá trình thực thi điều ước quốc tế, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, bao gồm cả phạm vi miễn trừ, như thể hiện trong dự thảo Luật.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội lưu ý về việc thực thi Luật sau khi được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác triển khai thi hành Luật này.

PV (nguồn ĐCSVN)