Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quốc hội thông qua Luật và Quỹ Phòng thủ dân sự



ĐNA -

Sáng 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự, với 469/475 phiếu tán thành (tương đương 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật được thông qua có 7 chương với 55 điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Luật phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Luật phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật quy định nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và nhân dân. Được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.

Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự. Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự, Luật quy định: Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng theo quy hoạch, kế hoạch; mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự. Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự. Phát triển, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại vào hoạt động phòng thủ dân sự. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự…

Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự: Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan, hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự. Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân. Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm hoạ. Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự. Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng. Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Lực lượng phòng thủ dân sự, luật quy định: Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và của bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
điều 34 của luật quy định rõ cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự. Theo đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 35 của luật cũng quy định lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.
Trong đó, lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương. Còn lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị xác định rõ phạm vi, mối quan hệ giữa lực lượng phòng thủ dân sự với các lực lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các lĩnh vực khác để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể, tránh vướng mắc có thể xảy ra khi áp dụng.

Tại phiên họp, làm rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, lực lượng tham gia các hoạt động này đều là lực lượng phòng thủ dân sự.

Cũng trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định: “Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc. Lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia”.

“Việc huy động, sử dụng các lực lượng để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nói riêng và trong hoạt động phòng thủ dân sự nói chung phải căn cứ tình hình thực tế và theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Vì vậy, quy định như dự thảo luật đã bảo đảm cụ thể và khả thi”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật, đồng ý thành lập quỹ Phòng thủ dân sự.

Quốc hội đồng ý thành lập quỹ Phòng thủ dân sự
Sáng 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự, trong đó lựa chọn phương án lập Quỹ Phòng thủ dân sự trước khi có thảm họa, sự cố.

Trong trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở ý kiến địa biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án xin ý kiến đại biểu: Lập ngay Quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố và chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.

Kết quả, có 68,36% (255 đại biểu) tán thành phương án 1. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định nội dung của Phương án 1 (như thể hiện tại Điều 40). Theo đó, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và địa phương để huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.

Quỹ được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu… Quỹ này được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan.

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật, đồng ý thành lập quỹ Phòng thủ dân sự.

Chy Lê