Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư tại Việt Nam



ĐNA -

(VGP), Chiều 19/10/2023 (theo giờ địa phương), nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia và ông Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển Saudi Arabia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia – Ảnh: VGP

Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF)
Được thành lập năm 1971, với nhiệm vụ thành lập và quản lý các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế Saudi Arabia.
Tháng 3/2015, Chính phủ Saudi Arabia ra nghị quyết điều chỉnh cơ cấu tổ chức của PIF, chuyển quyền quản lý Quỹ PIF từ Bộ Tài chính sang Hội đồng Các vấn đề kinh tế và phát triển quỹ do Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman làm Chủ tịch. Đây là bước đi lịch sử, cho phép PIF có nhiều quyền hạn hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư. Với số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, PIF hiện là 1 trong 10 quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới.

PIF hiện là cơ quan đầu tư và giám sát việc triển khai các siêu dự án của Saudi Arabia, như dự án phát triển khu vực Biển Đỏ, dự án thành phố thông minh NEOM… Trên bình diện quốc tế, PIF đã đầu tư vào các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin, châu Phi…, trên các lĩnh vực y tế, công nghệ, bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ… PIF đang nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Softbank, Uber, Blackstone…

Tại buổi tiếp, ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia bày tỏ vui mừng khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp đoàn. Ông cho biết hiện nay PIF đã đầu tư 160 triệu USD vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư gián tiếp.

Ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án lớn hơn tại Việt Nam để phát triển hạ tầng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia trong việc thúc đẩy phát triển, chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia. Tiềm năng, triển vọng các đại dự án đô thị, thành phố thông minh, giải đấu thể thao mang tầm cỡ quốc tế… mà PIF đang triển khai được cộng đồng quốc tế quan tâm, đánh giá cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Saudi Arabia.

Thủ tướng cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia đạt gần 850 triệu USD, và nhập khẩu từ Saudi Arabia là 1,2 tỷ USD.

Để tạo đột phá cho hợp tác về đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Quỹ mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức trực tiếp, gián tiếp, hợp tác nhiều bên… vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, công nghiệp Halal…, đặc biệt là hạ tầng giao thông như đường sắt, đường kết nối liên vùng, đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường nguồn vốn nhiều hơn nữa đầu tư vào các lĩnh vực này của Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị Việt Nam và Saudi Arabia nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung để thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi nước. Đây là mô hình hợp tác đầu tư đã được triển khai thành công giữa Việt Nam và Oman, cũng như giữa Saudi Arabia và một số nước trên thế giới.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan phụ trách đầu tư của hai nước, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin, chính sách, giới thiệu cơ hội đầu tư tại các dự án tiềm năng tại mỗi nước và tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị ông Yasir Al- Rumayyan và Ban Lãnh đạo PIF trao đổi cụ thể với các đối tác Việt Nam về khả năng hợp tác đầu tư; góp ý xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Trong khi đó, Quỹ Phát triển Saudi Arabia là quỹ quốc gia do Chính phủ Saudi Arabia thành lập nhằm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển. Kể từ 2010, Việt Nam đã vay vốn từ Quỹ với 12 dự án trị giá trên 165 triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển Saudi Arabia – Ảnh: VGP.

Quỹ phát triển Saudi Arabia.
Tại buổi tiếp, ông Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển Saudi Arabia đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án tại Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động hợp tác của Quỹ phát triển Saudi Arabia với Việt Nam, nguồn vốn vay từ Quỹ SFD có ý nghĩa quan trọng với các dự án và địa phương thụ hưởng, giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết hiện nay Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng mà đặc biệt là hạ tầng giao thông. Với tư duy và định hướng phát triển mới, nhu cầu sử dụng vốn ngày càng cao hơn, vì vậy Việt Nam muốn thay đổi cách vay để đầu tư một cách có trọng tâm trọng điểm hơn, quy mô lớn hơn, lĩnh vực quan trọng hơn, thủ tục đơn giản hơn và cần sự ưu đãi lớn hơn so với các dự án trước đây, nhất là các dự án đường sắt, giao thông đô thị, cao tốc liên vùng, hạ tầng chuyển đổi số, thể thao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.

ông Al- Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai bên cần có tổ công tác sang làm việc với nhau để triển khai các dự án trong thời gian tới. Hai bên cùng phối hợp để triển khai các cam kết, trong đó có cam kết của Chủ tịch Quỹ SFD trong chuyến thăm tới Việt Nam tháng 9 vừa qua, đem lại kết quả cụ thể, thực chất trong lĩnh vực viện trợ phát triển, qua đó góp phần vào việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Saudi Arabia.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì kênh liên lạc, trao đổi thường xuyên và Quỹ SDF xem xét có những điều chỉnh quy định, điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn và phù hợp với các quy định hiện tại của Việt Nam trong việc vay vốn ODA nước ngoài.

Thanh Hoàn