Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quy hoạch hai tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc



ĐNA -

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo Chính phủ kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng và Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, kết nối trực tiếp với Trung Quốc. Việc lập quy hoạch chi tiết cho hai tuyến đường này là bước cơ bản để xác định hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương án đầu tư. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các đại biểu lãnh đạo các đơn vị đón, chúc mừng chuyến tàu đầu tiên tuyến liên vận quốc tế Thạch Gia Trang – Yên Viên.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng dự kiến có chiều dài khoảng 156km, điểm đầu tại cửa khẩu Đồng Đăng và điểm cuối tại ga Yên Viên. Tuyến đường này sẽ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Đông Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, đồng thời kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng. Tuyến sẽ được xây dựng với khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tàu khách sẽ đạt tốc độ tối đa 160km/giờ, trong khi tàu hàng chạy với tốc độ khoảng 120km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này vào khoảng 6 tỷ USD.

Ga Hải Phòng.

Tuyến đường sắt Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, dài khoảng 187km, nằm trong hệ thống đường sắt Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định. Điểm đầu của tuyến là ga Nam Định Vũ (phường Hải An, TP. Hải Phòng) và điểm cuối là khu vực gần cầu Bắc Luân (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tuyến đường này sẽ kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc với nhau và đồng thời với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Tuyến đường sẽ được xây dựng với khổ đường 1.435mm, điện khí hóa và phục vụ cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa. Tàu khách sẽ chạy với tốc độ 160km/giờ và tàu hàng đạt tốc độ 120km/giờ. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án này vào khoảng 7 tỷ USD.

Ga Đồng Đăng.

Hiện tại, Bộ GTVT đã phê duyệt gói hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại từ Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu và lập quy hoạch, tạo cơ sở cho việc triển khai công tác đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc để hoàn thành việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết vào năm 2025, làm nền tảng đánh giá tính khả thi và xác định lộ trình đầu tư.

Hieu Nguyen