Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ra mắt Ban chấp hành FISU Miền Trung – Tây Nguyên

ĐNA -

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Trí tuệ Việt – Khát vọng toàn cầu”, diễn ra tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) – Đại học Đà Nẵng, từ ngày 20 đến 22/07/2022), chiều ngày 22/07/2022, Ban chấp hành FISU Miền Trung – Tây Nguyên đã chính thức ra mắt.

Qua hiệp thương lấy ý kiến, với sự thống nhất cao, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU giữ vai trò Chủ tịch FISU miền Trung – Tây Nguyên. Ban chấp hành FISU Miền Trung – Tây Nguyên nhiệm kỳ đầu tiên có 12 thành viên.

Ban chấp hành FISU Miền Trung – Tây Nguyên nhiệm kỳ đầu tiên chính thức ra mắt và đón
nhận lững hoa chúc mừng từ Hội Tin học Việt Nam, FISU Việt Nam. Ảnh trong bài: Trung Đức.

FISU Miền Trung – Tây Nguyên được thành lập với mục đích kết nối, xây dựng mạng lưới các đơn vị đào tạo, nghiên cứu; kết nối cộng đồng các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

FISU Miền Trung – Tây Nguyên đồng hành và huy động mọi nguồn lực, cùng nhau thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cùng hợp tác tổ chức chung các hoạt động đóng góp cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như kinh tế xã hội của Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, trên cương vị Chủ tịch FISU Miền Trung – Tây Nguyên, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh sẽ ưu tiên tập trung cho hai mũi nhọn là nghiên cứu khoa học và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực. Các hoạt động, các sự kiện lớn được FISU Miền Trung – Tây Nguyên đồng lòng tổ chức, cũng sẽ tập trung phục vụ cho hai mũi nhọn vừa nêu.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp: Điều trăn trở nhất của tôi, Miền Trung – Tây Nguyên vẫn là vùng
đất còn nghèo khó.

“Điều trăn trở nhất của tôi, Miền Trung – Tây Nguyên vẫn là vùng đất còn nghèo khó. Mong ước lớn của tôi là Miền Trung – Tây Nguyên phải có nhiều đại học, nhiều học hiệu có uy tín, thu hút con em Miền Trung – Tây Nguyên vào học, không phải đi đâu xa để học. Lấy thế mạnh của chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm ngay vùng đất này, để rồi con em Miền Trung – Tây Nguyên không phải tha phương cầu thực” – PGS.TS. Huỳnh Công Pháp chia sẻ.

FISU là tên viết tắt (tiếng Anh) của Câu lạc bộ Khoa – Trường – Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (tên quốc tế đầy đủ theo tiếng Anh là Vietnam Club of Faculties-Institutes-Schools-Universities of ICT, viết tắt là), là một tổ chức thuộc Hội Tin học Việt Nam, được thành lập năm 2018.

FISU được các thành viên tự nguyện thành lập trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ các tư tưởng của cộng đồng đào tạo và nghiên cứu Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam, với mong muốn là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên thế giới.

Người lãnh đạo VKU cũng bày tỏ mong muốn nâng tầm hơn nữa cuộc thi Olimpic Tin học Miền Trung (mà VKU là một trong các nhà trường đăng cai tổ chức). Cuộc thi sẽ được nâng dần chất lượng ngay từ khâu ra đề với một hội đồng làm đề độc lập với chất lượng cao. Kết quả cuộc thi, từng bước được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học. Và đây chính là đóng góp, là phụng sự và phục vụ cho cộng đồng Miền Trung – Tây Nguyên. VKU với vai trò là cốt lõi của FISU Miền Trung – Tây Nguyên sẽ nỗ lực nhiều hơn và làm bằng được.

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (Chủ tịch FISU Việt Nam).

Chiều nay, cũng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Trí tuệ Việt – Khát vọng toàn cầu”, đã diễn ra phiên tọa đàm “Kết nối thúc đẩy Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số” lần thứ 3, do FISU Việt Nam và FISU miền Trung – Tây Nguyên chủ trì.

Tham dự và chia sẻ tại tọa đàm có GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Wroclaw – Ba Lan), GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (Chủ tịch FISU Việt Nam), PGS.TS. Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Anh Quốc).

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Wroclaw – Ba Lan).

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Tin học thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm thành phố; đại diện Lãnh đạo các Doanh nghiệp Công nghệ thông tin, Truyền thông và Kinh tế số; Đại diện Ban giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

PGS.TS. Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Anh Quốc).

Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin về các xu hướng khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu mới trong lĩnh vực IoT; gợi ý các định hướng về chuyển đổi số.

Chủ đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, cũng được đề cập tại phiên tọa đàm. Trong đó, việc sử dụng kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, thi Olimpic, thi Tin học theo chuẩn quốc tế, được đề xuất cần được xem là kênh phục vụ tuyển sinh, bởi qua các kỳ thi đã thực sự phát hiện ra nhiều học sinh giỏi, thành tích các em đạt được xứng đáng để xem xét trong xét tuyển lên bậc học cao hơn./.

Trung Đức