Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ra mắt tuyển tập thơ “Trời xanh của mỗi người” của nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi

ĐNA -

Nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh (6/10/1942- 6/10/2022), Nhà xuất bản Kim Đồng nhận ủy thác từ gia đình tác giả, ra mắt tuyển tập thơ văn “Trời xanh của mỗi người” gồm những tác phẩm đặc sắc nhất của nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi . Tuyển tập thơ “Trời xanh của mỗi người” gồm 3 phần: Phần truyện với 16 truyện ngắn, Phần thơ với 20 bài thơ và Phần phụ lục rất đặc biệt với những sáng tác của bé Mí – Lưu Quỳnh Thơ và những bài viết về em, tặng em của những người thân yêu.

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, Tp Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên đi công tác xa gia đình. Xuân Quỳnh lớn lên trong vòng tay của bà nội.
Vào tháng 2/1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương và đã ở đây bà đã được đào tạo thành một diễn viên múa. Trong sự nghiệp nghề Múa của mình, đã nhiều lần bà được đi biểu diễn ở nước ngoài và được dự đại hội thanh niên sinh viên thế giới vào năm 1962 tại Áo.
Từ năm 1963 – 1964, Xuân Quỳnh bắt đầu tham gia vào sự nghiệp văn thơ của mình, bà được học tại trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 1 của hội nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong bà về làm việc tại Báo Văn Nghệ và báo phụ nữ Việt Nam.
Năm 1967, bà được kết nạp và trở thành ủy viên Ban chấp hành của hội nhà văn Việt Nam khóa III.
Năm 1973, nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Trước đó, bà đã kết hôn lần đầu với một nhạc công của Đoàn văn công Nhân Dân Trung Ương và đã ly hôn.
Từ năm 1978 cho đến khi qua đời, bà đã làm biên tập viên cho NXB Tác phẩm mới.
Nhà thơ Xuân Quỳnh mất 29/08/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương cùng với người chồng là Lưu Quang Vũ và con trai là Lưu Quang Thơ khi đó mới 13 tuổi.
Năm 2001, Xuân Quỳnh được nhà nước phong tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Năm 2017, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cố nhà thờ Xuân Quỳnh với 2 tập thơ đó là Lời Ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.

Ra mắt tuyển tập thơ “Trời xanh của mỗi người” của nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi

Xuân Quỳnh được nhiều người biết đến với những bài thơ tình, nhưng viết cho thiếu nhi là mảng đề tài lớn trong sự nghiệp của bà. Xuân Quỳnh viết rất nhiều cho các em và bà viết thử nghiệm trên tất cả các thể loại cổ tích, đồng thoại, đồng dao, thơ, truyện. Viết cho thiếu nhi Xuân Quỳnh được đặt mình vào đứa trẻ để có thể nhìn ra những ngộ nghĩnh, chất thơ, nét đẹp của những điều đơn giản thường ngày.

Xuân Quỳnh dựa vào kho cổ tích dân gian, dựa vào thế giới đồng dao để học cách trò chuyện với các em. Vốn dân gian qua Xuân Quỳnh không chỉ giàu có hơn trong ngôn ngữ, uyển chuyển hơn trong cách kể, mà còn là nơi bà gửi gắm những bài học thương yêu. Xuân Quỳnh giống như bà mẹ nhân hậu, không bao giờ bắt lỗi, bà tin ở bản năng hướng thiện của trẻ em. Vậy nên Cá chuối con của Xuân Quỳnh không ích kỉ, vô tâm trước sự hi sinh của người mẹ. Những cô cậu học trò “hiểu chuyện” trong Thầy giáo dạy vẽ, Người làm đồ chơi, Đứa trẻ nhút nhát, Con sao của Hoàn…

Nhân vật trong truyện ngắn Xuân Quỳnh đều là những người rất gần gũi: ông nội, ông ngoại, người bà, người cô, thầy giáo, bà bán bỏng, chú hề… bối cảnh cũng nhỏ gọn trong tầm mức quan sát của các em. Với truyện, Xuân Quỳnh thể hiện khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế, đọc từ vẻ bề ngoài những sâu sắc bên trong, gạn lọc để thấy được tầng sâu lắng, chìm khuất. Qua mỗi truyện, Xuân Quỳnh gửi gắm hạt giống yêu thương vào tâm hồn non nớt của các em, hướng các em sống sâu sắc hơn và có trách nhiệm với những người xung quanh.

Nhà thơ, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh có nhận xét rằng: “Chất thi sĩ trong con người nữ sĩ Xuân Quỳnh tồn tại mạnh mẽ bên cạnh bản năng người mẹ làm nên chất thơ bay bổng, tài hoa, thấm đẫm yêu thương mà không nôm na đơn giản, không thật thà minh họa cuộc sống.” 20 bài thơ đặc sắc được chọn lọc trong “Trời xanh của mỗi người” là 20 tiếng cười khúc khích, tràn ngập hạnh phúc của mẹ con bà. Vũ trụ thơ của mẹ và con chứa đầy sự tò mò, niềm vui, tình yêu của Xuân Quỳnh dành cho con và tình yêu của con dành cho mẹ Quỳnh. Có rất nhiều bài được độc giả nhiều thế hệ thuộc nằm lòng như: Chuyện cổ tích về loài người, Bầu trời trong quả trứng, Tiếng gà trưa…

Xuân Quỳnh đã sống tận hiến trong cả cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật. Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ có chia sẻ: Tên khai sinh bé Mí là Lưu Quỳnh Thơ do ông nội Mí (nhà viết kịch Lưu Quang Thuận) đặt với nghĩa: Bài thơ của Quỳnh. Sau nhiều thăng trầm của cuộc sống Xuân Quỳnh có lẽ đã được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn nhất khi là mẹ của bé Mí – cậu bé tài hoa.

Bé Mí đã cùng bố mẹ đi một chặng đường ngắn nhưng trọn vẹn trong tình yêu thương, xót xa của những người ở lại. Trong tuyển tập kỉ niệm 80 năm ngày sinh Xuân Quỳnh, “Trời xanh của mỗi người” dành một phần trang trọng để tưởng nhớ về em Mí của mẹ Quỳnh. Trong đó, bạn đọc sẽ được đọc những bài thơ và truyện ngắn do Lưu Quỳnh Thơ viết. Ngoài thơ mẹ Quỳnh, còn có thơ bố Vũ (Lưu Quang Vũ) viết cho em, nhà văn Tô Hoài kể kỉ niệm của ông với chú bé Mí thích chơi tem. Những người thân trong gia đình cô Lưu Khánh Thơ, anh Lưu Tuấn Anh… viết về Mí.

“Trời xanh của mỗi người” là dấu mốc dịp kỉ niệm 80 năm ngày sinh thi sĩ Xuân Quỳnh. Với việc tinh tuyển các sáng tác của Xuân Quỳnh cho thiếu nhi, cuốn sách góp phần hoàn thiện chân dung văn học Xuân Quỳnh, nhắc nhớ những cống hiến của bà với văn học thiếu nhi.

“Trời xanh của mỗi người” ghi dấu ấn nghệ thuật với hơn 40 bức tranh màu tuyệt đẹp của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Mỗi bức tranh là một đối thoại của họa sĩ với tác giả, những ý tưởng của Xuân Quỳnh trong truyện, trong thơ tiếp tục được người họa sĩ sáng tạo bằng hình sắc. Mỗi trang sách “Trời xanh của mỗi người” được chăm chút tỉ mỉ với phần viết tay tên sách, tên truyện, tên bài thơ, mỗi chỗ ngừng, nghỉ cho mắt và cảm xúc đều được đội ngũ thiết kế cân nhắc phù hợp.

Cuốn sách “Trời xanh của mỗi người” là sự trân trọng đối với Xuân Quỳnh nói riêng và đối với những người yêu Xuân Quỳnh và yêu vẻ đẹp văn học nước nhà nói chung. Với “Trời xanh của mỗi người”, độc giả đã được ngắm nhìn trời xanh của riêng Xuân Quỳnh và các con của bà. Trời xanh của riêng nhà thơ giờ được gửi đến cho mọi người.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ: Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung, Nhà xuất bản Văn học, 1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974); Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978); Sân ga chiều em đi (thơ, 1984); Tự hát (thơ, 1984); Hoa cỏ may (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992,1994); Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994); Hát với con tàu; Cây trong phố – Chờ trăng (thơ, in chung)… Ngoài ra bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982); Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985); Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi – 1981); Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984); Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986); Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995); Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)…
Chy Le/ nguồn NXB Kim Đồng