Johnson & Johnson cùng với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu đã tiến hành nghiên cứu thực địa toàn diện trong năm qua về chủ đề Rối loạn trầm cảm chủ yếu. Kết quả của nghiên cứu này nhằm chia sẻ những phát hiện, thảo luận với các nhà lãnh đạo chính sách, thúc đẩy hợp tác công tư để định hình các lộ trình chăm sóc rối loạn trầm cảm chủ yếu trong tương lai.
“Hơn bao giờ hết sức khỏe tâm thần cần phải được quan tâm đúng mức, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tâm thần mà nhiều người đang phải đối mặt. Chúng tôi tin rằng kết quả của nghiên cứu này phác thảo cái nhìn toàn cảnh về tình hình sức khỏe tâm thần của người dân ở khu vực ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng. Báo cáo này cũng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bác sỹ những giải pháp chăm sóc và điều trị bệnh nhân Rối loạn trầm cảm chủ yếu nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế do bệnh này gây ra, hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe cho tất cả mọi người với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau.”, Ông Matthias Skillecorn – Tổng giám đốc Johnson & Johnson Việt Nam chia sẻ.
Theo dữ liệu thống kê nhanh ở từng quốc gia trong báo cáo nghiên cứu thực địa toàn diện trong năm qua về chủ đề Rối loạn Trầm cảm Chủ yếu do KPMG, Johnson & Johnson, chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu và những người phát ngôn thay mặt các bệnh nhân trên khắp Đông Nam Á thực hiện cho thấy, ở Việt Nam tỷ lệ mắc Rối loạn trầm cảm chủ yếu (MDD) là 1,2% trên tổng số dân, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm nặng có ý định tự tử (MDSI) ở những bệnh nhân Rối loạn trầm cảm chủ yếu là 21% và hầu hết trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ngoài ra, người trên 70 tuổi được quan sát là có tỷ lệ trầm cảm cao nhất cả nước lên đến 5,9%.