Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn: Nâng tầm vóc, nâng vị thế đất nước

ĐNA -

Ngày 19/10/2023, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.

Chủ trì hội thảo, từ trái sang: Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh trong bài: T.Ngọc.
Phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.

“Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thời sự về sự sẵn sàng của các Đại học Việt Nam, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ, về chiến lược đào tạo 50.000 ngàn chuyên gia, kỹ sư thiết kế chip điện tử trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Với riêng Đại học Đà Nẵng, chủ trương đầu tư từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các nguồn tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế, Đại học Đà Nẵng đã đầu tư một số phòng thí nghiệm liên quan về chíp bán dẫn tương đối hiện đại và đồng bộ. Những yếu tố này sẽ là tiền đề hết sức quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Đà Nẵng chúng tôi”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chia sẻ.

 Cơ hội lớn nâng tầm vóc, nâng vị thế
Trong phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng, ngày hôm nay, chắc chắn sẽ là ngày đáng nhớ trong chặng đường ngành giáo dục chúng ta góp sức, tạo dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai. Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Chúng ta từng ao ước có một lĩnh vực công nghiệp đi vào công nghệ lõi. Chúng ta đã có nhiều nhiệm kỳ của Trung ương Đảng cho rằng, “sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, chưa đạt như mong muốn”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đây cũng là cơ hội hiện đại hoá hệ thống chúng ta.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng ta đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Ở thời điểm này, nếu chúng ta tận dụng được, chúng ta đang có một cơ hội lớn – khi dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế đã có thể mang lại độ tin cậy, (kể cả) sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật (cũng trở nên cởi mở hơn)… Tất cả các điều đó hội tụ.

Nếu phát triển được nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này, các chỉ số công bố khoa học sẽ gia tăng, phát minh sáng chế sẽ gia tăng, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường sẽ gia tăng. Hệ thống giáo dục đại học; trong đó, đặc biệt là các trường đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ. sẽ có diện mạo mới. Và đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống chúng ta.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quyết tâm rất cao, mong các cơ sở giáo dục đại học đều tự xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh quang khi tham gia vào công việc đào tạo, nghiên cứu rất lớn nào. Trường nào có quyết tâm và giải pháp đúng trường ấy sẽ có sự bứt phá; trường nào tham gia không đủ quyết tâm, giải pháp sẽ bị bỏ lại phá sau và khoảng cách giữa các trường sẽ còn gia tăng. Bộ GDĐT ủng hộ những trường quyết tâm, để chúng ta cùng nhau có những kết quả trong thực tế, từ đây làm thay đổi cái nhìn của thế giới, xã hội, đất nước về hệ thống giáo dục đại học.

Tất cả cùng nhau cố gắng cho một mục tiêu chung không chỉ là việc làm mà là vấn đề vị thế quốc gia. Mong chúng ta cùng nhau cố gắng và có giải pháp phù hợp để có kết quả trong hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào”.

Phá vỡ điểm nghẽn lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay, trước yêu cầu thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

 Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở toang. Nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Từ ý kiến các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung – cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.

Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Có một thực tế là thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch (tại Việt Nam) mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Đại diện Synopsys, tại diễn đàn hội thảo, cũng xác nhận công nghiệp bán dẫn, vi mạch đang là một ngành có tốc độ phát triển mạnh. Trung bình trong một quý, lại có từ 100 đến 200 công ty công nghiệp vi mạch được thành lập. Nhu cầu tuyển dụng các Nhóm làm việc (trong năm đầu tiên) của các công ty này chừng 50 đến 200 kỹ sư. Liên minh các công ty-tập đoàn sản xuất chip bán dẫn đã có điều tra độc lập, cho thấy, so với nguồn nhân lực cần cho tốc độ phát triển, các công ty-tập đoàn chỉ tuyển dụng được khoảng 46%.

Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu.

Cần đột phá từ chính sách, cơ chế
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trong khi ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là ngành đang nắm giữ tiềm năng lớn, thì số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp chuyên ngành này, đến nay còn rất thấp. Người học và các cơ sở đào tạo vẫn luôn ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp, thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vòng quẩn này chính là điểm nghẽn lớn.

Tại diễn đàn hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, thực trạng trên cũng là một thách thức. Công nghệ vi mạch bán dẫn không hề là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, thực tế đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay (chương trình đào tạo bao gồm các ngành có liên quan, các ngành gần, phân bổ trong các khoa điện, điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; chủ yếu là điện tử. Cho đến nay, chuyên ngành thiết kế vi mạch, chưa có mã ngành đào tạo riêng).

Trước bối cảnh đó, nếu phải đầu tư lớn để đào tạo, phát triển thị trường lao động ngành công nghiệp Chip bán dẫn, không tránh khỏi những cân nhắc, khi các ngành phần mềm, trí tuệ nhân tạo, …đang phát triển rất ổn định. Người học cũng có xu hướng tiếp cận ngành học không quá khó, và ra trường là có ngay việc làm.

TS. Nguyễn Trung Hiếu – thay mặt Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, phảo có chính sách, cơ chế ưu tiên, khuyến khích đặc biệt đối với các đơn vị tổ chức đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch; có chính sách hỗ trợ người học: ưu đãi tín dụng. Hỗ trợ tìm kiếm học bổng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại các quốc gia phát triển.

Các tham luận đều thể hiện tâm huyết và góp phần làm rõ định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng (phụ trách đào tạo) trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, trong tham luận “Định hướng đào tạo nguồn nhân lực, cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đại học Đà Nẵng”, đã đề xuất Chính phủ; Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, các Bộ liên quan, trước hết phải có chính sách “mở” đối với thủ tục visa, trong thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, trong thời gian dài. Có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu, có nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ (licenses) có thể dùng chung cho các trường đại học (thông qua Trung tâm đổi mớisáng tạo quốc gia -NIC); và (có thể) riêng cho các trường đại học trọng điểm.

Cũng liên quan đến yêu cầu thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng có cơ chế hỗ trợ từ thủ tục hành chính, đến kinh phí đi lại, lưu trú,..). Có như vậy mới thu hút doanh nghiệp vi mạch bán dẫn đến tìm hiểu đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường.

“Tôi muốn nhấn mạnh là “Cần có các giải pháp đột phá”. Vì đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Trước hết, cần những giải pháp về mặt thể chế, cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội. Về phía ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt. Quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài…

5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được. Bộ cũng sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình. Bộ cũng sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất, hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Một chương trình đảm bảo cao nhất, niềm tin về chất lượng”– Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đến những ưu đãi, đầu tư lớn, thay đổi quan hệ – hợp tác với doanh nghiệp
“Có lẽ, nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Đại học Bách khoa Hà Nội), qua tham luận “Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu công nghệ thiết kế và chế tạo chip bán dẫn”, chia sẻ rằng: Để đạt tốc độ (tăng trưởng trong đào tạo nhân lực, bao gồm: thiết kế, chế tạo, kiểm thử và phát triển ứng dụng), đặt 25% năm, rất cần những khuyến khích cụ thể đối với người học, bao gồm ưu đãi tín dụng (vay để trả học phí), xét cấp học bổng (đào tạo trong và ngoài nước). Đặc biệt, phải có cơ chế ưu đãi (về thuế, vốn, chi phí, tín dụng) đối với doanh nghiệp có hợp tác đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng rõ nét và hiệu quả với nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, khẳng định rằng, nếu hợp tác tốt với doanh nghiệp, coi trọng đào tạo từ thực tiễn nghiên cứu, sản xuất của chính doanh nghiệp, nhà trường sẽ luôn có được những thu hoạch rất tốt. Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, trong hợp tác với nhà trường, nhất là trong đào tạo cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Cơ sở giáo dục đại học phải có quan hệ hợp tác cùng các công ty, tập đoàn doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước. Cụ thể là kết hợp cùng đào tạo bổ sung, đào tạo ngắn hạn (cấp tốc).

Chia sẻ thêm kinh nghiệm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết” Các trường thành viên Đại học Đà Nẵng, đã và đang thiết kế lại thời gian của học kỳ doanh nghiệp theo hướng dài hơn. Trước đó, nội dung hợp tác cùng doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng, cả hai bên cùng có lợi, chớ không phải nhà trường chỉ biết nhận từ doanh nghiệp”.

Và một tin vui, cũng được Giám đốc Đại học Đà Nẵng lan tỏa, đó là nhiều cựu sinh viên trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cũng đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn”.

Tại sự kiện, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã  cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chụp ảnh cùng lãnh đạo liên minh 5 cơ sở giáo dục đại học.

Liên minh cũng đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; cùng thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

Có kế hoạch cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh thêm: Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Trước hết, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những gì các trường cần chủ động triển khai và phối hợp triển khai, những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm, những gì cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.

Rõ ràng, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Cần xây dựng những chương trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

“Đây là trách nhiệm, sứ mệnh của chúng ta mà không được để lỡ nhịp này, nếu để lỡ nhịp này chúng ta có tội với đất nước. Nếu làm được chúng ta nâng được vị thế quóc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống đại học. Chúng ta có diện mạo mới. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau.

 Nhiều lần nghe rằng, giáo dục đại học chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Minh chứng ở đâu để khẳng định chúng ta có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật thì đây là cơ hội – nếu chúng ta làm tốt đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này, sẽ thấy rằng, sự thay đổi lớn của toàn xã hội về hệ thống đại học” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Sơn kết luận./.

Thế Cương – T.Ngọc