Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sẵn sàng nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu, đón đầu cơ hội làm việc toàn cầu

ĐNA -

Theo Chuyên gia Nguyễn Hải Quân (Tập đoàn WILLTEC Japan), nhân sự IT tại Nhật bản hiện tại so với nhu cầu tuyển dụng thiếu hụt khoảng 170.000 người, đến năm 2030, dự kiến thiếu hụt khoảng 790.000 người (theo kịch bản thị trường phát triển mạnh). Đặc biệt thiếu hụt nhân sự AI phục vụ cách mạng công nghiệp lần 4 là rất lớn.

Tiếp nối chuỗi sự kiện “Trí tuệ Việt – Khát vọng toàn cầu”, một sáng kiến của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng, với thành công, tạo được ấn tượng tích cực, ngay ở sự kiện lần đầu tiên (chủ đề “Đào tạo và sản xuất công nghệ lõi”), và lần II (Khởi nghiệp công nghệ); chiều nay 10/11/2022, đã diễn ra sự kiện lần thứ III với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo – Chìa khóa mở tương lai”.

Chương trình do VKU chủ trì tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Viễn thông và Internet Softbank Corp, Nhật Bản, Tập đoàn Willtec, Nhật Bản. Sự kiện được tổ chức kết hợp giữa 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện, môi trường để các Thầy cô giáo và đông đảo sinh viên, học sinh đều có cơ hội tham dự.

Ông Nguyễn Hải Quân, Chuyên gia của Tập đoàn Willtec, Nhật Bản (bên trái), trao biển tượng trưng quyền sử dụng chương trình đào tạo về AI, đến TS. Đặng Đại Thọ, Phó trưởng Khoa Khoa Khoa học máy tính-VKU. Ảnh trong bài: VKU và Trung Đức/Asean News.

“Đây là cơ hội để em và các bạn thu nhận thêm kiến thức chuyên môn mới, học hỏi những kỹ năng cần thiết, nâng cao sự tự tin của bản thân. Em theo đuổi chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, có xu hướng phấn đấu trở thành một chuyên viên lập trình thực thụ, thiên về thiết kế Web, nên kiến thức cơ sở dữ liệu với em rất quan trọng. Không chỉ lưu trữ thông tin, cơ sở dữ liệu một cách khoa học, em sẽ sử dụng các công cụ để đánh giá, phân tích, từ đó phát triển các tính năng (cá nhân hóa) theo nhu cầu người dùng một cách tiện ích và tinh tế trên nền tảng web” , bạn Hồ Bảo Nguyên (quê quán Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), hiện là sinh viên năm thứ nhất lớp IT 3, Khoa khoa học mày tính (VKU) chia sẻ.

Theo lãnh đạo VKU, chuyển đổi số chính là cơ hội để sinh viên làm chủ các kỹ năng làm việc trong môi trường số. Trong bối cảnh hiện nay, nhân lực chất lượng cao Việt Nam phải có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế, “trong một thế giới phẳng”. Xu hướng cạnh tranh trên thị trường lao động ngay ở trong nước, cũng như thị trường lao động ASEAN hay rộng hơn là châu Á và quốc tế, là tính tất yếu.

Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã, đang và nhất định sẽ có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam, Nhà trường nhất định phải chuyển động theo. VKU đã mở và đào tạo hai chuyên ngành “Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và Khoa học dữ liệu (Data Science-DS)”, được 2 năm (năm học 2021-2022, 2022-2023).

Được Đại học Đà Nẵng chuẩn y, từ năm 2023, VKU sẽ chính thức tuyển sinh ngành mới, đó là “Trí tuệ nhân tạo. Cùng với AI, DS đã thực sự là một lĩnh vực khoa học, công nghệ ngày càng chứng minh tính quan trọng và đặc biệt cần thiết. Bởi nó liên quan đến các kiến thức về xử lý, khai phá, phân tích và trực quan hóa dữ liệu, thông minh hóa các hệ thống công nghệ thông tin,… Những tiến bộ của AI – DS đã cho ra đời những sản phẩm công nghệ thông minh, chất lượng cao với khả năng tự động hóa, tư vấn, dự báo, cá nhân hóa người dùng,.. nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đây là cơ hội sinh viên chuyên ngành VKU được học hỏi thêm nhiều điều.

Doanh nghiệp hợp tác, đồng hành trong đào tạo nguồn nhân lực AI – DS
Đồng hành cùng VKU, trên cơ sở hợp tác sát thực tế, cùng chung tay đào tạo nguồn nhân lực, tại sự kiện diễn ra chiều nay, Softbank và Willtec cũng đã chính thức trao quyền sử dụng chương trình đào tạo AI. Với quyền sử dụng này, giảng viên và sinh viên VKU (trong đó đơn vị sử dụng chính là Khoa Khoa học máy tính), được tiếp cận với một chương trình đào tạo khoa học, tiên tiến và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp toàn cầu và xã hội.
Ngoài tặng chương trình đào tạo AI, Tập đoàn Viễn thông và Internet Softbank Corp, Nhật Bản cũng đã cử Chuyên gia Khan Muhammad Anwarus Salam, trình bày (online) nội dung: “AI usage situation and AI job opportunities in Japan/ Tình hình sử dụng AI và cơ hội việc làm AI ở Nhật Bản”.

Cũng như nhận dịnh và chia sẻ của Chuyên gia Nguyễn Hải Quân, Chuyên gia Khan Muhammad Anwarus Salam, nhấn mạnh thêm rằng: Nhu cầu nhân lực của 2 chuyên ngành AI và DS sẽ ngày càng cao tại Việt Nam và Thế giới.

“Với vai trò là Kỹ sư AI và Dữ liệu, các bạn có nhiều cơ hội làm việc cùng các Nhà khoa học ở Nhật Bản. Thú vị nhất là được trải nghiệm phát triển dự án AI trong đời thực. Ngoài kiến thức chuyên môn sâu vững vàng, các bạn cần kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật thật tốt. Với môi trường tại một quốc gia tiên tiến, luôn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là phát triển ngành AI, chính là nơi các bạn sẽ thực hành và tích lũy kinh nghiệm quý cho mình, qua các công cụ phát triển AI”.

Các bạn sinh viên VKU theo dõi bài nói chuyện trực tuyến của Chuyên gia Khan Muhammad Anwarus Salam.

“Theo em, tinh thần hợp tác rất thiện chí và trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nhà trường, nơi em và các bạn đang theo học, đã mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội vô cùng đáng quý. Không chỉ được nghe, nắm bắt thêm kiến thức mới, em còn nhận ra, chuyên ngành mà em theo đuổi (DS – AI) đúng là ngành học của xu thế thời đại. Em sẽ cố gắng nhiều trong tiếp thu kiến thức toàn diện và chuyên sâu, học hỏi và rèn luyện kỹ năng của một kỹ sư Công nghệ thông tin với chuyên môn sâu là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Ước mơ và là mục tiêu của em: Sẽ thử sức tạo ra một nhân vật ảo nhưng có thể hiểu được ngôn ngữ, trò chuyện với con người một cách thông minh”, bạn Lê Cẩm Bằng, sinh viên năm thứ hai, Khoa Khoa học máy tính, VKU, bày tỏ.

Được biết, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI (đến năm 2030), đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong bối cảnh các chính sách khuyến khích, tạo nhiều cơ hội và môi trường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, đặc biệt những công nghệ đột phá từ lĩnh vực AI, ngày càng nhiều; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ … Tất cả đã hợp thành động lực làm bền chặt các mối liên kết, giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong cả nước.
Sẵn sàng và chủ động nguồn nhân lực chất lượng cho chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực như AI – DS, cũng là cách góp phần đưa thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên có đầy đủ tâm thế hội nhập vào dòng chảy của kinh tế số, mở ra chương mới cho phát triển từ chuyển đổi số.
T.Ngọc