Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sẵn sàng ứng phó với bão số 1

ĐNA -

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Đồng thời, rà soát sẵn sàng triển khai ứng phó với bão, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu trong trường hợp xảy ra mưa lớn sau bão.

Tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão số 1

Sáng 30/6/2022, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão – cơn bão số 1 năm 2022 và có tên quốc tế là CHABA.

Hồi 7h00, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h00, ngày 1/7, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông Bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 30/6, đã kiểm đếm, hướng dẫn 59.967 tàu/269.122 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (bão) để chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các địa phương, tính đến 7h00, ngày 30/6 có 33 tàu đang hoạt động ở trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (bão). Cụ thể, Bình Định: 27 tàu, Quảng Ngãi: 6 tàu. Trong đó, 2 tàu trong khu vực nguy hiểm (tàu Quảng Ngãi QNg 94149 TS và Bình Định BĐ 97278 TS); hiện các tàu cá đã nắm thông tin và đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động ứng phó.

Tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển xung yếu và các công trình ven biển, bến cảng.

Cùng với đó, rà soát sẵn sàng triển khai ứng phó với bão, mưa lũ, đặc biệt các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu trong trường hợp xảy ra mưa lớn sau bão. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí thường tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó với bão.

DBTT