Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga thu 98 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng sau 100 ngày chiến sự ở Ukraine

ĐNA -

AFP dẫn một báo cáo của CREA cho biết, Nga thu được 98 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Hôm 13/6/2022, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan công bố báo cáo cho biết phần lớn trong 98 tỷ USD Nga thu được từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đến từ thị trường Liên minh châu Âu (EU). Doanh thu lớn nhất của Nga từ nguyên liệu hóa thạch đến từ dầu thô với hơn 48 tỷ USD, tiếp đó là khí đốt, các sản phẩm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.

Nga đạt doanh thu lớn từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch bất chấp đòn trừng phạt từ phương Tây.

Theo đó, EU chiếm 62% kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, trị giá khoảng 60 tỷ USD, trong 1ngày đầu tiên Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Những quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất từ Nga gồm Trung Quốc với 13,2 tỷ USD, Đức với 12,6 tỷ USD và Italy với 8,1 tỷ USD.

Xuất khẩu năng lượng của Nga giảm mạnh trong tháng 5 do một số nước áp trừng phạt đối với Moskva. Tuy nhiên, giá nhiên liệu toàn cầu tăng mang lại nguồn thu lớn cho đối với Nga, với doanh thu xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục. Theo CREA, giá xuất khẩu năng lượng trung bình của Nga cao hơn năm ngoái khoảng 60%.

Báo cáo từ CREA cho hay, một số nước tăng cường mua dầu từ Nga gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Pháp.

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta đến từ CREA cho biết: “Khi EU đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga, Pháp đã tăng cường nhập khẩu để trở thành nước mua LNG lớn nhất trên thế giới”.

Theo Lauri Myllyvirta, hầu hết LNG mà Pháp mua từ Nga là dưới hình thức mua giao ngay, không phải hợp đồng dài hạn. Ông Myllyvirta cũng kêu gọi các nước “hành động đi kèm với lời nói” trong việc thực thi các biện pháp cấm vận năng lượng Nga.

EU đã bị chia rẽ về các bước đi nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Người dân châu Âu đang phải vật lộn với lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi EU áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay đối với Nga.

Đến nay, EU tung 6 gói trừng phạt lên Nga. Trước xung đột Ukraine, EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga, kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

PV