Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/2/2025 đã trở thành cuộc khẩu chiến nảy lửa, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Tổng thống Ukraine rời khỏi Nhà Trắng. Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản, vốn cho phép Mỹ tiếp cận với đất hiếm của Ukraine và cuộc họp báo chung sau cuộc gặp đột ngột bị hủy bỏ.

Tổng thống Mỹ dọa sẽ từ bỏ Ukraine nếu ông Zelensky không đồng ý với các điều khoản hòa bình mà Mỹ đưa ra. Ông Trump cũng cáo buộc Tổng thống Ukraine không biết ơn. Nhà lãnh đạo Ukraine vẫn giữ vững lập trường, thậm chí còn cho ông Trump xem những bức ảnh cho thấy Ukraine bị tàn phá. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu các bên ủng hộ Kiev phải giúp đẩy lui quân Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ giàu khoáng sản trước đây của nước này trước khi đầu tư vào đất hiếm.
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không phải là người muốn tạo dựng hòa bình trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự muốn chấm dứt xung đột.
“Ông ấy không cần phải đứng đó và nói Putin thế này, Putin thế kia, toàn nói những điều tiêu cực. Ngược lại, Tổng thống Nga sẽ muốn tạo dựng hòa bình, ông Putin sẽ làm điều đó, ông ấy muốn chấm dứt xung đột “, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Ông Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã chỉ trích Tổng thống Ukraine không thể hiện đủ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ của Mỹ, cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine cản trở thỏa thuận hòa bình với Nga khi cuộc xung đột toàn diện ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
Sau nhiều tuyên bố qua lại, người đứng đầu nước Mỹ nói: “Ông đang đánh cược bằng mạng sống của hàng triệu người. Ông đang đánh cược với Thế chiến 3 và những gì ông đang làm là rất thiếu tôn trọng đất nước này”. “Ông không tỏ ra biết ơn chút nào”, Tổng thống Donald Trump nói.
Có thời điểm, Phó Tổng thống Mỹ Vance cáo buộc ông Zelensky “thiếu tôn trọng” những người chủ nhà Mỹ.
“Ông đã nói cảm ơn một lần chưa?”, ông Vance hỏi Tổng thống Ukraine.
Cuối cùng, ông Waltz-Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được cử chuyển thông điệp đến phái đoàn Ukraine và Tổng thống Zelensky rằng, ông Zelensky không còn được chào đón ở Nhà Trắng nữa.
Khi người dẫn chương trình Fox News hỏi liệu ông Zelensky có nhận ra tình hình hay không, ông Waltz nói: “Không, ông ấy không nhận ra. Thành thật mà nói, đội ngũ của ông ấy có nhận ra. Đại sứ và cố vấn của ông ấy rơi nước mắt, mong muốn tiếp tục đàm phán, nhưng ông Zelensky vẫn còn tranh cãi”.
Theo lời ông Waltz, ông đã nói với Tổng thống Ukraine rằng, “thời gian không đứng về phía các ông cả ở đây và ở chiến trường”. “Tình hình thế giới không ủng hộ các ông và điều quan trọng nhất là: viện trợ cũng như sự khoan dung của người Mỹ không phải vô hạn”, ông Waltz kể.
Cuộc họp báo chung theo lịch trình bị hủy bỏ và không ký thỏa thuận dự định về việc cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine.

Tổng thống Ukraine bước ra khỏi cánh tây và rời đi trong chiếc SUV màu đen sau cuộc tranh cãi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống J.D Vance. Theo Daily Mail, cảnh tượng chưa từng có này khiến tương lai của Ukraine rơi vào tình trạng bấp bênh khi nước này đang phải đấu tranh cho sự sống còn của mình.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc cắt viện trợ quân sự cho Ukraine hay không, ông Trump trả lời: “Tôi cân nhắc điều gì không quan trọng. Tôi chỉ nói với các bạn: Các bạn đã thấy những gì tôi thấy hôm nay. Đó không phải là người muốn hòa bình, tôi chỉ quan tâm ông ta muốn chấm dứt đổ máu hay không”.
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Mỹ ở phòng Bầu dục đã được truyền đi khắp thế giới. Hai nhà lãnh đạo đều tỏ ra căng thẳng khi nói chuyện với nhau. Bà Oksana Markarova, đại sứ Ukraine tại Mỹ đã vùi mặt vào tay khi theo dõi những gì diễn ra.
Sau cuộc gặp gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ nói ông đã yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraine rời đi. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Tôi xác định được rằng Tổng thống Ukraine chưa sẵn sàng cho hòa bình nếu Mỹ tham gia… Bởi vì ông ấy cảm thấy sự tham gia của chúng ta mang lại cho ông ấy lợi thế lớn trong các cuộc đàm phán. Tôi không muốn lợi thế, tôi muốn hòa bình. Ông ấy không tôn trọng Mỹ. Ông ấy có thể trở lại khi sẵn sàng cho hòa bình”.
Bước ngoặt có thể khiến dòng vũ khí Mỹ tới Ukraine dừng hoàn toàn
Tờ New York Times ngày 1/3 cho biết, sau sự kiện căng thẳng ngày 28/2 tại Phòng Bầu dục, tổng thống có thể quyết định chấm dứt ngay cả các hình thức hỗ trợ gián tiếp mà Mỹ đang cung cấp, bao gồm tài trợ quân sự, chia sẻ tình báo, huấn luyện binh sĩ và phi công Ukraine, cũng như duy trì trung tâm điều phối viện trợ quốc tế đặt tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Đức. Toàn bộ viện trợ của Mỹ cho Ukraine bao gồm cả những lô hàng đạn dược và thiết bị cuối cùng được phê duyệt và chi trả dưới thời chính quyền tiền nhiệm có thể bị hủy bỏ ngay lập tức, đánh dấu một bước ngoặt có thể khiến vũ khí Mỹ không còn được chuyển tới Ukraine nữa.
Những động thái này có thể là một tin dữ với Ukraine vì nó sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực chiến đấu của Kiev với Nga, một cường quốc quân sự áp đảo về tiềm lực. Nga có thể tận dụng thời cơ này để giành thêm lãnh thổ.
Ukraine đối mặt bài toán khó
Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc gặp chóng vánh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine, khi hy vọng xoa dịu ông Trump nhằm giữ lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine giờ đây xem chừng rất mong manh.
Dự thảo thỏa thuận khai khoáng giữa Mỹ và Ukraine không cung cấp cho Kiev bất kỳ điều gì gần với tư cách thành viên NATO mà nhà lãnh đạo Zelensky đang mong chờ. Ông Trump nhấn mạnh rằng, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ở Ukraine sẽ đóng vai trò như một khoản “bồi thường” cho hàng trăm tỷ USD viện trợ của Washington, đồng thời khẳng định sự hiện diện của các kỹ sư và thợ mỏ Mỹ tại Ukraine đã đủ để “đảm bảo an ninh” cho Kiev như yêu cầu của Tổng thống Zelensky.
Theo chuyên gia Wallander thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), sự rạn nứt trong quan hệ Washington-Kiev sẽ buộc Ukraine phải dựa nhiều hơn vào các cam kết từ châu Âu. Trong những tuần gần đây, châu Âu đã thúc đẩy ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, tránh xa tiền tuyến, như một giải pháp đề phòng nếu đạt được lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn đó: Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ giảm hoặc rút hoàn toàn sự hỗ trợ dành cho Ukraine? Khác với châu Âu, Mỹ sở hữu các vũ khí hiện đại mà chỉ nước này mới có thể triển khai ở quy mô lớn, bao gồm tên lửa tầm xa, vận tải quân sự hạng nặng và hệ thống phòng không.
Ông Andrew Weiss, chuyên gia về Nga làm việc tại Quỹ Carnegie, cảnh báo rằng “châu Âu không có đủ nguồn lực hay sự thống nhất để bù đắp” cho khoảng trống mà Mỹ để lại và “họ cũng thiếu các năng lực tình báo quan trọng mà Ukraine cần để duy trì chiến dịch quân sự”. Theo ông Weiss, với tình thế hiện nay, một lệnh ngừng bắn theo điều kiện của Nga trở nên khả thi hơn.
“Ukraine sẽ phải cân nhắc rằng quan hệ với Mỹ đang lung lay và họ cần đạt được một thỏa thuận tốt nhất có thể trước khi lợi thế của Nga trở nên rõ ràng hơn”, ông Weiss nói.
Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 2/3 tới tại London để đánh giá lại tình hình và thảo luận về các bước đi tiếp theo. Ông Zelensky dự kiến sẽ tham dự cuộc họp này.
Thế Nguyễn/tổng hợp