(Đà Nẵng). Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, PGS.TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cho biết sẽ đi đến thống nhất tên gọi Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật, thay vì hiện tại, có nơi là Liên hiệp, có nơi là Hội Văn học nghệ thuật. Tên gọi mới cũng phù hợp với bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tiện trong giao dịch và quan hệ đối ngoại.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật Việt Nam đã và đang triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, bao gồm công việc tại Liên hiệp TƯ đến các địa phương. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ VI, Ban chấp hành trung ương khoá XII, về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18 -NQ/TW).
Hiện Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật Việt Nam hiện có 4 tổ chức Đảng Đoàn và Đảng bộ (của Liên hiệp và của Hội Nhà văn), sắp đến, sẽ chỉ còn một tổ chức là Đảng bộ Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Do đặc thù của 10 Hội chuyên ngành (thuộc Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật Việt Nam), sẽ không thực hiện sáp nhập các Hội lại với nhau. Tuy nhiên, những công việc như sắp xếp lại bộ máy, sắp xếp các cơ quan báo và tạp chí, kể cả phải đình bản hoặc hình thành hợp nhất một diễn đàn, một cơ quan ngôn luận, thì vẫn triển khai nghiêm túc theo các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, với tinh thần quyết tâm, với ý chí cao nhất.
Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (304 1975-2025), Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật sẽ chủ trì 2 sự kiện lớn: Tổng kết 50 năm Văn học cách mạng từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ; Triển lãm 50 năm thành tựu Văn học nghệ thuật Việt Nam (1975-2025) tại Hoàng thành Thăng Long với quy mô 10 không gian trưng bày, triển lãm.
Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng có Tân Chủ tịch nhiệm kỳ 2024-2029.
Trong 2 ngày (20 và 21/12/2024), đã diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Tham dự đại hội có 190 đại biểu, diện cho 1.200 hội viên các Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội.
Qua hiệp thương, Đại hội đã thống nhất cử Ban Chấp hành Liên hiệp hội khóa X, với 15 thành viên. Ông Nguyễn Nho Khiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp (nhiệm kỳ 2019 – 2024), Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước và Trang thông tin điện tử tổng hợp văn nghệ Đà Nẵng được Ban Chấp hành khóa X tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch. Bà Đinh Thị Trang – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian được bầu là Phó Chủ tịch. Theo quy trình công tác nhân sự, thời gian tới, Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng sẽ bổ sung một Phó Chủ tịch.
Xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Đà Nẵng
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh:
“Văn học và nghệ thuật là lĩnh vực có sức mạnh mềm, góp phần bồi đắp và định hình văn hóa, khơi dậy lòng tự hào và kết nối cộng đồng. Là một động lực thúc đẩy khát vọng đôi mới sáng tạo của Đà Nẵng, hướng tới phát triển bền vững.
Với Đà Nẵng, một thành phố đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, vai trò của văn học, nghệ thuật càng trở nên quan trọng và đáng tự hào hơn bao giờ hết. Thành phố cần văn nghệ sỹ không chỉ như người sáng tạo tác phẩm mà còn là những người truyền tải và lan tỏa các giá trị nhân văn, văn hóa, làm đẹp thêm diện mạo đô thị, đóng góp vào sự nghiệp phát triển toàn diện các lĩnh vực đời sống chính trị – kinh tế – xã hội của thành phố.
Văn học, nghệ thuật {đã và đang} đóng vai trò định hình bản sắc văn hóa Đà Nẵng; chính các nghệ sỹ đã và đang nỗ lực đưa vào từng tác phẩm cái hồn của đất và người Đà Nẵng. Văn học, nghệ thuật là động lực nâng cao đời sống tinh thần, làm giàu thêm nội lực và khát vọng của người dân thành phố; những tác phẩm văn học, mỹ thuật, sân khâu, âm nhạc… của thành phố đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thân của người dân, hướng tới những giá trị cao đẹp, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ không ngừng học hỏi và cống hiến.
Đặc biệt, các chương trình nghệ thuật, triển lãm và hội diễn là những “khoảng lặng” quý báu giúp cộng đông cảm nhận và nâng cao giá trị văn hóa, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh. Văn nghệ sỹ Đà Nẵng là những “Sứ giả” trong công cuộc kết nối văn hóa, lan tỏa tinh thần Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đã gợi mở thêm một số vấn đề và gửi gắm Đại hội xem xét, thảo luận.
Ông đề nghị, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai có hiệu quả Nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và chiến lược phát triển xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, gắn với các chủ trượng, định hướng mới của Trung ương về phát triền thành phố trong thời gian đến. Trong đó, xác định phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Vì vậy, Liên hiệp Hội thành phố cần tiếp tục nỗ lực, xứng đáng là tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, là mái nhà chung của giới văn nghệ sỹ, được Nhân dân tin cậy, luôn thực sự đoàn kết, thống nhất và vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố tiếp tục phát huy trong hiến kế xây dựng Đảng bộ, chính quyền thành phố ngày càng vững mạnh, vun đắp niềm tin Nhân dân, nhất là trong việc tham gia đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Đà Nẵng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Lãnh đạo thành phố luôn xác định phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội; trong quá trình phát triển, không chỉ cần đến sự phồn vinh về kinh tế mà còn cần một đời sống tinh thần phong phú, một xã hội nhân văn, tiến bộ, trong đó, người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc và giữ gìn bản sắc đặc trưng riêng có của văn hóa và con người Đà Nẵng, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị lịch sử, truyền thống và hiện đại.
Đội ngũ văn nghệ sỹ vì thế, phải nỗ lực, phát huy tính sáng tạo, sự tâm huyết để cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam gắn với việc giữ gìn hồn cốt, bản sắc văn hóa riêng có của người Đà Nẵng.
Hiện nay các thế lực thù địch triệt để lợi dụng lĩnh vực văn hóa để tăng cường chống phá, tập trung phá hoại nền tảng văn hóa, đạo đức, chia rẽ, lôi kéo một bộ phận trí thức, văn nghệ sỹ đi ngược lại con đường cách mạng. Đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố cần nhận rõ nguy cơ này để vừa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vừa quan tâm tuyên truyền tới hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phầm chất, năng lực, không ngả nghiêng, dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Đấy mạnh quảng bá và phát huy thương hiệu văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế; tiếp tục thực hiện các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, nhất là duy trì hợp tác với thành phố Daegu, Hàn Quốc, góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, hội nhập, giàu bản sắc văn hóa.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lý luận, phê bình, nhất là quan tâm đào tạo và phát triển đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình có chuyên môn cao, đóng góp vào việc định hướng hoạt động sáng tạo. Phát huy vai trò của Tạp chí Non Nước trong việc truyền tải các tác phẩm mới và hoạt động của văn nghệ sỹ đến gần hơn với công chúng.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với chủ trương sắp xếp tố chức, bộ máy, đầu mối các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các hội chuyên ngành, đảm bảo hoạt động hiệu quả; đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong các hội thành viên đối với chủ trương nêu trên.
Được biết, thành phố Đà Nẵng là địa phương đã sớm sắp xếp, quy về một đầu mối – mái nhà chung Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật thành phố, bao gồm 9 Hội chuyên ngành: Hội Điện ảnh; Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật; Hội Âm nhạc; Hội Nghệ sỹ múa; Hội Nghệ sỹ sân khấu; Hội Văn nghệ dân gian; Hội Nhà văn; Hội Kiến trúc sư; Hội Mỹ thuật).
Dự kiến sắp đến, sẽ có lộ trình sáp nhập Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật và Hội Mỹ thuật ; Hội Nghệ sỹ múa và Hội Nghệ sỹ sân khấu; Hội Nhà văn và Hội Văn nghệ dân gian.
Nhiệm kỳ 2019-2024, 9 Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội đã kết nạp trên 100 hội viên mới, tiếp nhận chuyển sinh hoạt từ địa phương khác về 5 hội viên.
Trong tổng số hơn 1.200 hội viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố, có 8 hội viên là Nghệ sỹ Nhân dân, 37 là Nghệ sỹ Ưu tú; 2 Nghệ nhân Nhân dân, 2 Nghệ nhân Ưu tú. Có 16 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước. Ở lĩnh vực văn học, còn có hội viên giành Giải thưởng Văn học Đông Nam Á./.
Trần Ngọc