Theo Bloomberg, Singapore đang tham gia vào quá trình nhập dầu giá rẻ của Nga, sau đó chế biến và bán lại cho các quốc gia trên khắp các châu lục, bao gồm cả Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu của các bể chứa dầu tại Singapore đang tăng vọt, một dấu hiệu bất thường cho thấy làn sóng nhiên liệu của Nga đang được pha trộn và tái xuất khẩu trên toàn cầu.
Singapore đang tham gia vào quá trình nhập dầu giá rẻ của Nga
Hiện nay, Singapore không cấm nhập khẩu dầu hoặc các sản phẩm dầu mỏ của Nga, mặc dù các tổ chức tài chính có trụ sở tại quốc đảo này bị cấm tài trợ hoặc giao dịch với hàng hóa và công ty của Nga. Tuy nhiên, việc xử lý và kinh doanh nhiên liệu của Nga vẫn là một vấn đề nhạy cảm trong khu vực, với một số người mua không muốn bị phát hiện mua hàng. Không gian bể chứa ở Singapore đang tăng lên do sự quan tâm và lợi nhuận tăng lên từ việc trộn nguồn cung cấp nhiên liệu giá rẻ từ Nga với dầu thô từ các nguồn khác – một phương pháp mà Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng.
Dầu thô và nhiên liệu của Nga chảy vào châu Á và Trung Đông đã tăng mạnh kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt do Nga xảy ra xung đột với Ukraine. Những lô hàng như vậy ngày càng được chuyển đến các trung tâm pha trộn và phân phối lại như Singapore và Fujairah ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi chúng có thể được trộn lẫn, đóng gói lại và tái xuất khẩu trên toàn cầu.
Xu hướng Dầu thô và nhiên liệu nhiều hơn từ Nga sang châu Á và vai trò ngày càng tăng của các trung tâm trong việc tái phân phối có thể tăng cường hơn nữa trong những tuần tới – khi lệnh trừng phạt của châu Âu đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023 tới đây.
Nhiều quốc gia châu Á không có lập trường cứng rắn đối với các biện pháp trừng phạt dầu của Nga, chính vì vậy một số chuyên gia trong ngành dự báo các loại nhiên liệu của Nga như gasoil, naphtha và dầu mazut sẽ được tìm thấy nhiều tại các nước châu Á nhờ vào quá trình chế biến và thay đổi nguồn gốc.
Dữ liệu theo dõi vận chuyển của Vortexa Ltd. cho thấy các kho cảng tiếp nhận dầu của Singapore đã tiếp nhận hơn gấp đôi khối lượng naphtha và dầu mazut của Nga vào tháng 12 năm 2022 so với một năm trước. Singapore đã nhận được 2,6 triệu thùng naphtha, gấp gần 40 lần khối lượng của cùng kì năm trước.
Armaan Ashraf, người đứng đầu toàn cầu về chất lỏng khí tự nhiên tại công ty tư vấn công nghiệp FGE, có trụ sở tại Singapore, cho biết lượng naphtha ngày càng tăng của Nga đến các bể chứa của Singapore có thể sẽ được tái xuất khẩu sang các thị trường ở Đông Bắc Á. Ông nói thêm, có khả năng các trung tâm như Singapore và Fujairah sẽ tiếp tục đóng vai trò “đổi nhãn” cho các thùng dầu để phân phối tới các khu vực tương ứng của họ.
Ông William Tan, Phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn nhiên liệu hàng hải Miyabi Industries có trụ sở tại Singapore cho biết các thương nhân và nhà cung cấp nhiên liệu hiện đang tập trung vào các hoạt động lưu trữ và pha trộn dầu do tỷ suất lợi nhuận “rất tốt” từ các hoạt động này.
Ông nói, đó là do nguồn cung cấp dầu nhiên liệu rất rẻ của Nga và các sản phẩm khác như dầu chu trình nhẹ có sẵn. Điều này khuyến khích mạnh mẽ việc pha trộn các loại được chiết khấu cao này thành các hỗn hợp có thể bán lại với giá cao hơn nhiều, do đó khuyến khích các thương nhân và nhà cung cấp nhiên liệu tìm kiếm các bể chứa trên bờ hoặc kho chứa nổi ngoài khơi để lưu trữ.
Theo ước tính của Tan, các thương nhân có thể hưởng mức lợi nhuận gần 20% từ việc trộn các thành phần của Nga với các loại khác để tạo ra sản phẩm dầu nhiên liệu pha trộn. Ông nói thêm rằng xu hướng này đã diễn ra từ tháng 10 và nó còn hơn cả mức lợi nhuận thông thường từ 10% đến 12%.
“Một số nhiên liệu pha trộn này có thể được đưa vào nhiên liệu hầm ở Singapore, hoặc được chuyển sang các nước lân cận như Indonesia và Việt Nam,” Tan nói.
Thêm quốc gia châu Á mua dầu thô của Nga.
Nhật Bản chuẩn bị nhập khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên từ Nga sau hơn nửa năm tạm dừng trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy các nhà nhập khẩu năng lượng dự trữ nhiên liệu nhằm tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai. Trước đó, Nhật Bản đã không nhập khẩu một lô hàng dầu nào của Nga kể từ tháng 5 theo dữ liệu vận chuyển.
Theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp, tàu Aframax Zaliv Baikal đang đi đến Nhật Bản sau khi bốc hàng từ cơ sở Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga vào ngày 28/12/2022.
Trong khi Nhật Bản vẫn cùng với các quốc gia phương Tây trừng phạt Nga sau khi diễn ra xung đột tại Ukraine, quốc gia châu Á này lại không tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt đối với mặt hàng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Chính phủ đã nói rằng dự án xuất khẩu Sakhalin-2 của Nga là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng chính của Nhật Bản, và việc sản xuất và nhập khẩu dầu của nước này là cần thiết để hoạt động ổn định.
Lô hàng này được vận chuyển trong khi Nga cấm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga cho các quốc gia tuân thủ theo giá trần. Vào tháng trước, Nhật Bản cho biết các lô hàng từ dự án xuất khẩu Sakhalin-2 sẽ được miễn trừ trần giá. Tuy nhiên, Nhật Bản đã giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga – đặc biệt là từ dự án dầu khí Sakhalin-1 – kể từ khi xung đột bắt đầu, khi các nhà máy lọc dầu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.
Công ty Taiyo Oil của Nhật Bản là người mua lô hàng mới nhất từ Nga và họ có kế hoạch chia lô hàng này giữa hai bến dỡ hàng tại Kikuma và Namikata, theo một tuyên bố trên trang web của Sakhalin Energy ngày 19/12.
Giá trần EU áp đặt đối với mặt hàng dầu mỏ xuất khẩu của Nga đang bị nhận xét là vô tác dụng.
Nga đã bỏ qua mức trần giá do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt và đang bán dầu thô với giá hơn 60 USD mỗi thùng. Nhà phân tích kinh tế Viktor Katona trên tờ Business Insider đã nói về điều này.
Bất chấp mức giá trần hiện tại, giao dịch dầu mỏ của Nga vẫn ở mức cũ, Nga vẫn duy trì doanh thu của mình. Chuyên gia Viktor Katona – nhà phân tích tại Kpler cho biết, các biện pháp trừng phạt không có tác dụng vì Nga đã dự liệu trước.
Cụ thể, nước này kinh doanh nhiên liệu và tính phí cho các dịch vụ liên quan, bao gồm vận tải và bảo hiểm. Do đó, thu nhập cuối cùng từ các giao dịch hóa ra lại cao hơn giới hạn (60 USD mỗi thùng) do Liên minh Châu Âu đưa ra.
“Sự kết hợp giữa hoạt động vận tải và bảo hiểm do chính họ tiến hành mang lại lợi ích lớn. Trên thực tế, do khép kín toàn bộ, không phải đi thuê tàu chở dầu hay công ty bảo hiểm bên ngoài mà nước Nga sẽ nhận được từ những giao dịch khoản tiền không phải 38 USD mà là 60 – 65 USD, điều mà không ai thực sự nói về nó”, chuyên gia Katona cho biết.
Nga bán dầu của mình với giá chiết khấu cho những khách hàng châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên theo chuyên gia Katona, không ai biết chính xác giá trị thực của hợp đồng giao hàng. Khoản thanh toán bổ sung cho vận chuyển và bảo hiểm mang lại cho Nga một khoản lợi nhuận vững chắc.
“Trước đó hầu như nước Nga không tham gia những dịch vụ gia tăng, họ không làm vận chuyển, họ không làm bảo hiểm, nhưng hiện tại các doanh nghiệp Nga đã tham gia đầy đủ lĩnh vực này”, chuyên gia Katona nói thêm.
Theo nhà phân tích, những bước đi đầy khôn khéo mà Nga thực hiện cuối cùng đã làm nổi bật sự thất bại trong việc áp đặt giá trần dầu mỏ – biện pháp hạn chế mà EU đặt nhiều kỳ vọng sẽ làm giảm doanh thu xuất khẩu tài nguyên của
Nhà phân tích kết luận: “Phần lớn những gì đang xảy ra cho thấy tam giác kinh tế Nga – Ấn Độ – Trung Quốc đang hoạt động mà không cần sử dụng đến phương tiện vận chuyển cũng như các công ty bảo hiểm phương Tây”.
Mặc dù vậy, vẫn cần thêm thời gian để kiểm nghiệm thực tế về số tiền mà Nga thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cho Ấn Độ và Trung Quốc, xem có thực sự vượt giá trần mà Liên minh châu Âu áp đặt hay không.
Chy Le