Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sinh viên Đại học Đà Nẵng “phá vỡ” định kiến giới

ĐNA -

(Đà Nẵng). “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” là dự án được Liên minh Châu  u (EU) tài trợ; Tổ chức Oxfam điều phối và quản lý, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), cùng các trường đại học đối tác tổ chức thực hiện (tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Đại học Đà Nẵng là một trong những đối tác chính của Dự án.

Xác lập vai trò tiên phong của người trẻ trong thay đổi định kiến giới
Dự án kéo dài trong 4 năm (2020-2024), có mục tiêu và phương châm hành động “từ những (Nhóm) hạt nhân, lan tỏa và tạo ra thay đổi trong nhận thức, hành động về bình đẳng giới trong giới trẻ”, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Trong đó, Nhóm mục tiêu của dự án gồm 1.000 thanh niên ở 5 trường đại học, 20 nhóm thanh niên tại cộng đồng (kết hợp có cả bạn trẻ trong các trường đại học) ở 3 thành phố; cùng giám đốc điều hành của khoảng 50 doanh nghiệp… Thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội, do chính các bạn trẻ từ Nhóm mục tiêu khởi xướng, 1.000 bạn trẻ đến từ 5 trường đại học về báo chí và truyền thông (tại Việt Nam), sẽ có nhiệm vụ lan truyền thông điệp tích cực để giải quyết định kiến giới, thực hành bình đẳng giới.

Một số bài dự thi bút họa “Giới và Bình Đẳng” của sinh viên trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Điển hình trong các dự án (sáng kiến), là “Seesaw of Balance”, một dự án bình đẳng giới, hướng tới đối tượng sinh viên trong khối Đại học Đà Nẵng và học sinh THPT trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của dự án là định hướng, nâng cao kiến thức cho sinh viên thuộc các khối ngành khoa học xã hội và truyền thông của Đại học Đà Nẵng về bình đẳng giới trong truyền thông; “nhặt sạn” về giới trong các sản phẩm báo chí , thông qua góc nhìn từ những người làm trong lĩnh vực này.

“Bản thân các thành viên trong nhóm đều là sinh viên chuyên ngành báo chí, vì vậy chúng em hiểu được tầm quan trọng của truyền thông đối với xã hội. Một trong những vai trò quan trọng nhất của truyền thông, đó là định hướng xã hội, và nhóm muốn tận dụng tối đa vai trò đó để có thể lan truyền được thông điệp bình đẳng giới , mà nhóm đang hướng tới với cộng đồng”, Phó nhóm, lớp 21CBCC, Khoa Ngữ văn – Báo chí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, bạn Lê Triều Hoa chia sẻ.

PGS.TS. Dương Minh Quân – Phó Ban Công tác học sinh sinh viên Đại học Đà Nẵng, cán bộ đầu mối Dự án, cho biết: Mục tiêu dự án rất rõ, đó là thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong thay đổi các định kiến giới. Và dự án nhắm đến thay đổi quan điểm, hành động của công chúng tại 3 thành phố lớn nhất Việt Nam, hướng tới bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Để các thái độ và hành vi mới về giới gắn với thực hành, mọi người cần được thông tin và truyền cảm hứng, áp dụng các hành vi mới nhiều lần và hành vi mới cũng được ghi nhận cho những đóng góp của mỗi người đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

PGS.TS. Dương Minh Quân – Phó Ban Công tác học sinh sinh viên Đại học Đà Nẵng, Cán bộ đầu mối Dự án (hàng đứng chính diện với ống kính, thứ hai, từ phải sang), tham gia sự kiện kết nối thanh niên.

Tại Đà Nẵng, dự án đã hỗ trợ kinh phí để triển khai 7 sáng kiến (mỗi sáng kiến được  tài trợ 33 – 35 triệu đồng), của 7 nhóm sinh viên. Các bạn đến từ tất cả các trường Đại học thành viên trong toàn Đại học Đà Nẵng. Qua sáng kiến của các nhóm sinh viên, bình đẳng giới đã được tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp, đến quảng cáo, gia đình, lĩnh vực truyền  thông…

Dự án cũng hỗ trợ các lớp tập huấn về giới cho sinh viên toàn Đại học Đà Nẵng, xây  dựng tài liệu về Giới, với sự tham gia của các Giảng viên đến từ các trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm và Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU).

Không có tính bấp bênh trong cân bằng giữa 2 giới

Sáng kiến “Seesaw of Balance” (tạm dịch là Bập bênh của sự cân bằng), đã xuất sắc giành giải Nhất tại Lễ Trao giải cuộc thi sáng kiến thanh niên Giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới diễn ra vào tháng 9/2023 vừa qua.

“Dự án mong muốn giúp sinh viên – học sinh có cái nhìn đúng đắn, văn minh về bình đẳng giới; có thái độ đối xử phù hợp, tôn trọng với bất kì giới tính; tin tưởng vào bản thân, vượt qua những rào cản, định kiến giới để làm các công việc truyền thông mà mình mong muốn. Không chỉ vậy, dự án còn giúp sinh viên – học sinh nắm được những kinh nghiệm từ các chuyên gia để bảo đảm bình đẳng giới, khi thực hiện những công việc liên quan đến truyền thông ở hiện tại và tương lai”, bạn Lê Triều Hoa – Phó nhóm, lớp 21CBCC, Khoa Ngữ văn – Báo chí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết.

Được biết, trong năm thứ ba của dự án, Đại học Đà Nẵng có đến 4 sáng kiến được nhận tài trợ (để triển khai thực hiện), gồm 3 sáng kiến của các nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm (sáng kiến “Seesaw of Balance” của nhóm cùng tên; sáng kiến “Giới và cơ hội việc làm” của nhóm Hope of Gender và sáng kiến “Định kiến giới trong nghề nghiệp” của nhóm Gender of Profession). Và sáng kiến của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (“WOMENGINEER”, Nhóm BK Maker).

Nhóm Hope of Gender mở chương trình tọa đàm “Giới và cơ hội việc làm”.

Khác với những năm trước, các sáng kiến thanh niên vòng thứ ba tập trung tăng cường thông tin nhằm loại bỏ định kiến giới, thông qua tổ chức một loạt các hoạt động và truyền thông, trên các nền tảng mạng xã hội. Kỳ vọng của nhiều nhóm, là tiến tới xây dựng một cộng đồng các bạn trẻ năng động, sáng tạo, hiểu đúng về bình đẳng giới, từ đó lan tỏa thông điệp bình đẳng giới đến với cộng đồng và xã hội cũng như ngay trên lĩnh vực truyền thông.

Sáng kiến của sinh viên Đại học Đà Nẵng bao gồm các buổi talkshow, workshop với sự tham dự của các khách mời chuyên gia, các cuộc thi sáng tạo như viết, vẽ tranh, cùng với triển lãm và trưng bày, trình chiếu các sản phẩm truyền thông sáng tạo như poster, video, …. Ngoài ra, thông qua sử dụng tích cực các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram và Tiktok), đẩy mạnh truyền thông cho các hoạt động; sáng kiến của sinh viên Đại học Đà Nẵng, thể hiện mạnh mẽ những nỗ lực và góp phần lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới đến nhóm đối tượng chính là học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trả lời câu hỏi “Các bạn sẽ tiếp tục theo đuổi sáng kiến này như thế nào, ví dụ, các thành viên sẽ lan tỏa thông điệp bình đẳng giới rộng hơn, thông điệp đến được với những nhóm đối tượng nhạy cảm hơn? Và các bạn kỳ vọng gì vào chương trình hành động của “Seesaw of Balance”, đại diện Nhóm tự tin cho hay, “chúng em tiếp tục theo đuổi và phát triển sáng kiến này nhiều hơn nữa. Sau talkshow “Truyền thông và giới” (diễn ra vào ngày 26/11 vừa qua), nhóm sẽ tiếp tục tổ chức thêm cuộc thi thiết kế poster/tranh và workshop, tạo thêm nhiều sân chơi cho các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Nhóm mong các bạn trẻ có môi trường để thoải mái nói lên chính kiến của mình về bình đẳng giới”.

Bước đầu, các Nhóm đều đã có thu hoạch tốt, khá thành công trong một số hoạt động. Theo “tiết lộ” từ dự án Hope Of Gender, cuộc thi “Bút họa về giới” nhận được 25 bài dự thi, số lượng đăng ký tham gia lễ trao giải là 176 bạn, đến dự lễ và cổ vũ là 149 bạn. Còn với chương trình TalkShow “Story of Gender” (cũng diễn ra vào ngày 26/11 vừa qua), đã có hơn 200 bạn trẻ đã đến dự/307 bạn nhiệt tình đăng ký hưởng ứng, tham gia chương trình.

Ở các diễn đàn khoa học, Nữ giới đã ngày càng thể hiện vị trí, vai trò, tố chất của mình một cách bình đẳng. Ảnh trong bài: Thanh Nhã – Trung Đức và Ban điều phối dự án ĐHĐN

“Cả Nhóm rất háo hức nhưng cũng đầy áp lực, vì phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn. Cảm giác là luôn lo lắng với câu hỏi: Liệu khi tổ chức các hoạt động có theo kế hoạch, hay Nhóm có đạt được chỉ tiêu ban đầu đề ra hay không ?. Làm dự án nghiêm túc, chất lượng, có hiệu ứng không hề dễ. Nhóm phải suy nghĩ, đầu tư tổ chức các chương trình, cuộc thi với mục tiêu thu hút được các bạn sinh viên quan tâm và hưởng ứng. Cả nhóm băn khoăn và lo lắng, cũng vì lý do này nữa, chúng em là Nhóm khá đặc biệt, bởi thành viên đến với nhau, đều từ các ngành khác nhau”, bạn Đỗ Trường Trung – Trưởng Nhóm dự án Hope Of Gender.

Trường Trung cũng chia sẻ rằng, mình bén duyên với sáng kiến thanh niên này, từ vị trí Cộng tác viên của nhóm dự án BE UNIQUE. Với những gì được học hỏi và được động viên từ bạn bè, Trung quyết định đăng ký tham gia sáng kiến thanh niên năm 2023. Trung không là dân “khoa học xã hội nhân văn”, hay ngành gần khoa học xã hội. Trung hiện là sinh viên năm 3, chuyên ngành Sư phạm Toán học ! Đây cũng là sức thu hút đặc biệt của dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”.

Không chỉ Trường Trung và Nhóm của bạn; Nhóm Hope of Gender còn thu hút sự tham gia đa dạng của các sinh viên đến từ các khoa khác của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng như khoa Hóa và Giáo dục Tiểu học. ThS. Trần Thị Ngọc Hà – Giảng viên hướng dẫn nhóm Hope of Gender, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng luôn bày tỏ những bất ngờ suốt quá trình đồng hành, với vai trò “cố vấn, hướng dẫn” về “những người bạn của mình”.

“Đồng hành cùng các em trong gần một năm thực hiện các hoạt động dự án, thực ra ban đầu, khi nhận hướng dẫn các em, mình không kỳ vọng các em sẽ thành công hay tạo tiếng vang gì cả, mình chỉ mong đây là cơ hội để các em tăng cường hiểu biết những kiến thức về giới và định kiến giới, đồng thời, đưa ra những hoạt động sáng tạo, thu hút các bạn trẻ hiểu biết về vấn đề này nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mình vô cùng xúc động khi thấy các em vừa học, vừa thi, vừa theo đuổi dự án. Các em đã rất nỗ lực để tổ chức các hoạt động ý nghĩa như tổ chức cuộc thi cuộc thi “Bút hoạ về giới” hay Talkshow “Story of gender” thảo luận về vấn đề định kiến giới trong nghề nghiệp hiện nay” – ThS. Trần Thị Ngọc Hà bày tỏ.

Kết nối người trẻ, cùng tạo hiệu ứng mạnh, sinh viên Đại học Đà Nẵng “phá vỡ” định kiến giới
Nằm trong khuôn khổ Dự án Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, trong hai ngày 18 và 19/11/2023, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn việc làm, Du học tự túc – Đại học Đà Nẵng (CESO) phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), đã tổ chức sự kiện “Kết nối thanh niên – Các nhóm thực hiện Sáng kiến thanh niên vòng thứ ba”.

Sự kiện diễn ra tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của ThS. Đào Ngọc Ninh – Quản lý Dự án, Phó Viện trưởng CISDOMA; PGS.TS. Dương Minh Quân – Cán bộ đầu mối Dự án, Giám đốc CESO; TS. Trương Thúy Hằng – Cán bộ đầu mối Dự án, Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam; cùng các em sinh viên là trưởng nhóm và thành viên nòng cốt của các nhóm thực hiện Sáng kiến thanh niên vòng thứ ba đến từ Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Hà Nội và Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Một phiên làm việc của sự kiện “Kết nối thanh niên”. Trong ảnh: ThS. Đào Ngọc Ninh – Quản lý Dự án, Phó Viện trưởng CISDOMA phổ biến tiến độ thực hiện dự án.

Sự kiện “Kết nối thanh niên” là dịp để các thành viên tham gia cùng xem lại kết quả đã thực hiện trong năm thứ ba của dự án, và phổ biến tiến độ năm tiếp theo. Sự kiện cũng là cơ hội để đại diện các nhóm, chia sẻ và giới thiệu sáng kiến của mỗi nhóm. Qua những góp ý của các chuyên gia và tư vấn của các thầy cô chuyên môn, sự kiện “Kết nối thanh niên” giúp các nhóm hoàn thiện hơn sáng kiến của mình, đồng thời tăng thêm năng lực phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện sáng kiến của các nhóm.

Rõ ràng, có một yêu cầu lớn, được những người xây dựng dự án nghĩ đến và mong đợi: Từ những “tuyên truyền viên – hành động viên” là học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng, đại học, các yêu cầu thúc đẩy bình giới sẽ đi vào cuộc sống, và lan tỏa đến nhiều nhóm đối tượng khác, môi trường khác, chứ không “đọng lại” trong một bộ phận trí thức trẻ, có hiểu biết, có nhận thức khá nhạy, và rất tôn trọng bình đẳng giới. Tinh thần bình đẳng giới phải đến được với mọi thành viên trong gia đình, đến cộng đồng. Xoay chuyển được nhận thức, hành vi, của những nhóm đối tượng (được ghi nhận) là “bảo thủ nhất”.

Trong khuôn khổ một chương trình hướng nghiệp, diễn giả khách mời rất bình đẳng. Thậm chí, Nữ giới đã chiếm ưu thế hơn. Định kiến rằng “Nữ giới chỉ nên lo việc gia đình”, thật sự không còn trong xã hội ngày nay.

“Trong quá trình thực hiện, các bạn có tiếc nuối về điều gì chưa thực hiện được như mong muốn của nhóm không ?”, chúng tôi hỏi.

 “Chúng em chỉ mới thực hiện trong phạm vi Đại học Đà Nẵng, nên ngoài những gì đã làm, chúng em muốn truyền thông mạnh về vấn đề giới và cơ hội việc làm, sao cho không chỉ các bạn tại Đà Nẵng, mà rộng hơn là ở các tỉnh thành khác. Chúng em cũng mong muốn, các bạn, các bậc phụ huynh, các nhà doanh nghiệp, cũng sẽ nhận được thông điệp của dự án. Cởi mở hơn về vấn đề việc làm và giới này hơn”, bạn Phạm Thị Thanh Bình, sinh viên năm 3 ngành Báo chí – Trưởng ban Truyền thông dự án Hope Of Gender nhìn nhận và mong đợi.

ThS. Trần Thị Ngọc Hà (Giảng viên hướng dẫn nhóm Hope of Gender), bày tỏ hy vọng rằng, những trải nghiệm trong quá trình thực hiện dự án, sẽ là kỷ niệm đẹp trong quãng đời sinh viên của các em, cũng như là hành trang để các em tiếp tục đưa những kiến thức về giới và bình đẳng giới, lan toả nhiều hơn trong cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay./.

Trung Đức – Thanh Nhã