Thứ năm, Tháng mười 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sở Văn hóa và Thể thao làm việc với Ban Văn hóa- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

ĐNA -

Sáng 27/9/2024, Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh đã có buổi làm việc cùng Ban Văn hóa thuộc Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quản lý nhà nước về lễ hội Phật giáo, các hoạt động biểu diễn, trình diễn, hội nghị, hội thảo khoa học, hoạt động trưng bày, triển lãm văn hóa nghệ thuật. Kiểm kê di sản Phật giáo trên địa bàn toàn tỉnh, công tác nghiên cứu, số hóa, lập hồ sơ khoa học công nhận các di tích Phật giáo tiêu biểu, các bảo vật, di vật, tư liệu có giá trị độc đáo…

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc phía phía Sở Văn hóa & Thể thao có ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở cùng một số trưởng phó và chuyên viên các phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Quản lý Di sản Văn hóa, Thanh tra, Kế hoạch Tài chính và Văn phòng; về phía Ban tôn giáo Tỉnh  có ông Dương Tuấn, phó trưởng ban cùng chuyên viên; về phía Ban Văn hóa và Ban trị sự giáo hội Phật giáo có Hòa thượng Thích Kiên Tuệ, trưởng Ban Văn hóa, Đại đức Thích Quang Tư, Chánh thư ký Ban Trị sự, Đại đức Thích Thiện Tuệ, Phó thư ký, Chánh văn phòng Ban Trị sự, Đại đức Thích Trung Định, Chánh thư ký Ban Văn hóa và Đại đức Thích Chí Viên, Phó thư ký, Phó Văn phòng Ban Trị sự.

Ông Phan Thanh Hải, Sở Văn hóa & Thể thao trao đổi nội dung làm việc với Ban Văn hóa  thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh.

Phật giáo là một tôn giáo lớn, có lịch sử lâu đời và đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc trong suốt mấy nghìn năm qua. Tại Thừa Thiên Huế, vùng đất từng được mệnh danh là xứ Thiền Kinh, Phật giáo càng có vị thế đặc biệt quan trọng và luôn được các triều đại quân chủ phong kiến đề cao, nhất là trong thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn bảo tồn được hàng trăm ngôi chùa, niệm Phật đường, trong đó có nhiều cổ tự nổi tiếng đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Kho tàng di sản văn hóa Phật giáo tại Thừa Thiên Huế hết sức đồ sộ, phong phú, bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu.

Hòa thượng Thích Kiên Tuệ – trưởng Ban Văn hóa phát biểu.

Tuy nhiên việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững cần phải được tiến hành một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Ông Dương Tuấn, phó trưởng ban Tôn giáo tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi thảo luận và đi đến thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp để xây dựng Cơ chế phối hợp và Kế hoạch hợp tác trao đổi giữa Sở Văn hóa & Thể thao và Ban Văn hóa- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thừa Thiên Huế theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong đó trọng tâm là công tác quản lý nhà nước về lễ hội Phật giáo, các hoạt động biểu diễn, trình diễn, hội nghị, hội thảo khoa học, hoạt động trưng bày, triển lãm văn hóa nghệ thuật. Ban Văn hóa- Ban Trị sự của giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ phối hợp hỗ trợ cho ngành Văn hóa trong công tác kiểm kê di sản Phật giáo trên địa bàn toàn tỉnh, công tác nghiên cứu, số hóa, lập hồ sơ khoa học công nhận các di tích Phật giáo tiêu biểu, các bảo vật, di vật, tư liệu có giá trị độc đáo…

Lãnh đạo Sở Văn hóa & Thể thao tặng ấn phẩm của Tủ sách Huế cho Ban Văn hóa- Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thừa Thiên Huế.

Bài và ảnh: Văn Nam/Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.